(QBĐT) - Mưa lớn diễn ra trên diện rộng từ trung tuần cho đến cuối tháng 10-2020, đã gây ra lũ lụt lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Mưa lũ đã gây tổn thất lớn cho các địa phương trong tỉnh, trong đó có ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) với hệ thống trường lớp bị ngập sâu trong nước lũ, cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng…
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê của ngành GD-ĐT, hầu hết các trường trong toàn tỉnh đều ảnh hưởng do đợt lũ lụt gây ra, 100% học sinh phải nghỉ học; nhiều trường học bị hư hại nặng như: bị ngập sâu, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi… bị nhấn chìm trong nước. Đặc biệt, có 3 học sinh bị đuối nước (2 em ở Lệ Thủy và 1 em ở Minh Hóa).
Các trường học sớm ổn định, đón học sinh đi học trở lại sau lũ.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình Đinh Quý Nhân cho biết: Toàn ngành có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước, hàng nghìn trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu của toàn ngành trong đợt lũ lụt lịch sử kéo dài này ước tính trên 370 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cơ sở vật chất trường học khoảng 100 tỷ đồng; thiệt hại về sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập học sinh... trên 270 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề của các trường học và đời sống cam go của cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, để sớm ổn định trường lớp, Sở GD-ĐT đã động viên cán bộ, giáo viên nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường. Mặt khác, chỉ đạo các trường học huy động mọi nguồn lực, phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Đoàn Thanh niên, kêu gọi sự hỗ trợ của hội phụ huynh để khắc phục thiệt hại ban đầu, vệ sinh môi trường với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy”. Ngay cả các trang thiết bị chuyên dụng, máy bơm cao áp của lực lượng chức năng cũng được huy động để vệ sinh trường lớp, đẩy bùn non ra khỏi lớp học và sân trường.
Vượt lên khó khăn
Thật khó có thể nói hết những bộn bề khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học trong đợt lũ lụt này, nhất là các trường bị ngập sâu và bị ngập nhiều lần. Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy tâm sự, hầu hết các trường học bị ngập lụt trên địa bàn huyện đều phải dọn lũ đến lần thứ 3, có trường lần thứ 4.
Nhiều trường học bị thiệt hại nặng đã sắp xếp lại các phòng chức năng để có đủ lớp cho học sinh học.
Cứ dọn xong buổi sáng là buổi tối mưa to nước lại vào trường, nhất là đợt mưa các ngày 16 đến 18-10-2020, nước ngập quá sâu, có trường ngập hơn 3m, hệ thống cửa, bàn ghế, thiết bị trôi và hư hỏng rất nhiều. Đội ngũ cán bộ, giáo viên quăng quật suốt ngày đêm với việc thau rửa bùn đất, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, sắp xếp, ổn định cơ sở vật chất để sớm đưa học sinh đến trường.
Ngay sau khi nước lũ vừa rút, chúng tôi có mặt ở nhiều địa phương để chứng kiến không khí khẩn trương, hối hả, với quyết tâm khắc phục nhanh thiệt hại, ổn định trường lớp của cán bộ, giáo viên các trường học. Trường học nào cũng phải mất từ 2-3 ngày cho công tác vệ sinh môi trường, thau rửa bùn đất lắng đọng lại. Nhiều trường học đến mãi ngày 3-11, sau đợt mưa lũ lịch sử gần 2 tuần rồi nhưng vẫn chưa thể ổn định được trường lớp, do thiệt hại quá nặng nề.
Chiều 3-11, tại điểm trường B Trường mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, chúng tôi vẫn bắt gặp các cô giáo của trường không ngơi tay nhặt nhạnh các thiết bị dạy học, đồ chơi học sinh bị vùi trong đống bùn đất. Cô giáo Lê Thị Hoài Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm trường B của Trường mầm non xã Phong Thủy bị nước lũ đánh sập hết tường của các phòng học, đồ dùng dạy học, đồ chơi học sinh, chăn gối, thiết bị, dụng cụ của bếp ăn bán trú trôi theo dòng nước.
