(QBĐT) - Nàng xuân dịu dàng như làn gió mát lành mang theo hơi thở mới của đất trời đang đến với người dân rốn lũ Lệ Thủy. Những cánh mai vàng bắt đầu hé nở bên dòng Kiến Giang trầm tích. Dưới ánh nắng sớm, những chồi non vươn mình hé nụ. Đất trời chuyển mình, thời khắc giao mùa đã đến, tiếng vọng mùa xuân thắm nồng, cánh cổng thời gian rộng mở, duyên dáng gõ cửa mọi nhà.
Không khí Tết đã thấp thoáng trên mọi nẻo đường thôn xóm của quê hương tướng Giáp. Hình như, mọi người đã quên đi trận lụt năm 2024. Xuân về mang theo hơi thở của thiên nhiên và lòng người bất tận. Từng làn gió nhẹ thoảng qua hòa cùng tiết trời se lạnh cuối đông khiến lòng người rộn ràng, náo nức. Trong ánh nắng nhè nhẹ, người dân dường như cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân lan tỏa. Buổi sáng sớm, Kiến Giang dậy lên mùi hương thơm của mứt gừng, cá nướng tạo cảm giác bình yên, quen thuộc, đưa mọi người về những ký ức Tết xưa ấm áp.
Vào những ngày này, người dân quê tôi đã sửa sang bồn hoa, cây cảnh. Họ chăm chút cây cẩn thận, tỉ mỉ và nâng niu như con người. Vui xuân trở thành những ngày dài thưởng thức vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên với tình đất trời và hồn người. Dường như có một cái gì đó thật khác lạ, đó là mùi Tết. Nó phảng phất trong cái se lạnh lúc chiều tối hay sự nồng ấm từ làn khói tỏa sau lũy tre làng. Trời chuyển tiết dường như cũng bất ngờ hơn, lúc thì chậm chậm, lúc thì xôn xao tình tự. Buổi tối dâng lên nỗi hoài niệm về năm cũ sắp qua. Đôi vành tai, bàn tay tự nhiên nóng ran lưng chừng cảm xúc. Con người trước xuân thật khác lạ, đẹp hơn, thân thiện hơn và ấm áp hơn rất nhiều.
![]() |
Những ngày cuối năm, chợ quê trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ chợ Tréo, chợ Trạm, chợ Mỹ Đức, đến chợ Tuy Lộc, tất cả đều rộn ràng. Tiếng cười nói vang lên mỗi ngày nhưng không ồn ào, gấp gáp. Câu chuyện bão lụt, chuyện khủng hoảng Nga-Ukraina, chuyện ồn ào thị phi nơi phố chợ nhường lại cho niềm vui vì cơn bão giá không hoành hành như một số Tết. Các gian hàng tràn ngập sắc màu của mai vàng, cúc tím, hồng nhung… Những đặc sản quen thuộc của người Lệ Thủy, như: Mắm cá diếc, zút tép đồng, cá tràu nướng than, cải chua… mang đậm hương vị quê nhà, khiến mỗi người khi bước chân ra chợ đều thấy lòng mình thêm rộn rã.
Đến với người dân quê các xã Phú Thủy, Thái Thủy, Tân Thủy, Văn Thủy, Trường Thủy, Sen Thủy.... vẫn còn tập quán, người nhà mổ lợn chia thịt Tết cho anh em, bạn bè, biếu ông bà, cha mẹ. Mấy ngày này, mọi người bắt đầu gói bánh tét, bánh chưng, làm mứt... Người Lệ Thủy thích nhất mứt gừng, trong Nam lát mứt to, trắng tinh nhưng không cay và lại có mùi hăng hăng. Mứt gừng Lệ Thủy lát nhỏ hơn, màu đậm và rất cay. Ăn mứt gừng uống nước trà vào sáng sớm những hôm trời lạnh thú vị khó tả. Rất sớm, tầm 4-5 giờ sáng, ngồi co ro trên ghế, vai choàng cái chăn, nhấm nháp lát mứt gừng cay nồng và nhấp miếng nước trà nóng, đậm chát, vừa nghe gió lạnh thổi sàn sạt ngoài sân…Thế cũng thấy mọi lẽ của cuộc đời trong niềm hạnh phúc của nhân sinh!
Sau thời khắc giao thừa, cả gia đình quây quần bên nhau chia sẻ niềm vui, những câu chuyện đầu năm. Người Lệ Thủy không đi đón xuân, hái lộc như bà con ở miền Bắc. Họ ở nhà trò chuyện đến sáng sớm hôm sau. Trước 8 giờ sáng ngày mồng một, ngoài đường chỉ lác đác bóng người, không ồn ào xe cộ. Người Lệ Thủy kiêng thăm nhau vào sáng sớm ngày mồng một, sợ mình là người đầu tiên “đạp đất” nhà người ta. Bà con dành trọn ngày mồng một Tết để đi thăm bà con, thắp nhang ở các nhà thờ, viếng tổ tiên ông, bà. Trong ngày này, các gia đình phải luôn có người lớn ở nhà để tiếp khách. Ba ngày Tết bận rộn nhất là ngày mồng hai, ngày dành để thăm viếng bạn bè, hàn huyên chuyện Tết với nhau. Mồng ba Tết được coi là ngày để thăm hết những người đáng thăm mà chưa đi được. Trước khi hết Tết, ngày mồng ba, không khí Tết loãng dần, đã bắt đầu lo chuyện đi làm, đi mua bán trở lại. Tùy vào gia cảnh từng nhà, người Lệ Thủy chọn mồng ba, hoặc ngày mồng bốn, thậm chí có gia đình chọn ngày mồng sáu, mồng tám cúng đưa ông bà, thường vào buổi chiều, đốt đồ giấy xong là coi như hết Tết, nhịp sống trở lại bình thường.
Tết Lệ Thủy không giàu sang như miền Nam, không đài các như miền Bắc, nhưng còn mênh mang không khí Tết cổ truyền dân tộc nhiều lắm. Đó là điệu hồn, văn hóa truyền thống của người dân xứ Lệ!
Mỗi khoảnh khắc xuân về là một dịp để lắng lòng, để mỗi người cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, tình làng xóm, và truyền thống quê hương. Xuân Lệ Thủy không phô trương, không cầu kỳ, nhưng vẫn đủ đầy trong từng điều giản dị. Đó là một mùa xuân của sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, là điệu hồn sâu lắng của một vùng quê giàu bản sắc.