Sáng tạo bất ngờ của học sinh

  • 10:01, 17/01/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018, từ những thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh cơ xương khớp, loãng xương, cao huyết áp được điều chế từ quả sung; hay sản xuất thuốc trừ sâu từ lá cà chua; đến những ngôi nhà thông minh cho người khuyết tật; hệ thống tự động điều khiển thông minh trong phòng học; thiết bị giám sát chất lượng không khí qua internet... của học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 đã làm cho nhiều người bất ngờ về sự sáng tạo.

Đồng chí Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo cuộc thi trao đổi: Xác định vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp đổi mới toàn diện và sâu sắc nền giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nói riêng, ngay từ đầu năm học 2017-2018, Sở đã có công văn hướng dẫn các phòng GD - ĐT, các đơn vị trực thuộc về cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Sau khi có công văn hướng dẫn, hầu hết các đơn vị trực thuộc và các phòng GD - ĐT đã phát động sâu rộng công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) trong toàn thể học sinh của đơn vị mình và đã chủ động tổ chức các cuộc thi cấp cơ sở để lựa chọn những dự án tiêu biểu nhất tham gia cuộc thi cấp tỉnh.

 Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao thưởng cho các thí sinh đạt giải nhất.
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao thưởng cho các thí sinh đạt giải nhất.

Kết thúc cuộc thi tại cơ sở, Sở đã nhận được hồ sơ tham gia dự thi của 59 đơn vị,  trong đó có 30 đơn vị THCS của 8 phòng GD - ĐT, 29 đơn vị THPT với 110 dự án. Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tiến hành chấm thẩm định và lựa chọn được 88 dự án tiêu biểu tham gia vòng thi cấp tỉnh tại gian trưng bày. “Kế tục sự thành công của 4 lần thi trước, cuộc thi lần này đã một lần nữa đã khẳng định tiềm năng sáng tạo, sự đam mê nghiên cứu của học sinh tỉnh ta. Điều này thể hiện qua số lượng dự án và số đơn vị tham gia cuộc thi: 110 dự án của 59 đơn vị (so với lần thứ tư tăng 11 dự án). Ngoài các đơn vị có truyền thống và liên tiếp có sản phẩm dự thi cấp tỉnh đạt giải cao, như THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đồng Hới, THPT Lê Quý Đôn, cuộc thi lần này có thêm các  đơn vị mới tham gia, như THCS và THPT Dương Văn An, THPT Kỹ thuật Lệ Thủy. 8/8 phòng GD - ĐT tiếp tục khẳng định sự quan tâm của mình trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo KHKT, điều này được minh chứng bằng 34 dự án tham gia dự thi” - ông Trần Đình Nhân đánh giá.

Phó Trưởng ban giám khảo cuộc thi Trương Duy Quyền nhận xét:  Các đề tài tham gia cuộc thi lần này đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, tìm cách giải quyết những vấn đề đời sống đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt là trong hoạt động dạy ở trường và học ở nhà. Chất lượng các dự án khá tốt. Những dự án đạt giải cao đều thể hiện sự dày công nghiên cứu của các tập thể và cá nhân học sinh, cũng như sự đầu tư của nhà trường, các giáo viên trong công tác tư vấn và hướng dẫn; nội dung trình bày trong báo cáo thể hiện được quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xác định đúng mục tiêu và phương pháp.

