(QBĐT) - Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa nhận được liên tiếp hai phong bao “lì xì đỏ”, cuốn sách “Song hành & Đối thoại” của anh chính thức ra mắt bạn đọc và anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong không khí ấm áp đầu xuân cùng dư âm ngọt ngào của những tin vui, người con đất Ba Đồn đã dành thời gian chia sẻ nhiều về quãng thời gian gắn bó với phê bình văn học và những ấp ủ, tâm tư cho năm mới.
![]() |
Tác phẩm mới nhất của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa “Song hành & Đối thoại”. |
PV: Được biết đến đầu tiên với tư cách là một nhà thơ trẻ, nhưng giờ đây cái tên Hoàng Đăng Khoa lại nổi bật với phê bình văn học. Vậy, mối lương duyên nào đã gắn kết anh với lĩnh vực gai góc này?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Tôi có thơ (và cả truyện ngắn) đăng báo từ thời sinh viên, tuy nhiên, tôi chính thức làm thơ trong hai năm 2013-2014, khoảng thời gian tôi tạm xa bục giảng để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cũng trong thời gian này, thi thoảng, “máu” phê bình lại tìm đến.
Mặc dù ngày đó mới chỉ viết được đôi bài vặt, nhưng tôi lại đinh ninh tin là mình có thể đi được xa với phê bình, chứ không phải là với thơ. Bởi vì, tôi làm thơ như là cách giải toả những ám ảnh ký ức cá nhân, mà tôi nghĩ, nguồn ám ảnh này không phải là vô hạn. Và quả thật, cho đến lúc này thì có vẻ như tôi đã đi được với phê bình xa hơn, so với thơ.
PV: Từ một nhà giáo làm thơ rồi viết phê bình văn học cho đến một người lính vừa làm công việc của một nhà báo, vừa dấn thân vào nghệ thuật, chắc hẳn mỗi vị trí đều mang lại cho anh những xúc cảm và trải nghiệm riêng. Anh có thể chia sẻ về sự khác biệt này?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Cho dù tôi có làm nghề gì đi chăng nữa thì tôi vẫn cứ coi đó chỉ là nghề... tay trái (tất nhiên tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất có thể), còn nghề văn chương mới là nghề tay phải của tôi. Tôi có khả năng phân thân cao giữa con người công chức và con người bản mệnh.
Trước đây, tôi là nhà giáo nhưng là nhà giáo dạy văn, nay tôi là người lính nhưng là người lính viết văn, đang làm báo nhưng là báo văn nghệ, là biên tập viên mảng phê bình của tờ báo văn nghệ đó. Có nghĩa là, những vị trí công việc mà tôi đã và đang thực hành, trải nghiệm đều xoay quanh cái trục văn chương, đều hỗ trợ đắc lực cho cái nghiệp chữ nghĩa của tôi. Tuy nhiên, vị trí mới này “vừa khuôn” hơn với tôi, nó vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa đòi hỏi tôi phải chuyên nghiệp hoá ngòi bút của mình.
PV: Rời môi trường sư phạm gắn bó nhiều năm để dấn thân vào môi trường làm báo, lại xa quê hương, gia đình, anh có gặp nhiều khó khăn không để hòa nhập với công việc mới, tâm thế mới và cả những trải nghiệm mới?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Trước đây, ngoài thời gian lên lớp, hầu như toàn bộ thời gian còn lại là tôi dành cho việc đọc và viết, ngoài ra, tôi còn tổ chức, biên tập bài vở, in ấn cho tập san của nhà trường, tập san của chi hội văn nghệ địa phương.
Vậy nên, khi chuyển sang vị trí công việc hiện tại, tôi hầu như không gặp khó khăn, trở ngại gì trong vấn đề hoà nhập, bắt nhịp. Xa nhà, bất lợi nhất là tôi bất an khi hướng về người thân, bù lại tôi có lợi thế về điều kiện thời gian để đọc và viết.
PV: Gắn bó với thơ và phê bình văn học một thời gian tương đối dài, nhưng mãi đến tận năm 2017, cuốn sách phê bình văn học “Phiêu lưu chữ” của anh mới ra mắt bạn đọc và được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao, sách luôn nằm trong “top” sách bán chạy của các trang bán sách trực tuyến. Anh lý giải như thế nào về “sự muộn” và “độ hot” này?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: “Muộn” là do bản tính tôi cầu toàn. Còn “hot” thì... không dám đâu (cười). Không phải là khiêm tốn giả vờ, thực sự là tôi thấy cuốn sách này của mình khá may mắn. Chẳng hạn như may mắn được hoạ sỹ của nhà xuất bản thiết kế một cái bìa khá ấn tượng. Chẳng hạn như may mắn được tác giả chọn đặt một cái tên khá... kích thích. Nhiều người nói, chỉ cần nhìn cái bìa và tên sách là muốn mua ngay rồi.
P.V: Anh “chơi độc” bằng cách lấy thơ của mình để làm đề từ cho những bài phê bình của mình, điều hiếm ai dám làm. Những câu thơ chọn làm đề từ này tương thông, tương thích một cách tự nhiên với bài phê bình. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện “độc”, thú vị này?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Trước tôi, và cùng thế hệ với tôi, rất nhiều nhà phê bình lấy những câu thơ nổi tiếng, hoặc những câu danh ngôn để làm đề từ cho tập sách hoặc bài phê bình của họ. Sau khi hoàn thành bản thảo cuốn sách “Phiêu lưu chữ”, một hôm, tôi nảy ra ý tưởng, rằng sẽ chọn thơ của mình để làm đề từ cho các bài phê bình trong cuốn sách.
