"Niềm vui của học sinh nghèo là hạnh phúc của tôi"
09:10, 02/10/2020
(QBĐT) - Trò chuyện cùng bà, tôi cứ ngỡ dường như người phụ nữ ấy muốn ôm vào lòng mình tất cả những toan lo, chật vật của bao phận người khắc khổ. Hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, bước chân của bà Phạm Thị Bích Lựa đã đi đến bao vùng đất từ nơi miền núi xa xôi hay những miền quê cát bỏng, dang đôi tay ra giúp đỡ bao học sinh nghèo, dẫu bản thân đã bước vào tuổi thất thập.
Gõ cửa… xin tiền
Ở bà Phạm Thị Bích Lựa không còn bóng dáng của một Phó Chủ tịch tỉnh về hưu mà là dáng dấp của một người phụ nữ mộc mạc với tấm lòng rộng mở. Người phụ nữ ấy luôn nói về những chuyến đi đến với học sinh nghèo và say mê kể về các em như thể cả niềm vui, nỗi buồn của bà đều ở đó.
Và hẳn nhiên, tròn một thập kỷ gắn bó, những trăn trở, lo toan của bà cũng bởi muốn vun vén cho sự phát triển của Hội Khuyến học tỉnh, để nối dài những bước chân đến trường của bao học sinh nghèo khó.
Năm 2009, sau nhiều năm trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, bà về nghỉ hưu theo chế độ. Khi ấy, nhiều doanh nghiệp tìm đến ngỏ lời mời bà về làm giám đốc điều hành vì họ tin vào uy tín và kinh nghiệm của bà. Nhưng bà từ chối tất cả những lời mời hấp dẫn ấy và chọn cho mình một lối đi nhiều vất vả hơn: làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng làm việc này là góp phần vào sự phát triển của công tác khuyến học và nhất là giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo được đến trường. Đó cũng là một cách để làm việc thiện và tự tạo niềm vui tuổi già”, bà Phạm Thị Bích Lựa chia sẻ.
Bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm 2019.
Thời điểm bà nhận vị trí Chủ tịch hội, Quỹ Khuyến học của Tỉnh hội chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng. Không có tiền, lấy đâu ra để giúp đỡ các em học sinh nghèo? Những suất học bổng chậm đến tay của các em chừng nào thì trong chừng ấy thời gian, con đường đến trường của các em càng gập ghềnh. Điều đó thôi thúc bà bắt tay vào việc ngay: vận động gây Quỹ Khuyến học. Từ những mối quan hệ cũ, bà gọi điện, rồi đến gặp trực tiếp từng tổ chức, doanh nghiệp, trò chuyện với từng cá nhân với mục đích… xin tiền gây quỹ.
Rồi cũng chính bà cùng anh em văn phòng hội trực tiếp kết nối với các tổ chức phi chính phủ để xin học bổng cho các em. Không chỉ vì mang ý nghĩa xã hội mà còn bởi tin tưởng vào uy tín, quý trọng vào tấm lòng của bà, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trao vài trăm triệu, thậm chí 1 tỷ đồng để giúp bà xây dựng Quỹ Khuyến học tỉnh.
“Nói là vận động nhưng thẳng thắn ra là đi… xin tiền. Mà đã xin thì cũng có lúc sẽ thấy chạnh lòng. Có nhiều lần, để xin vài triệu cho các cháu, tôi phải chờ đợi, thậm chí là chầu chực cả ngày trời, rồi lòng vòng với đủ thứ thủ tục, văn bản mới mang được tiền về. Có khi nghĩ cũng rơi nước mắt nhưng vì các cháu, lại vui vẻ làm tiếp. Vì ngay khi nhận việc, tôi đã lường trước được những tình huống như thế này.”, bà chân tình chia sẻ.
Có lần, một doanh nghiệp đồng ý ủng hộ 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học. Bà reo lên sung sướng. Họ không hiểu vì sao người phụ nữ này lại vui với niềm vui chung ấy đến vậy? Nhưng hơn ai khác, bà hiểu rằng 50 triệu đồng là 50-100 em học sinh nghèo có thể có thêm một khoản kinh phí để hỗ trợ cho việc học.
Vậy nên, dù vất vả, dù có lúc không tránh khỏi chạnh lòng, bước chân của bà vẫn lặn lội đi khắp tỉnh, liên lạc với các tổ chức ngoài tỉnh để vận động quyên góp xây dựng quỹ. Niềm vui cũng vì thế mà nhân lên mỗi ngày. Giờ, Hội Khuyến học các cấp đã xây dựng được Quỹ Khuyến học hơn 50 tỷ đồng mỗi năm, riêng Tỉnh hội đạt từ 12 đến 16 tỷ đồng.
