(QBĐT) - Thời gian qua, bằng nhiều phương pháp và hình thức phong phú, phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập” do Hội Khuyến học tỉnh phát động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Việc xây dựng mô hình “Gia đình học tập” đã trở thành phong trào thi đua của mỗi gia đình trong toàn tỉnh. Thông qua phong trào thi đua, các thành viên trong các gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của địa phương; gương mẫu hơn trong các phong trào.
Việc học tập của con em trong độ tuổi được chăm lo hơn. Việc học tập của người lớn có chuyển biến tích cực, dần trở thành nhu cầu thiết thực; ngoài học tập trên các phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ người lớn tham gia học tập, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) ngày càng nhiều hơn tại các trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó, trung tâm học tập cộng đồng của các xã được củng cố, phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
![]() |
Phong trào học tập suốt đời của các gia đình đã góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Các gia đình đã biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, mở mang ngành nghề mới, dịch chuyển cơ cấu sản xuất kinh tế, tăng thu nhập, góp phần quan trọng cho công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập” đã thực sự góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Gia đình ông Đinh Xuân Lượng ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập” được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Vợ chồng ông Lượng xuất thân là những người nông dân bình dị, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chật vật với cuộc sống mưu sinh, hai vợ chồng ông luôn nhận thức: Chỉ có con đường học tập, rèn luyện mới giúp con người trưởng thành và thoát khổ.
Với nhận thức đó, vợ chồng ông Lượng đã dành một khoản tiền nhất định để nuôi 4 người con học hành đến nơi, đến chốn. Đến nay, 3 người con của ông đã tốt nghiệp đại học, công tác trong ngành giáo dục và lực lượng vũ trang, còn cháu cuối cùng đang học lớp 12. Học lực của các con ông luôn đạt khá, giỏi. Ngoài việc đầu tư cho con cái học hành, vợ chồng ông Lượng mỗi năm đều tham gia học tập các lớp học do địa phương tổ chức; thường xuyên trau dồi kiến thức từ các kênh thông tin đại chúng để nâng cao hiểu biết nuôi dạy con cháu tốt hơn và làm ăn kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu có tại địa phương.
Hay như gia đình bà Hồ Thị Pan ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. “Từ chỗ sống du canh, du cư không ổn định, không có nương rẫy, được sự giúp đỡ của lãnh đạo xã, Hội Khuyến học xã, Trưởng bản Khe Ngang..., gia đình tôi được trở về bản ổn định nhà cửa, phát triển sản xuất lúa nước, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt các loại cây lương thực như ngô, các loại đậu… Nhờ thế kinh tế gia đình được tăng trưởng qua các năm. 4 người con của tôi cũng được học hành tử tế, 3 cháu đã tốt nghiệp đại học và 1 cháu đang học trung cấp y chưa ra trường…”, bà Hồ Thị Pan, chia sẻ.
Được biết, cùng với sự cố gắng của các con, bản thân bà Pan cũng đã tham gia các lớp xóa mù chữ do địa phương tổ chức, đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn về KHKT, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ biết nỗ lực vươn lên và ham học hỏi nên vợ chồng bà Hồ Thị Pan đều được kết nạp vào Đảng, chồng bà Pan được cử đi học cao cấp chính trị ở Đà Nẵng. Gia đình bà trở thành một trong những gia đình hiếu học điển hình đầu tiên trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Có thể thấy rằng, sau 5 năm (2016-2020) phát động phong trào thi đua, đến nay, toàn tỉnh đã có 208.036 gia đình đăng ký xây dựng "Gia đình học tập", tăng 68.829 gia đình so với năm 2016. Trong đó, đơn vị có số "Gia đình học tập" cao nhất là Hội Khuyến học Bố Trạch với 41.588 gia đình, Hội Khuyến học huyện Lệ Thủy 31.817 gia đình và Hội Khuyến học TP. Đồng Hới 25.346 gia đình… Đặc biệt, có 100% các huyện, thị xã, thành phố đều đạt và vượt chi tiêu phấn đấu theo Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị đến năm 2020”.
Hiền Phương