Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Chuông chùa An Lang

  • 07:03, 28/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là “An Lang tự chung”.
 
Đại hồng chung chùa An Lang còn khá nguyên vẹn. Chuông cao 100cm, vành rộng 48cm, thân chuông chỗ rộng nhất 34cm. Thân chuông hình trụ đứng, trên nhỏ, dưới to, vai vuông, vành loe. Phía trên thân chuông, 4 chữ “An Lang tự chung”, nghĩa là chuông chùa An Lang, được khắc nổi, bố trí đối xứng nhau.
Đại hồng chung “An Lang tự chung”.
Đại hồng chung “An Lang tự chung”.
 
Mỗi chữ lồng trong cuốn thư, phía dưới là vân mây. Trên thân chuông khắc chìm dòng chữ “Thành Thái tứ niên thất nguyệt thập ngũ nhật tạo chú”, nghĩa là chuông được chú đúc vào ngày 15 tháng 7 năm Thành Thái thứ tư (năm 1892), phía dưới là dòng chữ “Ấm sinh Cao Duy Dương phụng ban”, nghĩa là Ấm sinh Cao Duy Dương cúng tế. Cao Duy Dương là người quê ở thôn Lâm Lang, cha làm quan có nhiều công lao cho triều Nguyễn, trong thời gian là học trò ông đã phúng tiến đại hồng chung cho chùa.
 
Trang trí trên chuông chùa An Lang hết sức độc đáo, sắc sảo, thực sự là khí nhạc giàu tính thẩm mỹ, thể hiện trình độ, kỹ nghệ đúc đồng rất cao. Đỉnh chuông là 2 con rồng châu đuôi lại với nhau xoắn vào vân mây hình khánh, mỗi con có 2 chân, thân rồng có nhiều vảy, móng sắc nhọn. Chuông được chia thành 4 mặt bằng các đường chỉ nổi. Ở mỗi góc là hoa văn vân mây theo kiểu hồi văn chữ S.
 
Chuông có 4 núm chuông bố trí đối xứng nhau, được liên kết bằng đường đai đúc nổi chạy ngang thân chuông. Trên và dưới đai nổi trang trí bằng hoa văn hoa chanh. Loài cây gắn liền với phong cảnh thôn quê, tượng trưng cho sự đơn giản, mộc mạc, dân dã mà lại rất thanh cao. Phía dưới thân chuông là các hình ảnh hoa lá, vân mây. Phần sát thân chuông khắc chữ hồi văn, còn vành chuông hình lá bồ đề.
 
Theo quan niệm của Phật giáo, ý nghĩa của tiếng chuông nhằm đánh thức tính thiện, từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha trong mỗi con người. Mà đôi khi chúng ta lãng quên đi thì tiếng chuông chùa ngân lên như thức tỉnh những điều tốt đẹp đó để quy hướng, nhắc nhở mỗi người nên làm các điều thiện lành cho bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp lên.
 
Theo ông Cao Ngọc Đản (66 tuổi, ở thôn Lâm Lang), trước đây chùa xây ở phía đầu làng, sát với tuyến đường sắt Bắc-Nam. Chùa được làm bằng gỗ, thiết kế 3 gian, 2 chái, tường xây gạch, mái ngói âm dương. Trong chùa có khá nhiều tượng Phật, trong đó tượng Phật 6 tay 6 mắt nằm ở trung tâm là lớn nhất. Chùa quay về hướng Đông-Nam. Chuông chùa được treo trên cổng tam quan. Mỗi lần thỉnh chuông sẽ bố trí một người đứng ở phía dưới dùng dây giật dùi chuông đánh vào thân chuông.
 
Trải qua biến thiên dâu bể, hiện ngôi chùa đã đổ nát, chỉ còn dấu tích móng đá cổng tam quan. Cùng với đại hồng chung chùa Phúc Tự (xã Văn Hóa), chùa Yên Quốc (xã Mai Hóa)…, đại hồng chung chùa An Lang là những cổ vật có giá trị, minh chứng sống động về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo dọc lưu vực dòng Gianh.
                                                                   Khánh Linh

tin liên quan

Tuyên Hóa: Phát hiện hệ thống hang động mới
Tuyên Hóa: Phát hiện hệ thống hang động mới

(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vừa tiến hành khảo sát vùng núi đá vôi trên địa bàn xã và phát hiện hệ thống hang động còn nguyên sơ, hứa hẹn nhiều tiềm năng ở địa phương.

Bài 2: Buổi đầu nhiều khó khăn của công nghiệp Quảng Bình
Bài 2: Buổi đầu nhiều khó khăn của công nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Sau giai đoạn sơ khai buổi ban đầu, công nghiệp Quảng Bình tiếp tục có những sự đổi thay. 

Bài 1: Những nền móng của công nghiệp Quảng Bình
Bài 1: Những nền móng của công nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Nền công nghiệp của Quảng Bình có tự bao giờ? Đó có lẽ là câu hỏi mà không ít nhà nghiên cứu về mảnh đất gió Lào cát trắng này đã nhiều lần đi tìm câu trả lời. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ hy vọng hé mở phần nào "bức tranh" của nền công nghiệp Quảng Bình giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.