Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Đình làng Lâm Lang

  • 07:05, 24/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tựa lưng vào dãy lèn Rấy, mặt hướng ra dòng sông Gianh lịch sử, đình làng Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) thực sự là một trong những ngôi đình có địa thế đẹp nhất của tỉnh.
 
Vị trí đình làng Lâm Lang được các vị tiền nhân lựa chọn hết sức đắc địa, tụ linh tụ khí, địa thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Khi trước mặt đình là dòng sông Gianh soi bóng, mùa hè nước trong xanh ngắt, có bến đò lèn Trúc mà ngày trước dân làng thường quen gọi với cái tên thân thuộc là bến Voi. Phía bên kia có lèn Trúc án ngự, xa xa là dãy núi Mài Rạ, Mái Ngang… của thôn Thanh Thủy, nay là thôn Tây Trúc (Tiến Hóa) làm bình phong. Phía sau là dãy lèn Rấy, lèn Lò Vôi cao vút, hết sức vững chãi, góp phần tăng phúc thọ, giữ vượng khí lâu dài cho dân làng.
 
Cảnh quan đình làng Lâm Lang rất đẹp, sông nước, đất trời giao hòa. Dưới sông là dòng nước trong xanh, thuyền bè ngược xuôi qua lại buôn bán tấp nập. Trên bến, làng quê trù mật, cây cối xanh mướt bao quanh.
 
Theo cụ Cao Văn Thanh (84 tuổi), nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Lang, ban đầu đình làng Lâm Lang được xây dựng ở phía đầu làng, ngay tại lùm Cửa Nghè bây giờ. Đình được xây dựng vào khoảng thời hậu Lê. Lúc đó đình được làm đơn sơ bằng khung gỗ, mái tranh, tường ván thưng lại. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, đình làng được di dời về vị trí hiện tại. Đình được xây khá lớn và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.
 
Đình làng Lâm Lang được thiết kế theo hình chữ đinh, gồm: Đình tiền và đình hậu, khoảng cách giữa hai đình là 5m. Đình hậu có 1 gian hai chái, quy mô nhỏ hơn đình tiền. Tất cả các kết cấu của đình hậu, như: Cột, kèo, xà, đòn tay… đều được làm bằng gỗ mít mua từ các làng lân cận của huyện Tuyên Hóa, như: Minh Cầm (Phong Hóa), Cổ Cảng, Xuân Mai (Mai Hóa), Thanh Thủy (Tiến Hóa), Lệ Sơn (Văn Hóa)… 
 
Trên các vì kèo, xà đều có chạm trổ hình các con vật mang tính ngưỡng tâm linh, như: “Lưỡng long chầu nguyệt”, tứ linh “long, ly, quy, phụng”, hoa văn cỏ cây, hoa lá, vân mây… Đầu của các vì kèo chạm trổ hình đầu lân. Đình hậu là nơi thờ thiên thần, thành hoàng làng, bát vị thỉ tổ hay còn gọi 8 vị tổ của 8 dòng họ có công khai canh, lập làng, đó là: 2 dòng họ Cao, 2 dòng họ Trương, Đinh, Hoàng, Trần và Ngô.
Đình làng Lâm Lang.
Đình làng Lâm Lang.
Đình tiền có 5 gian, gồm: 3 gian, 2 chái thành, kết cấu của đình khá rộng, cao và thoáng. Cả nếp đình được làm bằng gỗ, có chạm trổ các họa tiết, hoa văn theo đặc trưng truyền thống của đình làng Quảng Bình. Bốn bề được xây tường bằng đá vôi, vôi tôi, nhựa dây tơ hồng và mật ong. Cột đình lớn mà dân làng thường hay gọi là cột cái có chu vi khoảng 1,4m, cột con tức là cột chái khoảng 0,8m.
 
Trước đình tiền là cả khoảng sân rộng, xung quanh được xây tường bao. Đình có hai trụ biểu khá lớn, được trang trí câu đối, hoa văn, trên đỉnh có hai con nghê lớn ngồi chầu. Phía trong hai trụ biểu có bức bình phong cao 2m, rộng 3m. Đình tiền là nơi dành cho quan viên, hương lý, chức dịch trong làng làm việc, sinh hoạt, hội họp.
 
Sân đình là nơi họp làng, tổ chức lễ hội và các trò chơi, sinh hoạt văn hóa truyền thống. Trong đình, được bố trí đầy đủ đồ vật, như: Nghi án, hương án, bát xà mâu, đỉnh hương bằng đồng... Xung quanh các ban thờ có cờ ngũ sắc, lọng, tán, quạt, nghi môn, câu đối, trướng…
 
Đình được xây dựng bằng tiền của, công sức đóng góp của người dân, nhất là của 8 dòng họ lớn có nhiều chức sắc trong làng. Đình làng là nơi tổ chức các lễ nghi nông nghiệp, như: Lễ bắc mạ, lễ cấy, lễ mừng cơm mới, lễ cúng thành hoàng bản thổ. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần, vào ngày 15/6 âm lịch, dân làng tổ chức lễ tế thần, phật. Sau phần lễ, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, như: Đấu cờ người, kéo co, đánh vật, hát ca trù, hát bội ở sân đình.
 
