Trăn trở cùng Trường đại học Quảng Bình

  • 11:06, 20/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của tỉnh nhưng nhiều năm trở lại đây, Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) đang rơi vào cảnh thừa thầy, thiếu lớp, vắng sinh viên.
 
Trường ĐHQB được thành lập theo Quyết định số 237/QĐ-TTg, ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Bình mà tiền thân là Trường trung cấp Sư phạm Quảng Bình được thành lập từ năm 1959. Đây là trường đại học duy nhất của tỉnh, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
 
Niềm vui chưa trọn
 
Sau khi được “lên hạng” đại học, Trường ĐHQB đã mở nhiều ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khá cao. Bởi so với việc học ở các trường đại học, cao đẳng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…, chi phí học, tiền phòng trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày như ăn ở, đi lại tại TP. Đồng Hới rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt là học phí cũng thấp hơn so với nhiều trường đại học, cao đẳng khác, giúp các em và gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí. Các em có điều kiện ở gần gia đình, không phải đi xa như các bạn khác.
 
Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì việc chọn hướng đi học gần nhà vừa đỡ gánh nặng chi phí cho gia đình, lại giúp đỡ được cha mẹ, nhưng vẫn có thể theo đuổi ước mơ của mình. Trong khi đó, bằng cấp tương đương như các trường đại học, cao đẳng trong nước, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp tự tin ứng tuyển vào các vị trí có nhu cầu tại các công ty, doanh nghiệp hay tại các địa phương khác.
 
Tuy nhiên, điều bất lợi đối với những sinh viên học tại Trường ĐHQB là điều kiện để được thực hành và cọ xát để tích lũy kinh nghiệm cũng như tay nghề còn nhiều hạn chế, bởi đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đang từng bước được hoàn thiện. Do đó, sức cạnh tranh với các trường đại học, cao đẳng khác gặp khá nhiều bất lợi.
 
Như tình trạng chung của nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước, những năm gần đây, việc tuyển sinh của Trường ĐHQB theo chỉ tiêu được giao không đạt. Nguyên nhân là do, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng nhiều nhưng nhu cầu sử dụng của xã hội không tăng tương xứng. Mặt khác, những năm gần đây, thực hiện tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp đã thực hiện việc thu gọn đầu mối, tinh giảm biên chế dẫn đến nhu cầu tuyển dụng sinh viên vào làm việc ở khu vực này hạn chế.
 
Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chuyển hướng sang học nghề, xuất khẩu lao động… để tìm kiếm việc làm, thay vì đổ xô vào các trường đại học, cao đẳng.
Trường đại học Quảng Bình, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của tỉnh.
Trường đại học Quảng Bình, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của tỉnh.
Lãng phí nguồn lực
 
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2020-2022, từ số lượng ngành đào tạo đến chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐHQB bị giảm sút rất nhiều. Về số ngành đào tạo, từ chỗ năm 2020 có 21 ngành, đến năm 2022 chỉ còn 14 ngành. Về số lượng tuyển sinh, năm 2020, hệ chính quy 354 sinh viên, các hệ khác 193 sinh viên; năm 2021, hệ chính quy 344 sinh viên, các hệ khác 124 sinh viên. Đến năm 2022, hệ chính quy chỉ tuyển sinh được 284 sinh viên, các hệ khác còn 77 sinh viên.
 
Chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, Trường ĐHQB được giao tuyển sinh 915 chỉ tiêu với 21 ngành đào tạo và 50 chỉ tiêu ngành cao đẳng mầm non, trong đó có 184 chỉ tiêu thuộc 5 ngành đào tạo giáo viên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ. Về tuyển sinh nước ngoài, năm 2021, trường tuyển sinh được 13 lưu học sinh Lào đăng ký học chuyên ngành. Cũng trong năm học này, quy mô đào tạo của Trường ĐHQB với 16 ngành đại học và 3 ngành cao đẳng với 929 sinh viên hệ chính quy và 725 sinh viên hệ liên thông, văn bằng 2.
 
