(QBĐT) - Xác định nâng cao mặt bằng dân trí là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tăng cường nguồn lực cho giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nhất là đối với các địa phương thuộc vùng khó khăn. Đến nay, hệ thống trường, lớp học được quan tâm, đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Gieo những yêu thương
Để giấc mơ con chữ của học sinh (HS) vùng khó không bị đứt quãng, mỗi cán bộ, giáo viên (GV) bằng tình yêu với nghề, yêu trò đã bám trụ ở các thôn, bản xa xôi.
Cô giáo Hoàng Thị Hoài (SN 1992) công tác ở Trường mầm non Lâm Thủy (Lệ Thủy) đã vượt qua không ít khó khăn trên hành trình “gieo chữ” cho HS vùng khó. Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy), cô giáo Hoài lên với vùng cao Lâm Thủy bằng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân và thiệt thòi của HS miền núi, cô đã dành tình yêu thương, trách nhiệm để dạy dỗ, chăm sóc các em.
Là bí thư chi đoàn, tổ trưởng chuyên môn khối mẫu giáo lớn, cô giáo Hoàng Thị Hoài luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các giờ dạy, hoạt động giáo dục. Không chỉ dành nhiều thời gian làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên liệu sẵn có phục vụ hoạt động học tập, vui chơi của trẻ, cô còn chú trọng xây dựng giáo án điện tử với nội dung, hình ảnh phong phú, tạo hứng thú cho trẻ trong học tập và có nhiều đề tài, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn dạy học. Năm học 2023-2024, cô giáo Hoài vinh dự là một trong 14 GV được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tặng danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Bình”.
![]() |
Cô giáo Hoàng Thị Hoài tâm sự: “Niềm hạnh phúc lớn nhất mà em có được là chứng kiến sự tiến bộ hàng ngày của HS. Chỉ cần HS đến trường đầy đủ, vui vẻ, hào hứng tham gia các hoạt động, được phụ huynh tin tưởng, yêu mến là bản thân em cũng như các GV khác cảm thấy được động viên, khích lệ rất lớn. Em mong HS vùng cao được nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần từ các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm… để mỗi ngày đến trường của HS có thêm nhiều niềm vui mới”.
Chở HS đến trường, hỗ trợ bữa ăn… là những việc làm thường xuyên của các GV Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch (Bố Trạch). Trường hiện có 5 điểm lẻ đặt ở các bản. Vì giao thông không thuận tiện nên một số HS phải vượt quãng đường tầm 3-4km mới đến được lớp học, trong khi đó cuộc sống của nhiều người dân còn khó khăn, thiếu thốn nên không có điều kiện theo sát việc học hành của con em. Bởi vậy, GV nơi đây vừa là người dạy chữ, vừa là người cha, người mẹ thứ hai, ân cần chỉ bảo, dạy dỗ, hỗ trợ HS mọi mặt trong học tập, sinh hoạt và tạo cho HS niềm vui khi đến trường.
Thương những HS phải đi bộ tới lớp, các GV đã thay nhau đưa, đón mỗi ngày. Những hôm GV bận việc đột xuất, không thể đưa đón là các HS phải tự đi bộ. Có những em phải đi quãng đường xa nên mệt, đói… ảnh hưởng đến kết quả học tập nên nhiều GV luôn mang theo mì tôm, bánh, kẹo... hỗ trợ HS, nhất là những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì trường chưa tổ chức được hoạt động bán trú...
Cứ mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, GV nơi đây còn phải tích cực đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con đi học. Khó khăn là vậy nhưng trường đã thực hiện tốt việc huy động 100% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
![]() |
Năm học mới, niềm tin mới
Trong những ngày này, các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung, các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đã có sự chuẩn bị chu đáo để HS đến lớp.
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay: Cán bộ, GV, HS toàn trường rất vui khi chương trình “Vì biên cương thân yêu” do Đồn Biên phòng Cồn Roàng phối hợp với Báo Biên phòng và Trường tiểu học Tràng An (Hà Nội) tổ chức đã trao tặng một bộ trang thiết bị điện năng lượng mặt trời cho điểm trường ở bản Coóc. Ngoài ra, nhiều HS được tặng học bổng, áo quần đồng phục, sách, vở, đồ dùng học tập…
Các GV đã và đang tập trung công tác chuẩn bị, vệ sinh, trang trí trường, lớp sạch đẹp và rà soát, nắm bắt tình hình HS để đề xuất các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ. Khó khăn của trường hiện nay là thiếu một số phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, hàng rào bảo vệ… Mặc dù đội ngũ GV đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng mô hình thư viện xanh nhưng vì thiếu mái che, thảm trải… nên chưa tạo được môi trường sư phạm thân thiện để nâng cao hiệu quả công tác phát triển văn hóa đọc cho HS tại các điểm trường.
Bước vào năm học 2024-2025, Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH-THCS Lâm Thủy có nhiều niềm vui mới được dệt nên từ sự nỗ lực, cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường. Phó hiệu trưởng nhà trường Ngô Mậu Tình cho hay: Nhiều năm qua, trường luôn xếp top đầu về chất lượng giáo dục trong các đơn vị vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhiều HS tham gia và đạt thành tích đáng khích lệ trong cuộc thi trạng nguyên tiếng Việt, tiếng Anh trên internet, thi HS giỏi...
Cơ sở vật chất của trường khá đồng bộ với phòng nội trú khang trang, sạch sẽ dành cho HS và cán bộ, GV, hệ thống sân chơi, bãi tập rộng rãi, thoáng mát, khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Trường còn tạo điểm nhấn với góc truyền thống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, góc biên giới-biển, đảo Việt Nam nhằm giáo dục HS giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức về chủ quyền biên giới, biển, đảo Tổ quốc.
Trong năm học mới, trường chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới lớp 5, 9; tiếp tục duy trì việc bảo tồn trang phục đồng bào Bru-Vân Kiều cho HS và hướng đến mục tiêu xây dựng câu lạc bộ cồng chiêng. Qua đó, tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học.
![]() |
Với tinh thần “Không để HS vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường”, Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa đã tập trung rà soát, nắm bắt tình hình thực tế của các trường học, chú trọng vào các trường vùng khó khăn trên địa bàn huyện. Từ đó, đề xuất với cấp có thẩm quyền những phương án cụ thể nhằm tạo điều kiện để các trường học triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới.
Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Trần Thị Thanh Nhàn cho biết: Phòng hướng dẫn các trường học về công tác chuẩn bị, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, đoàn thể… để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho HS vùng khó về sách, vở, dụng cụ học tập… tạo điều kiện tốt nhất có thể cho HS trong học tập, sinh hoạt.
Từ sự nỗ lực của mỗi cán bộ, GV và quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, chất lượng giáo dục ở các địa phương vùng khó khăn, vùng DTTS đã có sự nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ huy động trẻ em, HS DTTS đến lớp ngày càng tăng; HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 100%; HS tốt nghiệp THCS đạt 98,5%... Kết quả đó góp phần thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền, tạo sự bình đẳng cho HS trong tiếp cận giáo dục.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có 12 trường PTDTBT, 5 trường PTDT nội trú. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng nội trú cho HS DTTS cơ bản đáp ứng hoạt động dạy, học của GV, HS. Các chế độ, chính sách đối với HS, GV vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện kịp thời, hiệu quả. |
Nh.V