Song hành cùng với thời gian, đình làng Lâm Lang gánh vác trên vai sứ mệnh lịch sử của làng. Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng là nơi hội họp của dân quân tự vệ, du kích của xã. Đình còn là nơi tập luyện quân sự của các đội tự vệ, chuẩn bị cướp chính quyền.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, đình làng Lâm Lang lại một lần nữa ghi dấu ấn lịch sử. Cuối năm 1945, đầu năm 1946, trước nguy cơ quân Pháp tấn công đánh chiếm Quảng Bình, một số cơ quan đầu não của tỉnh cùng các đơn vị, công xưởng, binh xưởng sản xuất vũ khí đã di dời và đóng quân ở địa bàn thôn Lâm Lang. Một bộ phận cán bộ của tỉnh làm việc tại đình làng, một bộ phận khác bố trí vào các hộ dân. Thời gian sau, thực dân Pháp nắm được thông tin nên đã tổ chức nhiều trận càn quét lên làng.
 
Vào cuối tháng 3/1947, trong trận càn, quân Pháp vào làng, đi tới đâu, đốt phá tới đó. Địch đã đốt cháy 81 căn nhà dân. Ngoài ra, chúng còn đốt cả đình làng. Do đình hậu được lợp ngói, tường xây nên chỉ bị hư hỏng ít. Còn đình tiền lợp mái vọt nên bị cháy mạnh. Khi quân Pháp rút đi, người dân trở về thì đình tiền đã cháy rụi, chỉ còn đống tro tàn.
 
Trong thời kỳ chống Mỹ, làng Lâm Lang được coi là hậu cứ vững chắc khi có nhiều cơ quan, đơn vị về đây đóng quân, như: Trường Hai giỏi, Trường sư phạm Quảng Bình… Đình hậu trở thành nơi hội họp, bàn thảo các công việc quan trọng của các ban, ngành. Trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, giai đoạn từ năm 1967-1969, đình làng là nơi đặt Binh trạm giao liên 13 làm nhiệm vụ đón tiếp bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu và tiếp nhận các thương binh, bệnh binh ra miền Bắc chữa trị.
 
Nhân dân thôn Lâm Lang đã tiếp đón, nuôi dưỡng bộ đội, chiến sĩ với tấm lòng yêu thương, quý trọng. Năm 1970, khi Binh trạm giao liên 13 rút đi, đình làng lại được cơ quan thương nghiệp sử dụng làm kho để cung cấp các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các xã lân cận trong vùng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng xây dựng phong trào hợp tác xã, đình làng nhiều lần được sử dụng làm nơi ủ thóc mầm, chứa hàng hóa, lúa gạo của tập thể... tiếp tục góp phần cùng nhân dân xây dựng quê hương.
 
Đình làng Lâm Lang gắn bó với sự phát triển của làng quê qua các chặng đường lịch sử. Trải qua thời gian và những năm tháng chiến tranh, đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trước cổng đình, ông Cao Văn Thanh chỉ tay ra phía xa xa rồi cho biết: Trước đây, đình làng khá rộng, nhưng do sông Gianh sạt lở, ăn sâu vào phần đất liền nên diện tích đình bị thu hẹp dần.
 
Năm 2009, đình hậu được bà con dân làng quyên góp tiền của, công sức phục dựng lại. Do bị phơi giữa nắng mưa cả một thời gian dài nên các kết cấu bằng gỗ của đình bị mối mọt, xuống cấp, bốn bức tường bao cũng bị bong tróc, đổ gãy. Khi trùng tu, dân làng buộc phải cưa ngắn, bào nhỏ cột lại nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu của đình cũ. Nét chạm trổ tinh xảo, độc đáo trên các vì kèo, xuyên trếng, đòn tay... vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đến năm 2013, đình tiền và các công trình phụ trợ, như: Trụ biểu, sân đình được phục dựng lại một cách quy mô, bề thế như hiện nay.
 
Việc tôn tạo, phục dựng lại đình làng đã thỏa tâm nguyện ước mong bấy lâu nay của các thế hệ con em làng Lâm Lang. Vì nơi đây đã trở thành nơi quần tụ, thực hành các lễ nghi truyền thống của hậu thế với tấm lòng thành kính đối với thần linh đã chở che, bảo vệ dân làng và kính cẩn tưởng nhớ đến công đức, anh linh của các bậc tiên tổ đã đặt nền móng xây dựng nên làng quê thanh bình, tươi đẹp ngày hôm nay.
Nhật Linh

tin liên quan

"Ai lên Minh Hóa quê mình"
"Ai lên Minh Hóa quê mình"

(QBĐT) - Minh Hóa là xứ sở của những câu dân ca mộc mạc, mang đậm bản sắc của vùng quê miền sơn cước và luôn được người dân gìn giữ, xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. 

60 năm ngôi làng tự hào mang tên ngày sinh của Bác Hồ
60 năm ngôi làng tự hào mang tên ngày sinh của Bác Hồ

(QBĐT) - Ngày 19/5, cán bộ và nhân dân làng 19/5 (nay là thôn 19/5), xã Quảng Đông (Quảng Trạch) tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập làng (19/5/1964-19/5/2024).

Chuyện về bức ảnh chân dung "Cô gái tải đạn"
Chuyện về bức ảnh chân dung "Cô gái tải đạn"

(QBĐT) - Bức ảnh chân dung "Cô gái tải đạn" in trong cuốn sách "Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại" của nhà báo Trọng Thanh giới thiệu về cô gái thanh niên xung phong ở Quảng Bình với dáng người nhỏ nhắn, tóc tết đôi và nở nụ cười duyên khi vác trên vai thùng đạn để vận chuyển vũ khí ở chiến trường đã tạo ấn tượng sâu đậm với người xem.