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh gặp không ít khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ đạt 35,4%. Hệ thống đào tạo trực tuyến chưa đồng bộ, gây khó khăn cho hoạt động giảng dạy. Các trung tâm đào tạo vẫn còn hạn chế trong việc tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo để mở rộng nguồn tuyển sinh và quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
 
Trong khi đó, đội ngũ giảng viên của Trường ĐHQB ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm đủ số lượng và đạt trình độ chuẩn, giảng dạy theo đúng chuyên môn được đào tạo với tỷ lệ trình độ đào tạo sau đại học đạt cao (97%).
 
Đến thời điểm hiện tại, Trường ĐHQB có 161 giảng viên, trong đó có 54 tiến sĩ, 135 thạc sĩ, 2 phó giáo sư, 3 giảng viên cao cấp, 67 giảng viên chính, bao gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý, hành chính. Ngoài ra, Trường ĐHQB đang có 12 nghiên cứu sinh, gồm 7 nghiên cứu sinh ở nước ngoài và 5 nghiên cứu sinh ở trong nước. Mặt khác, cơ sở vật chất của Trường ĐHQB ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ.
 
Chính vì không tuyển được sinh viên, những năm trở lại đây, đội ngũ giáo viên Trường ĐHQB dạy “cầm hơi”, không đủ số tiết. Điều này dẫn đến thực trạng lãng phí rất lớn nguồn nhân lực được đào tạo rất cơ bản. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất không được sử dụng, khai thác một cách tối đa để có ngân sách duy tu, bảo dưỡng dẫn đến nguy cơ xuống cấp, hư hỏng. Loay hoay chỉ tiêu tuyển sinh, kết hợp đa dạng hóa các loại hình đào tạo là bài toán đặt ra chưa có lời giải đối với Hội đồng nhà trường, Ban Giám hiệu Trường ĐHQB.
 
Cần một hướng đi bền vững
 
PGS.TS. Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua, Trường ĐHQB đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm xây dựng nhà trường trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút sự quan tâm của học sinh và người học có nhu cầu. Nhà trường tiếp tục tuyển sinh mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; các lớp bồi dưỡng Khoa học tự nhiên và Lịch sử-Địa lý, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; các lớp ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, nâng cao; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; các lớp tiếng Anh, tiếng Hàn... theo nhu cầu xã hội.
 
Tuy nhiên một số lớp bồi dưỡng, số lượng người học đăng ký tham gia còn khá hạn chế, chưa tương xứng với quy mô đội ngũ giảng viên điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
 
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Phát triển Trường ĐHQB trở thành trung tâm đào tạo nhiều cấp, đa ngành có uy tín và chất lượng; xem xét thành lập trường THPT, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trực thuộc trường”.
 
Đây là định hướng lớn, bởi vậy, điều cần thiết lúc này là Trường ĐHQB một mặt cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, chú trọng khảo sát, đánh giá nội dung, chương trình giảng dạy, tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường để có sự điều chỉnh, mở những ngành nghề đào tạo theo nhu cầu thực tiễn; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mặt khác cần chủ động báo cáo đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng đề án và sớm đưa vào hoạt động mô hình trường THPT nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất như trường học, khu thực hành, khu rèn luyện, giáo dục thể chất… đã được đầu tư xây dựng.
 
Điều đó cũng góp phần giảm áp lực chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường THPT công lập trên địa bàn TP. Đồng Hới. Đồng thời, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và giải quyết các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động.
                                                                                                    Nhật Linh
 
 

tin liên quan

175 thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
175 thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

(QBĐT) - Ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 175 thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở các môn thi.

Internet ơi... mở ra!
Internet ơi... mở ra!

(QBĐT) - Nếu ở đồng bằng, trong một ngôi trường ở bất kỳ cấp học nào, nhắc đến máy tính, tin học, internet... sẽ là câu chuyện "xưa như quả đất". Thế nhưng, tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch thì việc đưa bộ môn Tin học vào giảng dạy cho học sinh tựa như một giấc mơ. 

Hoàn thành công tác chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024
Hoàn thành công tác chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Sở đã hoàn thành công tác chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024.