Có những dự án có ý tưởng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, như: dự án “Thiết bị giám sát chất lượng không khí qua internet” của nhóm tác giả Phạm Hữu Quang Khải và Hoàng Cao Nữ Quỳnh Anh, học sinh Trường THCS số 1 Nam Lý thuộc Phòng GD ĐT TP. Đồng Hới; dự án “Mô hình nhà thông minh dành cho người khuyết tật” của nhóm tác giả Nguyễn Thùy Dương, Lê Thị Thu Hiền, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn; “Nghiên cứu sản xuất một số thực phẩm từ quả sung có giá trị dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị một số bệnh như: táo bón, cơ xương khớp, loãng xương, tăng huyết áp ở người lớn” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Tân và Phạm Anh Quân, học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp; dự án “Hệ thống cho cá, tôm ăn điều khiển từ xa bằng điện thoại di động có hẹn giờ” của nhóm tác giả Đậu Nguyễn Huyền Linh và Phan Tiến Trường, học sinh Trường THCS Quách Xuân Kỳ thuộc Phòng GD - ĐT Bố Trạch; dự án “Cây năng lượng giao thông “ của tác giả Nguyễn Anh Dũng, học sinh Trường THPT Đồng Hới; dự án “Hệ thống tự động điều khiển thông minh trong phòng học” của nhóm tác giả Dương Thị Thùy Linh và Dương Đăng Hậu, học sinh Trường THCS Tân Thủy thuộc Phòng GD - ĐT Lệ Thủy... Ngoài ra, còn rất nhiều các dự án khác thể hiện ý tưởng độc đáo, khả năng sáng tạo bất ngờ mà các thí sinh đã đưa đến cuộc thi lần này.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số dự án thể hiện ý tưởng sáng tạo độc đáo:

“Mô hình nhà thông minh dành cho người khuyết tật và người khiếm thị”, đó là đề tài nghiên cứu ở lĩnh vực kỹ thuật điện cơ khí của Nguyễn Thùy Dương và Lê Thị Thu Hiền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (giành giải nhất cuộc thi). Thùy Dương trao đổi, trong hoàn cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tiến đến gần, sự hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi chúng ta cần phải nắm bắt, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, sáng tạo ra những hệ thống làm việc để đáp ứng nhu cầu của chính mình và giúp đỡ những người xung quanh. Nhằm tạo thuận lợi cho việc điều khiển các thiết bị, để cuộc sống đối với mọi người, đặc biệt là người khiếm thị trở nên dễ dàng hơn, thoải mái hơn, qua quá trình nghiên cứu, các em nhận thấy việc áp dụng công nghệ điều khiển hệ thống cửa, đèn, điện nhờ sóng radio và giọng nói sẽ giúp con người chủ động hơn trong việc đóng tắt thiết bị, bảo đảm được sự an toàn cho bản thân và tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Thu Hiền bổ sung thêm, từ thực tế cho thấy, đối với những người khuyết tật và người khiếm thị, những công việc tưởng chừng đơn giản như đi lại, khóa mở cửa, hay bật tắt công tắc điện... cũng gặp nhiều khó khăn. Hay với những người bị khuyết tứ chi, việc mở và đóng cửa là một điều dường như quá sức đối với họ... Giả sử như, có một số thiết bị điện bị hỏng hóc, có thể gây ra cháy nổ, việc đầu tiên tất nhiên là phải cắt nguồn điện nhanh chóng. Nhưng việc tìm ra, cắt đúng mạch cũng là một sự thách thức đối với nhiều người, vậy nên một thiết bị giúp điều khiển cắt mạch nhanh gần như tức thì, di chuyển ít là một điều cần thiết. Với mục tiêu chung là phục vụ cho cuộc sống thường ngày, quan trọng hơn là việc hướng tới việc giúp đỡ cho bộ phận người khuyết tật và người khiếm thị, các em đã nghiên cứu và phát triển một hệ thống đóng mở cửa và đóng cắt điện phù hợp với mọi đối tượng.

Những ưu điểm vượt trội của hệ thống đã góp phần hỗ trợ cho cuộc sống của những người khuyết tật và khiếm thị. Trước đây, họ vẫn thường gặp phải nhiều trở ngại trong việc đóng mở cửa và đóng cắt các mạch điện. Nhưng sau khi thiết bị hỗ trợ của các em ra đời đã cải thiện tốt tình trạng đó, đem lại sự tiện lợi và nhanh chóng cho người dùng. Bộ mạch được hoàn thiện có tính khả thi và hoàn toàn có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, với quy mô rộng rãi, hoạt động ổn định, tuổi thọ cao. Chi phí bỏ ra cho một bộ mạch không quá cao so với lợi ích của nó mang lại, các linh kiện thông dụng, dễ tìm kiếm, quy trình thực hiện dự án không phụ thuộc vào điều kiện môi trường, có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.

