(QBĐT) - Tư duy của phụ huynh, học sinh (HS) về việc lựa chọn học nghề vẫn chưa có nhiều thay đổi. Điều đó khiến cho công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) càng không hề dễ dàng. Tuyển sinh đã khó, việc giữ chân học sinh, sinh viên (SV) lại càng khó khăn hơn. Bởi có một thực tế là hiện nay, tình trạng HSSV tại các trường nghề bỏ học giữa chừng vẫn không có dấu hiệu giảm sút.
20-30% HSSV bỏ học
Năm học 2022-2023, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 có hơn 1.420 HS theo học hệ trung cấp. Để có được kết quả này, đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên nhà trường đã nỗ lực rất lớn trong công tác tuyển sinh, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút HS. Thế nhưng, cũng trong năm học này, gần 300 HS lần lượt bỏ học giữa chừng. Có em mới vào nhập học, có em chỉ vài tháng nữa tốt nghiệp nhưng cũng quyết định… bỏ ngang.
Trường hợp tương tự, tại Trường cao đẳng Luật miền Trung, mỗi khóa học, trường có từ 20-30% HS bỏ học. Theo ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng nhà trường, 98% HSSV của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Nhận thức, điều kiện đi lại, kinh tế… cũng là một trong những lý do khiến cho lượng HSSV bỏ học mỗi năm luôn ở mức cao. Nhiều trường hợp HS mới chỉ nhập học vài ngày đã bỏ học. Cứ sau mỗi học kỳ, lượng HS cứ thế… rơi rớt dần, bất chấp những nỗ lực giữ chân HSSV của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên nơi đây.
Nhiều cơ sở GDNN tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhằm giữ chân học sinh, sinh viên.
Các đề án, định hướng phân luồng HS đều tập trung nhiều đến đối tượng HS tốt nghiệp THCS nhằm giúp các em lựa chọn, tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN. Rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng ưu tiên cho đối tượng này, tuy nhiên, HS tốt nghiệp THCS theo học chương trình “2 trong 1” lại là đối tượng dễ bỏ học nhất.
Số HSSV bỏ học phần lớn tập trung vào các ngành học: Công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, điện… là những ngành nghề “hot” thị trường đang khan hiếm nguồn nhân lực. Nhiều trường hợp HSSV đang trong thời gian thực tập, chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa sẽ tốt nghiệp nhưng vẫn quyết định… bỏ ngang.
Muôn vàn lý do
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Hoa, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, hàng năm, trường có khoảng 20% số HSSV tuyển sinh mới bỏ học giữa chừng bởi vì muôn vàn lý do. Đối tượng chủ yếu là HS tốt nghiệp THCS, theo học chương trình song song: Vừa học nghề, vừa học văn hóa. Với phần lớn số HS này, việc học tại các trường nghề là lựa chọn cuối cùng khi không thi đỗ vào các trường THPT. Nhiều em theo học nhưng nhận thức về việc học nghề, làm nghề còn hạn chế, chưa xác định được định hướng tương lai của bản thân. Cùng với đó là chất lượng đầu vào thấp, ý thức học tập kém, ham chơi… nên khi theo học cùng lúc cả 2 chương trình, nhiều em không theo nổi, đành phải bỏ học.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, nhiều năm qua, trước tình trạng HSSV bỏ học giữa chừng, sở đã chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc đầu tiên là cần tư vấn cho HSSV lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời, muốn thu hút HSSV, các trường cần đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho người học, đầu tư trang thiết bị dạy học nhằm giúp HSSV nâng cao kỹ năng nghề, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp thu hút các em tham gia.
Theo Quyết định số 53/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với HSSV học cao đẳng, trung cấp, người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, rất nhiều con em ĐBDTTS không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng điều kiện gia đình vẫn rất khó khăn. Nhiều em trong số đó không đủ điều kiện để tự trang trải kinh phí khi học xa nhà nên quyết định bỏ học.
