(QBĐT) - Với trẻ khuyết tật, ngoài việc phát hiện và có sự can thiệp kịp thời, vấn đề hỗ trợ để các em có thể tham gia giáo dục hòa nhập một cách thuận lợi với tỷ lệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn. Ở Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, những năm qua, công tác này đã được chú trọng và thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Chúng tôi đến Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đúng giờ học hòa nhập của cô bé Phạm Minh Hoàng Linh dưới sự dẫn dắt của cô giáo Phạm Thị Hoa Mai. Bé Linh đang háo hức với những con chữ, bài hát, trò chơi mà cô giáo hướng dẫn em. Có những thời điểm, tưởng chừng như hai cô trò bất lực vì Linh không thể nhớ nổi mặt chữ mà cô giáo vừa nhắc trước đó. Thế nhưng, rất nhẫn nại, cô Hoa Mai lại nhẹ nhàng, chỉ bảo cho em.
Chị Hoàng Thúy Hương, mẹ của Hoàng Linh tâm sự: "Khi sinh ra, không may bị hội chứng down nhẹ, nên con gái thiếu tập trung và khả năng tiếp thu chậm hơn những trẻ khác. Bởi vậy, tạo được hứng thú trong học tập đối với con không hề đơn giản. Tôi chỉ mong con biết chữ, biết tính toán để tự phục vụ bản thân chứ không mong gì nhiều. Thế nhưng, có những chữ cái, dù đã được học tới hàng trăm lần, ngay sau đó, Linh quên hết".
“Khi cháu tới trường, tôi cũng rất lo lắng. Nhưng sau những giờ học, thấy cháu nhanh nhẹn, tiếp thu được bài hát, các chữ cái gắn với bài hát đó. Về nhà, cháu khoe hôm nay con được dạy bài con gà, con bò... và yêu cầu mẹ mở cho con nghe tiếp. Phụ huynh cũng được mời tới xem các phương pháp cô dạy trên lớp để về nhà nhắc lại cho cháu. Thấy con cái được quan tâm, tôi rất là mừng và thấy chương trình phù hợp, hiệu quả”, chị Hương vui vẻ cho biết.
![]() |
Một tiết học tại góc hỗ trợ hòa nhập đầy hứng khởi của cô trò Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh. |
Trung bình mỗi tuần, những học sinh khuyết tật như Linh được học 2 tiết tại góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Qua các tiết dạy này, các em được cô giáo quan tâm chỉ bảo nhiều hơn, nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt qua từng tiết dạy. Góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập của Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh đã trở thành mô hình điểm, được các đơn vị bạn trong toàn tỉnh đến học tập.
Ở một lớp học khác, các bạn học sinh trong nhóm “Vòng tay bè bạn” đang hỗ trợ, hướng dẫn bạn của mình- vốn là trẻ khuyết tật- thu nhận kiến thức do cô giáo truyền dạy. Nhóm “Vòng tay bè bạn” là một hình thức hỗ trợ trẻ khuyết tật có tính truyền thống, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của các thế hệ học sinh từ trước tới nay, giờ tiếp tục được vận dụng và phát huy hiệu quả tích cực hơn.
Cô giáo Phạm Thị Hoa Mai là người tham gia dạy trẻ học hòa nhập đã 2 năm nay chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy trẻ khuyết tật, chúng tôi vẫn luôn mong có một góc riêng dành cho những em kém may mắn, không được bình thường như các bạn khác. Và quả thật, kể từ khi có góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập, lại được tham gia tập huấn, chúng tôi thấy đã có luồng ánh sáng mới để giáo viên chúng tôi có đường đi, có biện pháp hướng dẫn các em, giúp các em tiến bộ dần dần, trở thành người có ích cho dù con đường đó lâu dài và phải kiên trì”.
Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh hiện có 6 em học sinh khuyết tật với các dạng, như: tự kỉ, khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn..., đang theo học hòa nhập. 100% em khuyết tật trong độ tuổi đến lớp. Đây là thử thách đối với những giáo viên trực tiếp giảng dạy khi việc tiếp cận, hiểu các em đã khó, để truyền đạt kiến thức, các kỹ năng trong sinh hoạt cho các em còn khó bội phần.
![]() |
Nhóm “Vòng tay bè bạn” là mô hình được vận dụng và phát huy hiệu quả. |
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Đào, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Bảo Ninh cho biết, quá trình dạy dỗ các em gặp nhiều khó khăn so với bạn bè cùng trang lứa. Sự hỗ trợ từ dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Bình” (tổ chức Caritas Thụy Sĩ tài trợ) về mặt kĩ năng, phương pháp giáo dục và thiết bị giảng dạy chuyên biệt đã giúp nhà trường đạt được nhiều kết quả trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được nâng lên. Giáo viên sau khi tập huấn có kiến thức, điều chỉnh mục tiêu giờ dạy trên lớp phù hợp với từng dạng tật, từng đứa trẻ. Ngay cả trong các em học sinh, cách nhìn nhận về các bạn khuyết tật cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Mặt khác, sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và địa phương nhịp nhàng hơn cũng mang lại hiệu quả cho công tác giảng dạy trẻ em khuyết tật đang theo học tại trường. Các em khuyết tật đều thích đến trường; nhiều em có sự tiến bộ rõ rệt, ngoan hơn, tự tin hơn, hòa nhập với các bạn tốt hơn.
Nói về những kinh nghiệm trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, cô Đào cho rằng, giáo viên đóng vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục hòa nhập nói riêng. Các giáo viên phải có tâm với nghề, học sinh luôn nhận được sự quan tâm của giáo viên, uốn nắn chỉ bảo các em. Sự vào cuộc quyết liệt từ sở, phòng, trường giúp việc chỉ đạo được đồng bộ thống nhất từ trên xuống dưới. Một điều quan trọng nữa là việc can thiệp cá nhân với sự tham gia của giáo viên và phụ huynh. Điều này không chỉ giúp các em học tập tốt hơn mà các em thấy mình được quan tâm nhiều hơn. Thực tế cho thấy, muốn đạt hiệu quả cao phải trao cho giáo viên những kiến thức và phương pháp hỗ trợ dành cho giáo dục trẻ khuyết tật.
“Chúng tôi xác định trẻ khuyết tật không được học hòa nhập sẽ mất cơ hội tham gia cộng đồng, nên luôn xem giáo dục hòa nhập là nhiệm vụ trọng tâm, là trăn trở của mỗi người làm công tác giáo dục", cô Nguyễn Thị Bích Đào khẳng định.
Hương Lê