Đã rất nhiều lần, phụ huynh ở khắp các huyện, thị xã dẫn con em mình vào đến tận văn phòng hội để xin học bổng. Xúc động trước những hoàn cảnh thương tâm, trong khi quỹ hội không thể chi tùy tiện nên bà và anh em văn phòng lại rút tiền túi ra cho. “Những trường hợp này nhiều không nhớ hết. Họ lặn lội đưa con đến tận đây, không lẽ mình làm ngơ”, bà cười hiền.
Không ngừng sáng tạo
Nhiều năm trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế, nên khi làm việc cho Hội Khuyến học tỉnh, tư duy quản lý kinh tế của bà Phạm Thị Bích Lựa tiếp tục được phát huy. Vận động xây dựng Quỹ Khuyến học, “tiếp sức đến trường” chỉ là một trong rất nhiều hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh.
“Từ năm 2014, Hội Khuyến học được Chính phủ giao nhiệm vụ nòng cốt trong đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập. Muốn vậy, Hội Khuyến học các cấp, mà đặc biệt là tỉnh hội phải đi đầu trong việc dẫn dắt, triển khai xây dựng các mô hình học tập. Các mô hình phải luôn thay đổi tư duy, cách làm, có như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia phong trào học tập suốt đời, từ đó góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế gia đình.”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ thêm.
Muốn người dân hiểu, nghe và làm theo, công tác đầu tiên các cấp hội cần hướng đến là đẩy mạnh tuyên truyền. Mà muốn tuyên truyền tốt thì ngoài nội dung phong phú, hình thức tuyên truyền, vận động phải luôn luôn được đổi mới. Muốn vậy, những người đầu tàu trong hoạt động hội như bà phải luôn luôn tư duy, sáng tạo ra nhiều cách làm hay, hiệu quả.
“Tiếng trống khuyến học”, “Tiếng kẻng khuyến học”, “Tiếng loa khuyến học”… ra đời từ trong những trăn trở không ngừng ấy. Và để gây Quỹ Khuyến học, các cấp hội cũng cần tư duy để đưa ra những cách thức vận động mới mẻ, hình thức phải phong phú, có như vậy mới thu hút sự ủng hộ thường xuyên của các tổ chức, các nhà hảo tâm, các đơn vị doanh nghiệp.
Hơn ai hết, bà hiểu rằng những người làm công tác khuyến học thay vì chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân, biết vì lợi ích chung, chịu khó sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm sẽ góp phần tăng thêm nguồn hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, dần dần sẽ không còn cảnh những học sinh bỏ học vì nghèo đói, lam lũ.
Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi sau một hành trình dài nhọc mệt nhưng người phụ nữ ấy vẫn miệt mài trên con đường đã chọn. Bà hiểu, đâu đó trong những mái nhà lụp xụp, xiêu vẹo dọc dải đất Quảng Bình này, vẫn có những số phận học sinh nghèo nếu không được tiếp sức, đường đến trường của các em sẽ chỉ là những lối đi mịt mờ. Và niềm vui của các em trên hành trình đi tìm tri thức cũng chính là niềm hạnh phúc của bà.
Trân trọng những đóng góp của người đồng nghiệp đáng kính, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: “Hiếm có cán bộ nào tốt và vì các em học sinh nghèo như chị Lựa. Sống và làm việc cùng chị, bản thân học tập được nhiều điều. Tôi chỉ mong Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026, chị tiếp tục làm Chủ tịch hội để khuyến học Quảng Bình phát triển hơn, học sinh, sinh viên Quảng Bình được giúp đỡ nhiều hơn”.
Trong 5 năm 2015-2020, Hội Khuyến học tỉnh 5 năm liền là lá cờ đầu của khu vực Bắc miền Trung, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua năm 2017, tặng bằng khen năm 2015, 2018, Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng bằng khen năm 2017.
Cá nhân bà Phạm Thị Bích Lựa cũng vinh dự được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen năm 2015, 2016, Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng bằng khen năm 2017.
Để quản lý việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học của học sinh, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
(QBĐT) - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tiền thân là Trường THPT bán công Quảng Trạch được thành lập từ năm 2000. Với xuất phát điểm là trường bán công nên chất lượng tuyển sinh đầu vào những năm đầu mới thành lập của trường rất thấp.
(QBĐT) - Chiều 30-9, đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) về triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.