(QBĐT) - Gần 4 tháng qua, cũng như học sinh (HS) các tỉnh, thành trong cả nước, hơn 23 vạn HS Quảng Bình phải nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian đó, ngành Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình mà trực tiếp là đội ngũ các thầy cô giáo đã không ngừng nghỉ, miệt mài bằng nhiều cách làm sáng tạo để truyền thụ kiến thức đến cho HS, với quyết tâm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học".
![]() |
“Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, HS vừa đi học trở lại thì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã thông báo cho HS toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 4-2. Đến ngày 2-3, HS khối THPT được đi học trở lại, nhưng trước tình hình dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu, ngày 12-3, tỉnh đã quyết định cho HS các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em trước đại dịch.
![]() |
Đây là đợt nghỉ học dài ngày nhất chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành Giáo dục. Để chủ động ứng phó với đại dịch, cùng với việc cho HS nghỉ học, tất cả trường học tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng trường lớp học và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho HS, phụ huynh về phòng chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, trên tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương để có phương án cụ thể hướng dẫn HS tự ôn tập bài ở nhà, củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học tránh dịch bệnh. Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân cho biết: Từ ngày 13-4, Bộ GD-ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức phát sóng chương trình dạy học kiến thức mới trên kênh VTV7. Nội dung dạy học là những bài bắt đầu của học kỳ II.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình HS không có tivi hoặc có tivi nhưng không thể tiếp sóng được kênh VTV7. Để tạo điều kiện thuận lợi cho HS tham gia học tập, bảo đảm hoàn thành chương trình đúng tiến độ quy định, sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT, Đài PT-TH tỉnh, Sở Thông tin-Truyền thông phối hợp tổ chức cho HS học trực tuyến qua các kênh truyền hình.
Đài PT-TH tỉnh đã tiếp sóng chương trình dạy học của của Đài Truyền hình Việt Nam và phát trên kênh truyền hình Quảng Bình theo lịch phát sóng trên kênh VTV7. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án tổ chức cho HS trên địa bàn học trên truyền hình, đồng thời hỗ trợ cho những HS có điều kiện kinh tế khó khăn, không có tivi để các em được tham gia học tập trên truyền hình.
![]() |
Nhiều cách làm sáng tạo
Thực hiện chỉ đạo của sở, các đơn vị trường học mà trực tiếp là đội ngũ thầy cô giáo, bằng nhiều cách làm sáng tạo khác nhau đã truyền tải kiến thức đến cho HS để các em không quên bài học của mình. Thầy Hoàng Thanh Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết: Nhà trường đã phối hợp với VNPT Quảng Bình tập huấn ứng dụng các phương tiện hiện đại nhằm hỗ trợ quá trình dạy học, đặc biệt là việc dạy học trực tuyến cho HS. Ngay sau khóa tập huấn đã tổ chức dạy học trực tuyến cho HS toàn trường theo thời khóa biểu cụ thể. Tất cả GV đều hưởng ứng nhiệt tình, tích cực chuẩn bị bài dạy vừa bảo đảm về kiến thức, vừa hấp dẫn về phương pháp. Còn HS tự giác học tập nghiêm túc, sau mỗi buổi học đều trả lời phiếu học tập do GV bộ môn yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhà trường còn hướng dẫn HS cài đặt phần mềm “Học tốt”, “Lời giải hay” trên điện thoại thông minh để ôn tập; truy cập vào website của trường để tham khảo tài liệu, bài giảng; hướng dẫn HS tải tài liệu học tập miễn phí trên kho dữ liệu bài giảng của Bộ GD-ĐT; xây dựng, sử dụng các phương tiện thông tin như: thư điện tử, cổng thông tin của nhà trường, các nhóm zalo, facebook, messenger, các phần mềm học tập để cung cấp tài liệu, bài giảng, chuyên đề cho HS ôn tập kịp thời…
Nhất là khi có chương trình học trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhà trường đã thông báo rộng rãi lịch phát sóng dạy học và quán triệt HS thực hiện. Sau mỗi buổi học trên truyền hình, GV chủ nhiệm lớp 12 báo cáo số lượng HS tham gia học cho nhà trường. Ngoài ra, căn cứ vào nội dung dạy trên truyền hình, nhà trường bố trí 1 buổi dạy trực tuyến/môn để GV củng cố kiến thức bài dạy, hướng dẫn HS làm bài tập liên quan đến bài học đó.
![]() |
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho hay, ngay từ tuần thứ 2 HS nghỉ học, phòng đã yêu cầu các trường chỉ đạo GV ra đề cương hướng dẫn HS học bài ở nhà. Đầu tháng 3, các trường triển khai dạy học trực tuyến. Với những địa bàn vùng sâu, vùng xa như Kim-Ngân-Lâm Thủy, nhà trường cắt cử GV đưa bài về tận bản và hướng dẫn cho các em tự học.
Khi HS lớp 9 được học qua kênh truyền hình, GV các trường chủ động quản lý HS học từng ngày. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại ngành GD-ĐT Lệ Thủy có khoảng trên 80% HS được học trực tuyến và qua kênh truyền hình, với tinh thần học tập phấn khởi, tự giác. Một số đơn vị như THCS Mỹ Thủy, THCS Kiến Giang, THCS Phong Thủy, tiểu học Mỹ Thủy... có 100% HS được học trực tuyến và học qua truyền hình.
![]() |
Từ huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hóa Tiến Hoàng Văn Hải chia sẻ: Trường đóng trên địa bàn vùng khó, với gần 700 HS, trong đó có gần 100 HS dân tộc thiểu số thuộc 3 xã biên giới Hóa Sơn, Dân Hóa và Trọng Hóa (bản xa nhất cách trường hơn 50km đường rừng), cơ sở hạ tầng khó khăn, nhất là công nghệ thông tin… nên việc kết nối để dạy học trực tuyến cho HS thật sự khó khăn đối với đơn vị. Nhưng đội ngũ GV đã cùng nhau nỗ lực cố gắng thông qua internet, các mạng xã hội để kết nối với HS, giúp các em ôn bài.
Đối với các xã biên giới, hàng tuần, GV soạn bài, in sẵn rồi lặn lội về tận bản giao bài mới và thu lại bài tập các em đã làm trong tuần. Khi có chương trình học qua kênh truyền hình, nhà trường đã thông báo cho HS và nhờ phụ huynh giám sát các em. Vì điều kiện vùng sâu, vùng xa khó tiếp sóng truyền hình nên theo nhóm từ 3-5 em cùng học chung 1 tivi, các em tự quản và sau mỗi buổi học báo cáo lại cho GV chủ nhiệm biết tình hình học tập.
Thầy Hải chia sẻ thêm: "Tuy các em tự giác học tập, nhưng chất lượng chắc chắn sẽ không như mong muốn nên nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch, khi HS đi học trở lại sẽ tổ chức những buổi học phụ đạo thêm buổi tối, nhất là đối với HS lớp 9 và lớp 12, vì đa phần các em ở nội trú”.
![]() |
Ngay từ những ngày đầu HS toàn tỉnh nghỉ học để phòng tránh dịch, Trường tiểu học Chu Văn An (TP. Đồng Hới) đã bắt tay vào triển khai thực hiện dạy học trực tuyến. Hiện tại, trường cũng là đơn vị đi đầu của ngành GD-ĐT Quảng Bình trong việc tổ chức dạy bài mới kết hợp nội dung ôn tập cho HS.
“Trước những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhà trường xác định cần phải nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thích ứng với tình hình và xu hướng giáo dục hiện tại. Nhà trường đã tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn và dự giờ góp ý để đổi mới hình thức dạy học. GV cũng đã dành thời gian nhiều hơn, đầu tư công sức để nghiên cứu và trau dồi kĩ năng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị vào hỗ trợ dạy học trực tuyến, quay phim bài giảng, tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tuyến để chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng từng nội dung bài dạy… Nhà trường cũng tổ chức khen thưởng sau mỗi giai đoạn học tập để động viên, khích lệ GV, HS hoàn thành tốt công tác dạy học trực tuyến”, cô Đặng Thị Trà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết.
Với những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu mùa dịch, đến thời điểm này, Quảng Bình chưa có ca nhiễm Covid-19, tất cả HS và cán bộ, GV toàn ngành giáo dục an toàn trước dịch bệnh. Và điều mà phụ huynh ghi nhận, đánh giá cao là sự kết nối giữa nhà trường và HS. Dù nghỉ học ở nhà nhưng HS luôn được thầy cô giáo quan tâm, hướng dẫn học bài và các kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, hầu hết HS rất hào hứng tham gia các lớp học trực tuyến và học qua kênh truyền hình VTV7. Tuy nhiên, điều mà các em mong mỏi nhất là dịch bệnh nhanh chóng qua đi để được trở lại trường và được học trực tiếp với thầy cô giáo của mình!
Nội Hà