(QBĐT) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt chính sách cho bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên (HSSV) và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ tính riêng học sinh lớp 1, vẫn còn trên 576 em chưa có thẻ BHYT (chiếm hơn 3,9%). Trong bối cảnh hiện nay, đây là một thách thức không hề nhỏ mà ngành BHXH và các cơ sở giáo dục cần phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
HSSV hưởng thụ nhiều lợi ích khi tham gia BHYT
Thời gian qua, công tác BHYT cho đối tượng HSSV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngành BHXH tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai BHYT cho HSSV và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều đạt tỷ lệ cao.
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 410/410 trường tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số HSSV đang theo học tại các trường trong năm học 2018-2019 là 166.809 em, tăng 5.743 em so với năm học 2017-2018, trong đó có 166.014 em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 99,52%, tăng 6.702 em, tương ứng tỷ lệ tăng 0,61% so với năm học 2017-2018.
Luật BHYT quy định, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT; tuy nhiên đây cũng là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, miễn phí hoàn toàn đối với HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và con cán bộ, sỹ quan trong lực lượng vũ trang được cấp thẻ BHYT….
HSSV khi tham gia BHYT, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh (KCB), khi khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác theo quy định, thì còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học.
|
Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi KCB bằng BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo, điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng/một trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, trong năm học 2018-2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều trường hợp được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí cao như: em Lê Xuân Q. (SN 2001) ở Lệ Thủy được thanh toán chi phí KCB gần 150 triệu đồng; em Nguyễn Thị Thủy T. (SN 2009) ở Lệ Thủy được thanh toán gần 72 triệu đồng...
Bên cạnh đó, nhóm HSSV còn có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Mặc dù, Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Xét trên phương diện xã hội, việc HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là sự sẻ chia với cộng đồng, xã hội.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
100% HSSV tham gia BHYT là mục tiêu phấn đấu mà ngành BHXH tỉnh đặt ra tại hội nghị triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2019-2020. Đến thời điểm này, khi năm học mới đã đi qua gần một học kỳ, chỉ tính riêng học sinh lớp 1 (các khối lớp khác đến hết tháng 12-2019, thẻ BHYT mới hết hạn), trong tổng số 18.665 em vẫn còn 576 em chưa tham gia BHYT (chiếm 3,9%).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho rằng, tuy đây là một con số nhỏ, nhưng trong bối cảnh hiện tại, đó là một thách thức không nhỏ đối với ngành BHXH và các cơ sở giáo dục.
Bởi lẽ, trong thời điểm hiện tại, những trường học ở vùng ven biển đã hết hạn được hỗ trợ BHYT do sự cố môi trường biển và công tác vận động HSSV ở đây tham gia BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn do số thẻ hết hạn hỗ trợ rất lớn.
Bên cạnh đó, tại một số trường học vùng công giáo, một số linh mục cực đoan xuyên tạc rằng BHYT HSSV là khoản tiền tự nguyện nên đã tuyên truyền, ngăn cấm cha mẹ, học sinh không tham gia mua BHYT cho các em.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4, điều 12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Do đó, học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được hỗ trợ một phần mức đóng theo các quy định của Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp kinh phí từ Quỹ BHYT để thực hiện KCB trong chăm sóc sức khỏe ban đầu phải có đủ các điều kiện: có ít nhất một cán bộ đủ điều kiện hành nghề KCB theo quy định của pháp luật, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhà trường phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV bị tai nạn thương tích, mắc các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường.
Tuy vậy, thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số cơ sở giáo dục chưa thể đáp ứng những điều kiện như nêu trên. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại trường học.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhưng hiện vẫn còn thiếu chế tài xử lý vi phạm về BHYT, do đó hiệu quả còn chưa cao. Công tác tuyên truyền về BHYT HSSV dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đa dạng về hình thức, chưa thường xuyên và đơn giản về nội dung nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu kinh phí BHYT HSSV tại một số nhà trường hàng năm chưa thường xuyên, chưa đồng bộ và chưa kịp thời. Điều kiện về nhân lực làm công tác y tế trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe HSSV còn trong tình trạng thiếu thốn và bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các nhà trường, đặc biệt tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới…
Phan Phương