(QBĐT) - Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó, đã đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng giáo dục (GD) các cấp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), nâng cao chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Kỳ vọng trong năm học mới, ngành GD-ĐT huyện Lệ Thủy tiếp tục có những bước tiến vững chắc, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng huyện Lệ Thủy phát triển nhanh, toàn diện và bền vững…
Huyện Lệ Thủy hiện có 83 đơn vị trường học với 31.000 học sinh, quy mô 1.061 lớp học. Năm học 2023-2024, ngành GD huyện đã quyết tâm, kiên trì thực hiện những mục tiêu, giải pháp trọng tâm đề ra và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, toàn ngành tiếp tục duy trì và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp ở các cấp học bảo đảm sự ổn định bền vững nhằm nâng cao huy động số lượng và phát triển chất lượng GD.
Xác định công tác xây dựng trường CQG là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vậy, Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy đã tham mưu, chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc thực hiện tốt công tác tăng trưởng cơ sở vật chất, thiết bị GD theo hướng hiện đại; tích cực cải tạo các phòng học bộ môn đạt chuẩn, phòng học ngoại ngữ theo hướng hiện đại; đồng thời UBND huyện và các địa phương đã đẩy nhanh thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tranh thủ các nguồn vốn khác đầu tư để thay thế các phòng học đã xuống cấp, tạm bợ. Hiện, toàn huyện Lệ Thủy có 70 trường đạt CQG (đạt 85,4%); trong đó, cấp mầm non 24 trường, tiểu học 20 trường, trung học cơ sở 26 trường và là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ trường đạt CQG.
Một giờ học của học sinh Trường mầm non Ngư Thủy Bắc.
Cùng với nâng cao chất lượng đại trà, ngành GD huyện Lệ Thủy cũng quan tâm nâng cao chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Năm học 2023-2024, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9 có 140 em dự thi và đã đạt 88 giải. Trong đó, có 4 em đoạt giải nhất, 16 em đoạt giải nhì, 32 em đạt giải ba và 36 em đoạt giải khuyến khích. Tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, ngành GD huyện Lệ Thủy tiếp tục xếp thứ nhất toàn đoàn với 30 huy chương vàng, 27 huy chương bạc và 41 huy chương đồng; tham gia cùng đoàn Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc của Sở GD-ĐT, huyện Lệ Thủy đã đạt được 22 huy chương (trong đó có 3 huy chương vàng môn bóng bàn)…
Ngành GD-ĐT huyện Lệ Thủy hiện vẫn còn gặp những khó khăn, như: Mặc dù địa phương đã đạt phổ cập THCS mức độ 3, tuy nhiên, tại các xã vùng cao và một số xã khó khăn, tỷ lệ huy động thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 học lên các loại hình bổ túc và THPT hoặc học nghề còn thấp, dẫn đến chất lượng phổ cập THCS mức độ 3 chưa vững chắc; việc xây dựng mới trường đạt CQG gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới còn khó khăn; công tác tinh giản biên chế và hợp nhất các đơn vị sự nghiệp GD đã ảnh hưởng đến việc thực hiện đổi mới GD phổ thông…
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho biết, để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, phòng GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt quyền chủ động của cơ sở trong phân cấp quản lý GD và phối hợp quản lý trong hệ thống GD; đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị về chất lượng đội ngũ, chất lượng học tập của học sinh, tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển của đơn vị…
Phát huy những kết quả đạt được của năm học 2023-2024, trước thềm năm học mới 2024-2025, ngành GD-ĐT huyện Lệ Thủy đã có những giải pháp cụ thể để tiếp tục có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp trồng người, đó là: Tiếp tục sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp; hoàn thành công tác tuyển sinh năm học mới bảo đảm tỷ lệ tuyển sinh 100%; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng GD toàn diện; đẩy mạnh công tác thực hiện đề án phân luồng sau tốt nghiệp THCS nhằm thực hiện phân luồng thực chất, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tập trung chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG, đặc biệt là các đơn vị kiểm tra lại sau 5 năm (tránh rớt chuẩn), các đơn vị nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới phải về đích đúng thời gian quy định; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT bảo đảm điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025; thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 5, lớp 9, hoàn thành chu trình thực hiện sách giáo khoa mới ở các cấp…
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững thông tin, hiện, ngành GD-ĐT địa phương phải hợp đồng 196 giáo viên (trong đó có 56 hợp đồng trong biên chế, 140 hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) nên đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bởi vậy, các cấp, ngành cần xem xét giao biên chế cho ngành GD-ĐT để tiến hành tuyển dụng đội ngũ nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài; đồng thời cần hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị xây dựng trường đạt CQG, kiểm định chất lượng GD và thực hiện chuyển đổi số…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
(QBĐT) - Ngày 19/7, tại TP. Đồng Hới, Cụm thi đua số 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.