Tại Trường cao đẳng Luật miền Trung, gần 30% HS mỗi khóa bỏ học bởi hàng chục lý do khác nhau. Là con em ĐBDTTS, nhận thức còn hạn chế nên nhiều em bỏ học chỉ vì những lý do rất đơn giản: Nhớ nhà, về quê kết hôn… Số khác đăng ký nhập học theo số đông nên khi vào học, không theo được với chương trình học cũng như quy định về lịch trình, nền nếp học tập… dẫn đến tâm lý chán nản rồi bỏ học.
Một số ít do hoàn cảnh gia đình hoặc do chọn sai ngành, chán nên nghỉ. Nhiều em ý thức kém, không chấp hành các nội quy, quy định của nhà trường nên bị kỷ luật, lưu ban, buộc phải thôi học. Một số khác do hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học đi làm sớm để phụ giúp gia đình.
Tìm cách giữ chân
Việc HSSV bỏ học gây ra lãng phí tiền của, thời gian, ảnh hưởng đến tổng thể các kế hoạch phát triển chung và bền vững của mỗi nhà trường. Sau khi nghỉ học, nhiều em trong số đó vướng vào các tệ nạn xã hội hoặc không xin được việc làm do không đủ bằng cấp, trình độ. Trong bối cảnh tuyển sinh vào các trường nghề vốn đã khó khăn, việc HS “rơi rụng” dần cũng là bài toán khiến cho các cơ sở GDNN đau đầu tìm cách tháo gỡ. Để “gỡ” khó, những năm trở lại đây, các trường trên địa bàn đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chương trình đào tạo sát với nhu cầu của thị trường.
Trường cao đẳng Luật miền Trung tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để tạo hứng thú cho HSSV.
Ông Võ Khắc Hoan chân tình chia sẻ rằng, cán bộ, GV trường nghề chẳng khác gì những GV cắm bản, tìm đủ mọi cách để giữ chân HS. Với nhiều trường hợp HS bỏ học, GV phải lặn lội đến từng nhà HS ở tận các tỉnh Tây Nguyên để động viên gia đình, phối hợp với chính quyền địa phương, trường THCS các em từng theo học để khuyên nhủ các em tiếp tục đến trường. Với trường hợp HS nghỉ học do điều kiện kinh tế gia đình, nhà trường tìm cách hỗ trợ tiền học, sinh hoạt phí. Nhiều thầy cô giáo cũng tự bỏ tiền túi để giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt. Mọi nỗ lực đều hướng đến đích cuối cùng là ngăn tình trạng bỏ học giữa chừng.
Thực trạng chung của đối tượng HS tốt nghiệp THCS theo học tại các cơ sở GDNN là các em chưa có hứng thú cho việc học nghề, lâu dần sẽ dẫn đến việc chán học rồi bỏ học. Điều đó đặt ra từ yêu cầu cho GV trường nghề là phải tạo sự hứng thú, từ đó giúp HS có động lực học tập và có thể lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân. Mỗi cán bộ, GV cũng cần quan tâm, động viên, nắm bắt kịp thời tình hình học tập, tâm lý mỗi HSSV để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp HSSV bỏ học do không nhận được sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ kịp thời của gia đình khi bố mẹ ly hôn, bận rộn làm kinh tế. Để tránh tình trạng HS bỏ học giữa chừng, ngoài trách nhiệm của nhà trường, gia đình phải là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, động viên, uốn nắn các em kịp thời.
(QBĐT) - Trước yêu cầu đổi mới của giáo dục và sự phát triển của thời đại, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập.
(QBĐT) - "Sách cho miền cát trắng" là chương trình do những thành viên trang web www.quangbinhonline.com khởi xướng dành cho học sinh nghèo quê hương Quảng Bình từ năm 2006.
(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình và Câu lạc bộ Nhà giáo Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt, ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh.