(QBĐT) - “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên trên đất Quảng Bình vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công bố và trao quyết định công nhận là cây gạo tại thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa). Cây gạo này gắn liền với đời sống của người dân nơi đây hàng trăm năm qua. Trải qua năm tháng, cây gạo vẫn vững vàng, hiên ngang che chở cho dân làng và được người dân xem như “báu vật”…
"Báu vật" của làng
Nằm trong khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa, cây gạo cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm được người dân xã Thạch Hóa xem như là “báu vật” của làng. Ông Mai Xuân Thưởng (92 tuổi), ở thôn 1, xã Thạch Hóa chia sẻ: “Cây gạo có từ bao giờ thì không ai biết nhưng nhiều thế hệ người dân nơi đây lớn lên đã nhìn thấy. Từ thời ông nội tôi, cây gạo đã sừng sững, mang một sức sống mãnh liệt. Người dân ở đây không ai dám chặt phá vì luôn có niềm tin cây gạo là nơi trú ngụ của thần linh và các vong hồn người đã khuất...”.
![]() |
Theo quan niệm của người dân Thạch Hóa, việc tác động hay chặt phá những cây cổ thụ được cho là rất kiêng kỵ nên bà con xem cây gạo là “cây thiêng”. Người dân đã tự nguyện bảo vệ cây gạo, giáo dục con cháu thông điệp về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”...
Cây gạo mọc dưới một ngọn núi đá vôi, trong núi có nhiều hang hốc. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, cây gạo vẫn đứng hiên ngang, căng mình đón nắng, đón gió. Ông Nguyễn Khắc Nhâm (66 tuổi), ở thôn 3 Thiết Sơn kể: “Thời chống Mỹ, mỗi khi có máy bay Mỹ đến thả bom, nhiều người dân đã chạy đến lèn và gốc cây gạo để trú ẩn. Những trưa hè nóng bức, bà con nông dân thường đến gốc cây gạo để nghỉ trưa sau những giờ lao động vất vả. Bên cạnh cây gạo là miếu thờ bà Sơn. Miếu này rất linh thiêng, được xây dựng từ thời xa xưa, nay đã được tôn tạo lại khang trang. Trong các dịp lễ, Tết, ngày rằm, đầu tháng, bà con trong xã thường đến đây để dâng hương, cầu an, cầu phúc, cầu may...”.
Thấy được giá trị lịch sử, tâm linh của cây gạo, năm 2015, ông Nguyễn Thanh Tú và người dân trong tổ tự nguyện bảo vệ voọc gáy trắng Tuyên Hóa đã phát quang để bảo vệ cây. “Tất cả các bộ phận trên cây gạo đều có giá trị trong y học nên một số người từ nơi khác đến lén lút chặt cành, lấy vỏ, lá cây... Việc xâm hại cây gạo còn ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của đàn voọc gáy trắng. Do đó, tôi và bà con quyết tâm, tình nguyện bảo vệ cây gạo...”, ông Tú cho hay.
![]() |
Hành trình "cây di sản Việt Nam"
Cây gạo ở Thạch Hóa còn có tên gọi khác là mộc miên, pơ lang… Cây cao khoảng 25m, tán vươn rộng khoảng 20m. Đường kính thân cây ở gốc từ 4,5m-6m. Thân cây trụ thẳng, xù xì với những u bướu như đầu rồng. Vỏ ngoài của cây màu nâu xám. Lá cây mọc cách cuống lá, dài khoảng 15cm và có hình lưỡi mác, nhẵn bóng màu xanh. Mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, cây ra hoa màu cam rất đẹp. Thời điểm này, đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng quê xanh ngát.
Sau một thời gian bảo vệ, ông Nguyễn Thanh Tú đề xuất ý kiến lên cấp ủy, chính quyền các cấp làm hồ sơ gửi Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị công nhận cây gạo là “Cây di sản Việt Nam”. Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa Hồ Duy Thiện cho biết: “Chúng tôi đã căn cứ vào các tiêu chí “Cây di sản Việt Nam” và khảo sát, đánh giá. Qua đó, chúng tôi nhận thấy cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nên làm hồ sơ, thủ tục cần thiết để cây gạo được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam đánh giá: “Cây gạo tại thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố về “Cây di sản Việt Nam”, như: Cây có độ tuổi khoảng 300 năm, kích thước lớn đủ tiêu chuẩn; vị trí cây gạo có núi đá vôi, là nơi sinh sống, trú ngụ của đàn voọc gáy trắng quý hiếm; cây gạo gắn bó với người dân bao đời nay và các di tích lịch sử, tâm linh nên được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, người dân tự nguyện bảo vệ; được công nhận là cây di sản còn giúp cho cây gạo được bảo vệ tốt hơn, tạo động lực cho các địa phương khác thấy được giá trị để nghiên cứu, làm hồ sơ cho những cây tiếp theo...”.
![]() |
Tại lễ đón bằng công nhận xã Thạch Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 8/2024), Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công bố và trao quyết định công nhận cây gạo tại thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa là “Cây di sản Việt Nam”. Bí thư Chi bộ thôn 3 Thiết Sơn Lê Xuân Cường phấn khởi: “Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân quê tôi mà còn là niềm tự hào của bà con cả huyện, tỉnh khi Quảng Bình có “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên. Từ nay, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cây, bảo vệ rừng tốt hơn cũng như hướng dẫn, đón khách du lịch đến tham quan cây gạo và đàn voọc gáy trắng”.
Hiện nay, địa phương mở đường vào khu vực cây gạo. Xung quanh cây đã được phát quang, dọn dẹp thực bì, làm hàng rào bao quanh và có cổng ra vào để thuận tiện cho người dân cũng như du khách đến tham quan.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng, cây gạo không chỉ tô đẹp thêm cho bức tranh làng quê mà còn góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo hiếu cho người dân. Để bảo vệ, chăm sóc cây gạo, các tổ bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voọc gáy trắng của địa phương thường xuyên phát quang quanh gốc, ngăn chặn các hành vi xâm hại cây, hướng dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về cây gạo, động vật hoang dã trên địa bàn...
“Hiện, cây gạo tại thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa là “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên và duy nhất tại Quảng Bình. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều cây, quần thể cây hội tụ đầy đủ yếu tố để công nhận cây di sản, do vậy chúng tôi sẽ rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương làm hồ sơ công nhận thêm các cây, quần thể cây di sản”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Duẫn khẳng định. |
Xuân Vương