Thùy Dương và Thu Hiền cùng chia sẻ, các em đã làm thử nghiệm ở địa phương những người khuyết tật, khiếm thị rất thích, ai cũng mong dự án sớm được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Hiện các em đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tốt hơn dự án của mình, để có thể được chọn tiếp tục tham dự cuộc thi cấp Quốc gia sắp tới.

 Bức tranh ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá (Lộc Thủy) được các em học sinh đắp nổi bằng nguyên vật liệu tự nhiên tại địa phương.
Bức tranh ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá (Lộc Thủy) được các em học sinh đắp nổi bằng nguyên vật liệu tự nhiên tại địa phương.

“Tạo tranh đắp nổi bằng sản phẩm tái chế và vật liệu tự nhiên để quảng bá quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, đây là đề tài ở lĩnh vực kỹ thuật môi trường (đạt giải khuyến khích) của Lê Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Trà My, học sinh Trường THCS Hồng Thủy. Các em đã tận dụng các vật liệu tái chế và tự nhiên để tạo nên những bức tranh đẹp, góp phần giải quyết phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra một sản phẩm tranh có tính quảng bá rộng rãi, ấn tượng về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phù hợp với thực tế của địa phương. Đây là sản phẩm tranh đắp nổi đầu tiên tại Quảng Bình.

Trà My bộc bạch, bắt tay vào nghiên cứu dự án, các em mong muốn từ những cây lá vườn nhà, thóc lúa, cát, dây thừng, vỏ trứng, giấy vụn... có thể tạo ra những sản phẩm quảng bá du lịch về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tạo ra đồ dùng dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; qua đó giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; kích thích tính sáng tạo của các bạn học sinh; tạo cơ hội trải nghiệm cho học sinh trong các trường học.

 Sản phẩm thuốc trừ sâu được chiết xuất từ lá cà chua hiệu quả và an toàn đối với môi trường.
Sản phẩm thuốc trừ sâu được chiết xuất từ lá cà chua hiệu quả và an toàn đối với môi trường.

“Điều chế thuốc trừ sâu cho cây trồng từ lá cà chua” là đề tài nghiên cứu của Nguyễn Thị Khánh Chi và Mai Nguyễn Minh Nhật, học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (đạt giải ba). Khánh Chi cho biết: Các em mong muốn tìm kiếm một hóa chất có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên, dễ kiếm, có thể diệt được sâu hại cho cây trồng mà không gây hại cho con người, cho môi trường sống; làm hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật đem đến nhiều tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng..., đe dọa sự phát triển bền vững của nền nông nhiệp.

Theo Minh Nhật, lá cà chua có chứa các alkaloid là tropine, tomatin và tropane có tính kháng khuẩn, chống nấm, chống một số sâu hại phá hoại cây trồng nhất là rệp vừng, bướm đêm, rầy. Qua quá trình nghiên cứu, cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, các em đã tìm ra được công thức điều chế từ lá cà chua, dấm ăn, nước và dầu ăn... để tạo thành dung dịch phòng trừ sâu hại cho cây trồng từ lá cà chua, giá thành rẻ, sản phẩm bảo quản được từ 5-6 tháng; mang lại hiệu quả cao trong phòng chống sâu hại, khả quan nhất cho các đối tượng mướp đắng, cây có múi cam và bưởi, rau cải, hoa hồng...

Nội Hà

tin liên quan

Triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017-2018
Triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017-2018

(QBĐT) - Sáng nay (17-1), Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017-2018 và trao thưởng đợt 3 cho cán bộ, giáo viên, học sinh xuất sắc trong toàn ngành.

Khai mạc hội thi giáo viên dạy giỏi các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2017-2018
Khai mạc hội thi giáo viên dạy giỏi các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2017-2018

(QBĐT) - Sáng nay (16-1), tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Đồng Hới, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi dành cho giáo viên các trung tâm giáo dục/nuôi dạy trẻ khuyết tật, năm học 2017-2018.

Bốn trường hợp giáo viên mầm non được hưởng thêm chính sách hỗ trợ
Bốn trường hợp giáo viên mầm non được hưởng thêm chính sách hỗ trợ

Từ ngày 20-2, giáo viên mầm non, cả trong và ngoài công lập, giáo viên biên chế và hợp đồng, đều sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ. Đây là nội dung quan trọng của Nghị định 06/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.