Chuyển đổi số, bước đột phá trong đổi mới giáo dục

  • 07:11, 22/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước yêu cầu đổi mới của giáo dục và sự phát triển của thời đại, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
 
Thúc đẩy sáng tạo 
 
Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới là một trong những điểm sáng về ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn thành phố đã kết nối internet tốc độ cao. Đa số phòng học được lắp đặt tivi thông minh màn hình cỡ lớn để phục vụ hoạt động dạy học. 100% trường phổ thông trên địa bàn có phòng Tin học. Trong năm học 2022-2023, TP. Đồng Hới đã đầu tư 7 phòng Tin học, 27 tivi thông minh, 4 phòng học tiếng Anh cho một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn. 
 
Bà Trương Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường học tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức dạy học, khuyến khích giáo viên (GV) hỗ trợ việc học tập của học sinh (HS) trên nền tảng CNTT có sẵn; sử dụng hệ thống quản lý học, thi trực tuyến K12 Online cho công tác hội họp, tập huấn. 100% các đơn vị GD sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình HS. Nhiều trường học đã triển khai tốt việc áp dụng công nghệ số và thanh toán không dùng tiền mặt...
 
Để giúp GV ứng dụng tốt CNTT trong dạy học, ngành GD-ĐT đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn về xây dựng bài giảng điện tử cho đội ngũ GV. Hiện nay, GV các bậc học từ mầm non đến THPT đều sử dụng tốt phần mềm thiết kế bài giảng trên thiết bị công nghệ vào giảng dạy.
 
Nói về kết quả đạt được khi ứng dụng CNTT, CĐS vào các hoạt động, thầy giáo Phan Văn Giáp, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Trạch (Bố Trạch) cho hay: Trường đã triển khai và ứng dụng hồ sơ, học bạ, sổ điểm, giáo án điện tử; khai thác hiệu quả các phần mềm quản lý nhân sự, quản lý HS, kết nối giữa gia đình và nhà trường qua các phần mềm tích hợp. GV đã khai thác, sử dụng khá tốt các phần mềm hỗ trợ dạy học, giúp HS hứng thú hơn trong học tập. 
Giờ học Tin học luôn có sức hút với học sinh.
Giờ học Tin học luôn có sức hút đối với học sinh.

Chia sẻ về hoạt động ứng dụng CNTT trong thực tiễn công tác, cô giáo Hoàng Thị Hoài Quyên, GV Tin học Trường THCS An Ninh (Quảng Ninh) cho hay: Để chuẩn bị tốt bài giảng trước khi lên lớp, trước đây GV phải soạn giáo án rất kỹ chừng 4-5 mặt giấy A4. Nếu một ngày GV dạy 4 tiết ở 4 khối lớp khác nhau là phải soạn và in ra tầm 20 mặt giấy A4, rất tốn thời gian và chi phí...

Từ khi sử dụng giáo án điện tử, việc soạn bài giảng đơn giản hơn rất nhiều. GV có thể linh hoạt xây dựng bài giảng phong phú, kèm tư liệu, hình ảnh minh họa. Nhờ thế, bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Cùng với giáo án điện tử, việc sử dụng sổ điểm, hồ sơ, học bạ điện tử cũng mang đến cho cán bộ quản lý, GV, HS rất nhiều tiện ích vừa tiết kiệm thời gian lại dễ dàng tìm kiếm khi cần thiết...

Đẩy mạnh chuyển đổi số 
 
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, HS trong toàn ngành về vai trò, lợi ích của CĐS, ngành GD-ĐT đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Cổng thông tin điện tử ngành, đăng tải thông tin về CĐS trên trang fanpage để cán bộ, công chức, viên chức, HS, người dân, doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác…
 
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT được ngành quan tâm đầu tư, nâng cấp, 100% máy tính của cán bộ, công chức, viên chức có kết nối internet tốc độ cao. Hệ thống mạng internet được nâng cấp, hoạt động ổn định, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ CĐS.
 
Triển khai trục dữ liệu để xây dựng kho dữ liệu ngành GD-ĐT, nâng cấp hệ thống cổng thông tin điện tử ngành, ứng dụng hệ thống phần mềm tiếp nhận xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh... là một trong những hoạt động mà ngành GD-ĐT đang tập trung triển khai thực hiện... Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, cải cách thủ tục hành chính... từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT.