Thế là tôi điền rất nhanh chóng, rất dễ dàng những câu thơ mình đã nằm lòng vào đầu những bài viết mà tôi dường như cũng đã... thuộc. Rất may là sự “phiêu lưu” này của tôi mang đến cho nhiều người sự bất ngờ thú vị. Nhà phê bình Phan Tuấn Anh, trong bài viết công phu về cuốn sách, cho rằng: “Những câu/đoạn thơ của mình mà Hoàng Đăng Khoa chọn làm đề từ cho văn bản phê bình có dụng ý cắt nghĩa đối tượng, khởi tạo không khí cho bài viết, chuẩn bị tâm thế cho người đọc trước khi họ phiêu lưu vào cái đọc”.
P.V: Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây, anh từng chia sẻ: “Một ngày đối với tôi sẽ rất nhạt nếu không đọc được một cái gì đó đáng đọc”. Đối với người viết nói chung, người làm phê bình nói riêng, đọc có vai trò quan trọng như thế nào, thưa anh?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Với tôi, đọc là một cách “thực tế tại chỗ” lý tưởng. Đọc là cách đưa mình trượt ra khỏi cái tôi nhỏ bé, ra khỏi con đường từ nhà đến nhiệm sở mà sống nhiều cuộc đời, nhiều thân phận, “hoà mạng” đời mình, thở hơi thở nồng ấm của đời xôn xao. Đọc là cách để được thấy trời cao đất rộng, nhận biết “ngoài trời còn có trời”, từ đó “tự ngắm mình”.
Đọc là cách như con tằm ăn lá dâu, như con ong hút nhuỵ hoa. Lượng được tích luỹ dần sẽ chuyển hoá về chất, tằm sẽ nhả tơ, ong sẽ nhả mật. Kiến văn mỏng, nội lực văn hoá nông thì người viết không đủ sức bật xa được. Tuy nhiên, quan trọng là đọc cái gì, khả năng thẩm thấu, tiêu hoá đến đâu và phải biết gấp sách lại để ngẩng lên nhìn cuộc đời xanh tươi không ngừng trôi chảy.
P.V: Trở về với thực tại phê bình văn học Quảng Bình, chắc hẳn là người trong cuộc, anh hiểu rõ nhất những hạn chế và khó khăn của mảng phê bình văn học Quảng Bình, đặc biệt là sự thiếu hụt các cây viết trẻ tiềm năng. Theo anh, để các tác giả trẻ tỉnh nhà mạnh dạn thử sức ở lĩnh vực này, cần “kích hoạt” những gì?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Văn chương là câu chuyện tuỳ duyên, tự nhiên, tự thân của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng phải kể đến vai trò, ý nghĩa quan trọng của những cú hích. Tôi chỉ thực sự dấn sâu vào phê bình khi theo học lớp cao học chuyên ngành lý luận văn học.
![]() |
Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa. |
Tại đây, những người thầy thông tuệ, những lý thuyết mới mẻ, những cuốn sách hấp dẫn... đã kích hoạt, củng cố tố chất, sở trường phê bình trong tôi. Từ trường hợp cá nhân, tôi nghĩ, nên chăng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nghiên cứu tổ chức mời những nhà phê bình uy tín về nói chuyện, giao lưu, hoặc cử những cây bút phê bình tiềm năng tham gia những lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chẳng hạn...
P.V: Được biết, anh đang nỗ lực xây dựng một quỹ học bổng riêng từ chính những cuốn sách của mình để tiếp sức đến trường cho các em học sinh vượt khó hiếu học ở quê nhà. Động lực nào cho nghĩa cử cao đẹp này?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Nói là nghĩa cử cao đẹp nghe có vẻ to tát quá. Thực ra nghĩa cử này cũng mang trong đó động cơ cá nhân. Chẳng hạn như tôi muốn sách của mình được nhiều người biết đến hơn, đến được với nhiều người đọc hơn. Chẳng hạn như tôi muốn làm một điều gì đó cho cuộc sống của mình bớt nhạt, bớt vô nghĩa. Quỹ học bổng “Khát vọng mùa” của tôi hướng đến những học sinh con em nông dân có hoàn cảnh đặc biệt, hiếu học, đặc biệt là học giỏi môn văn.
PV: Anh có thể chia sẻ thêm về cuốn sách mới nhất của mình?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Cuốn sách mới nhất của tôi có tên là “Song hành & đối thoại”, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành đầu năm 2018. Cuốn sách tập hợp những bài đối thoại chuyên môn học thuật giữa tôi và các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trẻ nổi bật trên văn đàn nước nhà những năm gần đây. Cuốn sách này được tôi hoàn thành bản thảo trong thời gian 4 năm, từ khi tôi chuyển ra làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
P.V: Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào những ngày cuối năm 2017 chắc hẳn mang đến cho anh nhiều cảm xúc?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Tấm áo không làm nên thầy tu. Danh thiếp của người cầm bút là tác phẩm của anh ta, cuộc đời của anh ta. Tuy nhiên, tôi vẫn rất biết ơn hội đồng chuyên môn và BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã đồng thuận bỏ phiếu kết nạp tôi. Biết ơn để mình phấn đấu viết tốt hơn, tử tế hơn.
P.V: Trước thềm năm mới, anh có thể chia sẻ về dự định tương lai của mình?
- Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Cũng như làm thơ, tôi viết phê bình theo cảm hứng. Vậy nên, sẽ là hơi khó khi nói về chuyện ở thì tương lai (cười).
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa Sinh năm 1977 tại làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. |
Mai Nhân (thực hiện)