(QBĐT) - Đang ngược đường 20 Quyết Thắng lên xã Thượng Trạch (Bố Trạch), thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy nhắn: “Em ghé xã miền núi Trường Thủy thăm trường mầm non (MN) nhé. Trường MN Trường Thủy nhiều năm liền luôn xếp thứ nhất trong tổng số 28 trường MN toàn huyện; gặp cô Hoàng Thị Lài, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, có nhiều chuyện hay!”.
Trường MN Trường Thủy (cũ) thành lập từ năm 1993. Tháng 7/2020, sau khi hai xã Trường Thủy, Văn Thủy sáp nhập thì Trường MN Văn Thủy và Trường MN Trường Thủy “về chung một nhà”, giữ nguyên tên gọi Trường MN Trường Thủy.
Câu chuyện thứ nhất, như lời Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình chia sẻ: Là sự tăng trưởng về cơ sở vật chất mang tính đột phá của nhà trường. Từ các cốt vật chất ban đầu còn tạm bợ, thiếu trước hụt sau, trong một thời gian ngắn tính từ khi sáp nhập hai xã, Trường MN Trường Thủy đã huy động gần 5 tỷ đồng để kiện toàn các cốt vật chất. Trong đó UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng dãy nhà hai tầng 4 phòng học, nguồn vốn 3,5 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 550 triệu đồng, UBND xã 200 triệu đồng; nhà trường tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên 111 triệu đồng; huy động nguồn xã hội hóa trên 250 triệu đồng...
Ngoài ra, qua công tác “dân vận” của Hiệu trưởng Hoàng Thị Lài và tập thể giáo viên nhà trường, nhân dân xã Trường Thủy đóng góp hàng trăm ngày công tham gia xây dựng khuôn viên, hàng rào, tạo sân chơi xanh-sạch-đẹp cho trẻ.
Câu chuyện thứ hai tôi chứng kiến khi trực tiếp đến thăm ngôi trường tốp đầu trong 28 trường MN toàn huyện Lệ Thủy lúc “lạc bước” vào phòng truyền thống của nhà trường. Bốn bức tường phòng truyền thống ken dày giấy khen, bằng khen, cờ thi đua các cấp, ngành tặng cho trường.
Với tuổi đời tròn 30 năm, trong khoảng thời gian ấy, thành tích nhà trường ngày một dày thêm: UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 tháng 11/2022; Sở GD-ĐT công nhận chất lượng đạt cấp độ 3; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua năm học 2020-2021; Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua liên tục qua các năm học 2017-2018, 2019-2020, 2021-2022; Tập thể lao động xuất sắc liên tục qua các năm học 2017-2018, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022; Bộ GD-ĐT tặng bằng khen năm học 2017-2018; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm học 2020-2022...
![]() |
Câu chuyện thứ ba, theo đánh giá của Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững: Cô giáo Hoàng Thị Lài là một cán bộ quản lý giáo dục điển hình, có năng lực, trình độ chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ đó phát huy khối đoàn kết, xây dựng Trường MN Trường Thủy trở thành “mái nhà chung” của 337 trẻ và 38 cán bộ, giáo viên. Người dân xã Trường Thủy cho con em đi học với sự tin tưởng tuyệt đối vì thực sự với trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường MN Trường Thủy sinh năm 1981, quê quán xã Liên Thủy, thạc sĩ quản lý giáo dục. Trong câu chuyện cùng tôi, cô Lài chân tình: “Thực sự ngôi trường như ngôi nhà thứ hai của mình và trẻ là những người con yêu thương. Để đạt được và giữ vững thành tích lá cờ đầu bậc MN huyện Lệ Thủy, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn ý thức lấy trẻ làm trung tâm, mọi tình yêu thương đều dành trọn vẹn cho trẻ”.
Cô giáo Võ Thị Hiền, Bí thư Chi đoàn nhà trường, giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi MN cấp tỉnh năm học 2021-2022 chia sẻ về người hiệu trưởng của mình: “Thực sự cô Hoàng Thị Lài là một tấm gương nhà giáo mẫu mực để mọi người học tập. Nhắc đến Trường MN Trường Thủy phải kể về các sáng kiến của cô, như: “Một số giải pháp tăng trưởng cơ sở vật chất trong trường MN để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, “Các giải pháp chỉ đạo lồng ghép phương pháp STEAM vào hoạt động cho trẻ 5-6 tuổi ở trường MN”. Đặc biệt, Trường MN Trường Thủy được mọi người biết đến khi xây dựng và áp dụng thành công các mô hình: “Làm quen Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh”. Để thực hiện hai mô hình này, nhà trường duy trì một phòng dạy Tiếng Anh, Tin học cho trẻ khang trang, hiện đại, trị giá trên 100 triệu đồng”.
Năm đầu tiên tập thể giáo viên Trường MN Trường Thủy triển khai tìm các giải pháp để tăng trưởng cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cái khó đầu tiên nảy sinh là “tiền đâu?”. Ngân sách nhà nước đầu tư làm phòng học khang trang, riêng khuôn viên, sân chơi cho trẻ thì còn đầy đá sỏi. Quyết tâm phải làm bằng được sân chơi cho trẻ. Cô Hoàng Thị Lài xin xã Trường Thủy huy động giúp ngày công lao động san lấp mặt bằng.
Sau khi hoàn thiện mặt bằng, bước kế tiếp là lo kinh phí tạo lập sân chơi. Cô Hoàng Thị Lài về nhà làm công tác tư tưởng với chồng mượn “sổ đỏ” gia đình thế chấp tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Liên Thủy vay 100 triệu đồng góp vào cùng kinh phí UBND xã hỗ trợ cộng với nguồn xã hội hóa. Kết quả, từ sự quyết đoán của cô giáo hiệu trưởng mà một sân chơi đạt chuẩn tại điểm trường trung tâm hình thành trong niềm hân hoan con trẻ.
Chuyện cô Hoàng Thị Lài thế chấp “sổ đỏ” gia đình làm sân chơi cho trẻ từ năm học 2019-2020, ít người biết. Trò chuyện với tôi, cô Lài bảo: “Giai đoạn đó, khó khăn chồng chất khó khăn, chỉ còn giải pháp đó thôi. “Sổ đỏ” gia đình giờ cũng đã lấy về. Thi thoảng vui chuyện, vợ chồng nhắc lại như một kỷ niệm vui, để cảm thông, thấu hiểu nhau hơn khi “đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn!”.
Trước khi chia tay cô giáo Hoàng Thị Lài, tạm biệt ngôi trường tốp đầu ngành MN huyện Lệ Thủy, vẫn là câu hỏi vừa đùa, vừa thật: “Nếu trường tiếp tục khó khăn về tiền bạc, cô giáo có dám cầm “sổ đỏ” vay tiền giúp trường nữa hay không?”. Cô Lài trả lời không chút do dự: “Rất sẵn sàng. Vì học sinh, có cắm thêm mấy lần “sổ đỏ” cũng ưng!”.
Ngô Thanh Long
Bài cuối: Neo chặt “con chữ”