Nỗ lực bảo đảm công tác giáo dục-đào tạo gắn với việc an toàn trường học
08:09, 16/09/2021
(QBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ kép là hoàn thành chương trình giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, huyện Bố Trạch đang nỗ lực khắc phục khó khăn để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Năm học vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song Bố Trạch đã tạo được nhiều dấu ấn đáng khích lệ trong công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Huyện đã triển khai tốt nhiệm vụ năm học với 28/28 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mức độ 3 ở cả 3 cấp học: Mầm non (MN), tiểu học (TH), THCS.
Đối với bậc học MN, các trường học đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục. 100% đơn vị trường học được UBND huyện cấp giấy chứng nhận "Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích". Đặc biệt, huyện đã mở thêm 4 nhóm, lớp bán trú tại Trường MN Tân Thượng Trạch với 84 trẻ (từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhóm thiện nguyện tại Hà Tĩnh).
Các đơn vị đều duy trì, phát triển mô hình vườn rau sạch, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ như các trường MN: Cự Nẫm, Khương Hà, Liên Trạch, Cổ Giang, Tây Trạch, Sơn Lộc, Bắc Dinh, số 1 Hoàn Lão...
Các trường học trên địa bàn huyện thường xuyên vệ sinh trường lớp tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch đẹp.
Bố Trạch đã triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình GDMN theo từng độ tuổi, đẩy mạnh thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” và tổ chức tốt hoạt động “Xây dựng khu vui chơi phát triển vận động cho trẻ trong trường MN” cấp huyện với 32/35 đơn vị tham gia.
Ở bậc học TH, các trường học đã triển khai tốt nhiệm vụ năm học, lựa chọn nội dung, xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế của HS và điều kiện của nhà trường, địa phương. Các trường đều quan tâm đến việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, chú trọng giáo dục lối sống, kỹ năng sống, giáo dục nâng cao nhận thức cho HS về chủ quyền quốc gia, biên giới, biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai… bằng nhiều hình thức phong phú.
Các đơn vị còn triển khai sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Dạy học truyền cảm hứng để phát triển năng lực học sinh” và thực hiện chương trình sách giáo khoa mới có hiệu quả. Hiện tại, 25/45 trường học đã có tivi kết nối internet phục vụ dạy học lớp 1, trong đó có một số đơn vị vùng khó khăn như: TH số 2 Thượng Trạch, TH Liên Trạch, TH số 1 Hưng Trạch, TH Mỹ Trạch, TH số 2 Phúc Trạch, TH số 3 Phúc Trạch...
Chất lượng giáo dục toàn diện bậc THCS cũng được nâng lên đáng kể. Toàn huyện có 35/62 học sinh đạt giải các môn thi văn hóa tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 toàn tỉnh. Tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS), các trường học đã chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh; đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng sống, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng hoạt động xã hội cho HS với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa DTTS.
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho HS ở cả 3 cấp học. Một số đơn vị còn tạo điều kiện cho HS được giao lưu, tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài, chất lượng giáo dục ngoại ngữ ngày càng được nâng lên.
Ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục là một trong những hoạt động được Bố Trạch hết sức chú trọng. Đến nay, 100% đơn vị trường học triển khai thực hiện hiệu quả phần mềm cơ sở dữ liệu của ngành, phần mềm quản lý trường học trực tuyến; 94,9% trường TH, 100% trường THCS đã triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn OTT, email, website hoặc ứng dụng di động; 94,5% các trường có trang thông tin điện tử.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CB, GV) được huyện hết sức chú trọng. Hiện tại, Bố Trạch có 3.023 CB, GV, nhân viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học; đa số CB, GV đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.
Ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: Huyện đã có nhiều giải pháp để duy trì nâng cao việc học cho HS nhằm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó tập trung triển khai hoạt động dạy học trực tuyến. Phòng GD-ĐT huyện đã tạo điều kiện cho đội ngũ CB, GV tham gia các khóa tập huấn, nâng cao chất lượng, kỹ năng ứng dụng CNTT.
Các trường học còn quan tâm mua sắm thiết bị và hạ tầng công nghệ để triển khai tốt việc ứng dụng CNTT trong công tác dạy học. Đối với các trường học không đủ điều kiện dạy học trực tuyến (chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa), huyện luôn có những chỉ đạo cụ thể, trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường nhằm nắm bắt tình hình thực tế của HS để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho các em theo nhóm hoặc các hình thức phù hợp khác…
Bố Trạch bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Toàn huyện đã và đang nỗ lực cố gắng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, bảo đảm công tác GD-ĐT gắn với việc việc an toàn trường học.
Song song với triển khai nhiệm vụ năm học, huyện Bố Trạch còn triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng dụng CNTT, xây dựng phương án tổ chức dạy học sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
(QBĐT) - Gần 15 năm dạy học ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa), thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm được người Mã Liềng xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) đặt cho biệt danh là "thầy lỳ".
(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ kiến thức cho học sinh (HS), bắt đầu từ ngày 14-9, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình (QBTV) phát sóng kênh dạy học cho HS lớp 9 và lớp 12.
(QBĐT) - Những năm gần đây, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh liên kết đào tạo với các doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HS, SV) sau khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc CSGDNN "bắt tay" với DN vẫn còn "lỏng lẻo" dẫn đến đào tạo không đúng nhu cầu thị trường lao động…