(QBĐT) - Năm 2016, Huyện ủy Quảng Trạch đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy đổi mới công tác quản lý làm khâu đột phá” (Chương trình 07). Trải qua 5 năm triển khai, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Huyện ủy, từ một trường không có thành tích nổi bật, Trường THCS Quảng Tùng đã trở thành một trong những trường tốp đầu của huyện về chất lượng dạy và học.
Ông Phạm Văn Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Tùng cho biết: "Thực hiện Chương trình 07, những năm học qua, Trường THCS Quảng Tùng đã có những đổi mới trong công tác quản lý và giáo dục. Để góp phần thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo trong quá trình giảng dạy, nhà trường đã chỉ đạo, khuyến khích giáo viên tìm tòi những phương pháp dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng giúp học sinh dễ học, dễ hiểu, tăng hứng thú cho các em".
Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn. Ngay từ khi bước vào cấp học, trường đã quan tâm lựa chọn học sinh và đội ngũ giáo viên có năng lực để bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ đó, chất lượng giáo dục nhà trường có những chuyển biến rõ nét. 5 năm qua, trường có 27 học sinh đạt giải cấp huyện, 25 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 5 học sinh đạt giải cấp quốc gia, trong đó có 1 giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật. Năm học 2018-2019, trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch khẳng định: "Xác định việc thực hiện Chương trình 07 là nội dung trọng tâm của việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chương trình nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương nên công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt những kết quả quan trọng. Nhờ việc triển khai nhiều giải pháp từ đầu năm, như: tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý, cập nhật kiến thức, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học…, chất lượng giáo dục địa phương có những chuyển biến rõ nét. Qua 5 năm triển khai chương trình, huyện đã có 38/58 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 65,5%, tăng 11 đơn vị so với năm 2016. Số học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia ngày càng tăng lên".
![]() |
Để có được kết quả đó, huyện đã chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về trách nhiệm nghề nghiệp, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có sự kiến tạo đổi mới trong công tác, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy chế đánh giá, xếp hạng trường và cán bộ quản lý trường học. Quảng Trạch tổ chức khảo sát năng lực cán bộ quản lý trường học với 122/139 đồng chí; đồng thời, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy phòng Giáo dục và Đào tạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến trong lề lối làm việc.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục cũng được chú trọng.
Theo ông Phan Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch, để thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Huyện ủy, phòng đã chỉ đạo các cấp học đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Giáo dục mầm non đã thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nội dung của chuyên đề: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc với giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, với thực tiễn của từng địa phương.
Đối với giáo dục tiểu học, huyện đã chủ trương gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh; lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục lối sống, kỹ năng sống, các kỹ năng tự bảo vệ, chống xâm hại, bạo lực, phòng chống tai nạn bom mìn vào các môn học tự nhiên-xã hội, khoa học và hoạt động ngoài giờ lên lớp, bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, không gây áp lực đối với học sinh, giáo viên.Các cơ sở giáo dục chuyển các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa sang hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm; tập trung vào các hoạt động rèn kĩ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Đối với giáo dục THCS, huyện xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh; triển khai có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, tự nghiên cứu của các em. Nhờ đó, chất lượng mũi nhọn được nâng cao. Năm 2016, số học sinh giỏi đạt giải cấp THCS xếp thứ 5 toàn tỉnh, năm 2018 xếp thứ 3 toàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên có 2 học sinh đạt giải nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia và có học sinh đạt giải nhất cuộc thi Trạng nguyên tiếng Anh cấp quốc gia.
Với những đổi mới về công tác lãnh đạo và giảng dạy, Chương trình 07đã bước đầu nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Những kết quả đạt được sẽ là cơ sở, tiền đề để ngành Giáo dục huyện tiếp tục có những bước tiến mới trong những năm tiếp theo.
Đoàn Nguyệt