Cùng chung khó khăn, vất vả với thầy trò Trường mầm non Phong Thủy là hàng chục, hàng trăm ngôi trường khác trên địa bàn tỉnh. Chung tay với ngành GD-ĐT, đã có hàng chục nghìn ngày công của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, đoàn viên, thanh niên tích cực hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt trong trường học.
Lực lượng Công an tỉnh giúp hàng chục trường học vệ sinh môi trường sau lũ.
Ông Phạm Thanh Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TX. Ba Đồn cho biết, trên địa bàn chỉ có 2/60 trường học (kể cả các trường THPT) là không bị ngập nước, nặng nhất là các trường học ở các xã vùng nam thị xã, có trường ngập sâu hơn 2m, thiết bị trường học bị hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các trường học trên địa bàn thị xã đã huy động nhân lực, cùng với sự hỗ hợ của các lực lượng để dọn dẹp vệ sinh, sớm đưa học sinh đến trường ngay sau đợt mưa lũ.
Tất cả vì học sinh
Qua trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như các phòng GD-ĐT trên địa bàn, được biết, cùng với những thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị mà toàn ngành đang phải từng bước khắc phục thì vấn đề sách giáo khoa (SGK), vở là cần kíp nhất. Bởi, trong đợt mưa lũ, số lượng sách vở của học sinh bị cuốn trôi, hư hỏng rất lớn.
Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, toàn tỉnh thiếu hơn 50.000 bộ SGK cho học sinh, trong đó cấp tiểu học gần 24.400 bộ, THCS hơn 19.000 bộ và THPT là hơn 6.000 bộ. Bên cạnh đó, hàng nghìn bộ đồ chơi, thiết bị dạy học của trẻ mầm non cũng bị cuốn trôi, hư hại.
Trước thực trạng thiệt hại của ngành GD-ĐT Quảng Bình, trong chuyến công tác về với vùng lũ Quảng Bình vào ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo, cần tăng cường kêu gọi hỗ trợ SGK, vở, cặp, quần áo cho học sinh để các em đến trường, không để bất cứ học sinh nào vì điều kiện thiếu thốn mà phải nghỉ học.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, bên cạnh việc chỉ đạo các trường học cố gắng khắc phục lại số SGK bị ướt, ngay sau lũ, ngành GD-ĐT tỉnh đã có thư kêu gọi, tăng cường vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ trang thiết bị cho trường học, SGK cho học sinh vùng lũ. Bên cạnh đó, các đơn vị trường học trong tỉnh không bị thiệt hại nhiều do lũ lụt cũng đã quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các đơn vị khác, nhất là SGK, thiết bị dạy học.
Trường mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (điểm trường Đại Phong) bị nước lũ đánh sập tường các phòng học.
Rất đáng mừng, thông qua Sở GD-ĐT và các trường học, đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia quyên góp, hỗ trợ SGK và vở cho học sinh vùng lũ Quảng Bình. Theo nắm bắt của phóng viên, đến nay, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ cho các trường học ở Lệ Thủy gần 30.000 bộ SGK, hàng chục nghìn cuốn vở; các trường học ở Minh Hóa được hỗ trợ gần 40.000 quyển sách, vở và 9.000 cái bút. Thông tin từ Sở GD-ĐT cho biết, hiện tại, nhiều trường học đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ SGK, vở, bút cho học sinh cơ bản đủ, nhưng tính chung toàn ngành thì vẫn còn thiếu nên sở vẫn đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ SGK, thiết bị dạy học cho các trường.
“Trong hoạn nạn, ngành GD-ĐT Quảng Bình đã vượt lên khó khăn, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự chia sẻ, động viên và hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần của các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm để sớm ổn định trường lớp, đưa học sinh đến trường ngay sau khi nước lũ rút. Đây là một sự nỗ lực rất lớn, tất cả vì sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu”, Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân chia sẻ.
(QBĐT) - Hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020, ngày 9-11, Tỉnh đoàn Quảng Bình, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức phiên tòa giả định "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma tuý học đường" tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đang đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.
(QBĐT) - Chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020), sáng 10-11, tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình (TP. Đồng Hới), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh lần thứ III, năm 2020. Tham dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.