Ngành còn có đủ thiết bị hỗ trợ họp, hội nghị trực tuyến, phục vụ các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh với sở, giữa sở với các đơn vị trực thuộc; có hệ thống máy chủ riêng phục vụ công tác công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, phục vụ lưu trữ dữ liệu phần mềm số hóa. Việc tổ chức và tham gia các cuộc họp, hội nghị trực tuyến được thực hiện rộng rãi, trở nên quen thuộc trong toàn ngành, bảo đảm công việc được triển khai nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm nguồn lực…

Ngành luôn tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thực hiện khai thác kho dữ liệu, kho học liệu số tại địa chỉ https://igiaoduc.vn/ để GV và HS tham khảo sử dụng; đăng tải, cập nhật giáo án thi GV dạy giỏi các cấp tỉnh và các tài liệu, thông tin khác liên quan trên Cổng thông tin điện tử ngành GD-ĐT để đáp ứng nhu cầu học tập, khai thác dữ liệu của GV, HS, người dân và doanh nghiệp. Ngành đã triển khai xây dựng, phát triển phần mềm quản lý và tổ chức các kỳ thi chọn HS giỏi tỉnh, hệ thống thư viện số cho các trường phổ thông, phần mềm mô phỏng cho các CSGD…
 
Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật của các CSGD cơ bản đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học. 100% hệ thống mạng nội bộ của các CSGD đã được xây dựng; trên 90% CSGD có hệ thống mạng wifi, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức, người lao động triển khai tốt nhiệm vụ chuyên môn...
Ứng dụng CNTT trong dạy học tạo hứng khởi cho học sinh.
Ứng dụng CNTT trong dạy học tạo hứng khởi cho học sinh.
Các đơn vị đã sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, chuyên ngành, bao gồm: CSDL ngành GD; các phần mềm về quản lý ngân hàng đề thi, quản lý thiết bị, quản lý thư viện, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý y tế học đường, quản lý văn bản và điều hành iOffice, hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp…
 
Các CSGD còn chú trọng sử dụng các nền tảng số, như: Zoom, Google Meet, K12 Online, Microsoft Teams, Google Classroom, Zavi… để phục vụ dạy học trực tuyến. 100% trường học trên địa bàn tỉnh có kết nối internet băng thông rộng…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS, như: Thiếu nguồn nhân lực về CNTT, hạ tầng ứng dụng CNTT và CĐS tại các CSGD chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều CSGD chưa có phòng thí nghiệm/thực hành (Lab), phòng Lab mô phỏng thực tế ảo (VR), phòng Lab mô phỏng thực tế tăng cường (AR).
 
Không ít điểm trường ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa của các xã Trường Sơn (Quảng Ninh), xã Dân Hóa (Minh Hóa), Kim Thủy (Lệ Thủy), Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch)… chưa có đường truyền internet tốc độ cao phục vụ hoạt động dạy và học... Tỷ lệ các CSGD sử dụng phần mềm, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp. Nguồn kinh phí mua sắm, sửa chữa phần cứng và xây dựng, nâng cấp các phần mềm của các CSGD còn hạn hẹp.
 
Từng bước khắc phục khó khăn, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT, CĐS và có nhiều giải pháp nhằm phát triển, khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong GD-ĐT.
Nh.V

tin liên quan

"Lửa" từ tâm!: Bài cuối: Neo chặt "con chữ"
"Lửa" từ tâm!: Bài cuối: Neo chặt "con chữ"

(QBĐT) - "Sách cho miền cát trắng" là chương trình do những thành viên trang web www.quangbinhonline.com khởi xướng dành cho học sinh nghèo quê hương Quảng Bình từ năm 2006.

Ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh
Ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình và Câu lạc bộ Nhà giáo Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt, ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh.

"Lửa" từ tâm!: Bài 2: Vì học sinh... "cắm sổ đỏ" xây trường
"Lửa" từ tâm!: Bài 2: Vì học sinh... "cắm sổ đỏ" xây trường

(QBĐT) - Đang ngược đường 20 Quyết Thắng lên xã Thượng Trạch (Bố Trạch), thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy nhắn: "Em ghé xã miền núi Trường Thủy thăm trường mầm non (MN) nhé!...".