Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Lễ hội mùa xuân-nét đẹp văn hóa nguồn cội

  • 07:01, 08/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với người Việt nói chung và người Quảng Bình nói riêng, mùa xuân luôn là mùa của lễ hội. Lễ hội mùa xuân là sản phẩm sáng tạo đầy tính nhân văn của tiền nhân trong quá trình lao động và kiến thiết quê hương, là niềm tin trong sáng vào tâm linh, vào đất trời và mùa xuân, là tấm lòng hướng thượng, bái vọng những bậc có công với làng xã cũng như ơn đức cao dày của tổ tiên, là hồn cốt văn hóa cao đẹp được bảo tồn và trao gửi cho ngàn đời sau.
 
Tùy vào điều kiện cấy trồng, đánh bắt để chức sắc các làng ấn định thời gian tổ chức hội xuân cho tề tựu, nhưng náo nức nhất vẫn là mười ngày Tết rồi kéo dài cho đến hết tháng hai âm lịch hàng năm.
 
Ngay trong đêm giao thừa, làng Cảnh Dương (Quảng Trạch) diễn ra lễ xin lửa tại đình thờ tổ. Đây là nét văn hóa độc đáo của người dân làng biển này từ bao đời nay. Tất cả các gia đình trong làng cử ít nhất một người đến tham dự. Vào thời khắc giao thời, họ tự mình lấy lửa được châm từ đống lửa đang cháy sáng giữa sân đình rồi rước ngọn lửa ấy về từng nhà để nhen bếp nấu bánh chưng, nấu lễ dâng cúng tổ tiên hay thắp hương lên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết...
 
Rộn ràng lễ hội
Rộn ràng lễ hội "Cầu ngư" làng Cảnh Dương.
 
Tục lệ này của người Cảnh Dương nhằm báo đáp ân đức tiền nhân cũng như củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã, sau nữa là cầu xin các vị khai canh, khai khẩn, các anh linh của làng năm mới che chở cho họ lúc ra khơi gặp sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm, cá…
 
Khi xuân về, Tết đến, trời đất giao hòa, nhà nhà sum vầy, đoàn viên cũng là thời điểm diễn ra lễ hội Xuân thủ kỳ yên tại các đình làng. Ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các vị thần, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, lễ hội còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt bội thu. Làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (Bố Trạch) tổ chức lễ hội Xuân thủ kỳ yên vào mồng 1, mồng 2 Tết; làng Sa Động, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) tổ chức vào đợt rằm tháng giêng âm lịch...
 
Ngày xưa, lễ hội Xuân thủ kỳ yên với đầy đủ nghi thức, gồm các lễ: nghinh xuân, tế xôi hôm, bốc thăm, xướng sổ hương ẩm, tế xôi mai, đổ phù hương. Hiện nay, các nghi lễ đã được tinh giản, chỉ tiến hành những nghi thức cổ truyền mang tính bắt buộc nhưng tinh thần, hồn cốt của lễ hội vẫn không hề thay đổi. Bên cạnh phần lễ thì phần hội với các trò chơi dân gian như: kéo co, chơi cờ người, cờ tướng, chạy tiếp sức… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem, góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
 
Những làng quê gốc gác làm nông nghiệp có những hội làng tiêu biểu như: lễ hội làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (ngày 15-2 âm lịch), lễ hội cướp cù Đồng Phú, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới (ngày 16-1 âm lịch), lễ hội làng Lũ Phong, phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn, làng tổ chức rước sắc phong, hội đua thuyền, chơi chọi gà… (ngày 16-1 âm lịch), lễ hội làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (ngày 16-2 âm lịch), lễ hội làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn (từ ngày 15 đến 16-1 âm lịch)…  
 
Trò chơi dân gian mà người dân tổ chức trong lễ hội vào dịp đầu năm mới đa số đều mang ý nghĩa tâm linh thuần túy. Đua thuyền là nghi lễ tạ ơn Thủy thần trong năm qua đã giúp nông dân điều tiết nguồn nước và giữ nước cho đồng ruộng. Cướp cù là để tạ ơn Thần mặt trời đã dành ánh sáng cho nông nghiệp. Quả cù được tung vào rọ là hình ảnh báo hiệu năm mới nhiều may mắn, làm ăn phát đạt... Đó là những nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước luôn: “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.    
 
Cư dân miền biển Quảng Bình có lễ hội "Cầu ngư" đa số diễn ra vào tiết xuân. Mùa xuân cũng là thời điểm chuẩn bị vào mùa cá Nam, vụ đánh bắt chính của ngư dân Quảng Bình. Lễ hội "Cầu ngư" phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước nhằm cầu trời yên biển lặng, được mùa cá tôm, cho những chuyến đi biển bình yên, cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an… Tiêu biểu có lễ hội "Cầu ngư" làng Cảnh Dương vào ngày rằm tháng giêng âm lịch; làng Phú Bình, xã Lương Ninh (Quảng Ninh), từ ngày 14 đến 15-1 âm lịch…
 
Lễ hội "Cầu ngư" xã Bảo Ninh (Đồng Hới), Nhân Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch, Đức Trạch (Bố Trạch) đều diễn ra từ ngày 14 đến 15-4 âm lịch, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) diễn ra ngày 15-6 âm lịch… đã tạo nên nét văn hóa đậm đà bản sắc cho lễ hội "Cầu ngư" Quảng Bình. Năm 2018, lễ hội "Cầu ngư" ở Quảng Bình đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Trong lễ hội "Cầu ngư", ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm, tôn kính thì phần hội là những trò chơi dân gian thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần của người dân vùng biển. Đó là hội đua thuyền, múa bông, chèo cạn, kéo co dưới nước, hội thi đan lưới... Tất cả nhằm đề cao tinh thần thượng võ, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, rèn luyện kỹ năng để phục vụ cho những ngày vươn khơi bám biển.
 
Phổ biến nhất trong lễ hội mùa xuân là các loại hình thi thố tài năng, trí tuệ, những màn ca múa nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, như: lễ hội bài chòi ở phường Nam Lý, Phú Hải, Đồng Sơn, Hải Thành, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới), ở thôn Thượng, xã Võ Ninh (Quảng Ninh); lễ hội Thượng nguyên làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch); hội vật làng Tượng Sơn, phường Quảng Long (Ba Đồn)... Ngoài ra còn có hò khoan Lệ Thủy, hò biển Nhân Trạch, hát ru Cảnh Dương, ca trù Đông Dương, hát Kiều Pháp Kệ… Đó chính là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt, gắn bó, kết nối cộng đồng. Những nông dân mộc mạc, chân chất trong cuộc sống lao động hóa thân thành những diễn viên, nghệ sỹ vừa sáng tác vừa biểu diễn trong các hội chơi.
 
Lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình là một “bảo tàng sống” được sáng tạo, trao truyền và giữ được sức hấp dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếp văn hóa dân gian này là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Nguyễn Tiến Dũng

tin liên quan

Hình ảnh quê hương Quảng Bình trong thơ Xuân Hoàng
Hình ảnh quê hương Quảng Bình trong thơ Xuân Hoàng
(QBĐT) - Đánh giá về đời thơ, đường thơ của Xuân Hoàng, nhà thơ Chế Lan Viên nói rằng: "Xuân Hoàng là nhà thơ của Quảng Bình". Trong gia tài thi ca đồ sộ với 16 tập thơ và trường ca đã xuất bản của ông có một dòng tác phẩm xuyên suốt viết về quê hương Quảng Bình. Rất nhiều trong số đó đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của các thế hệ độc giả.
 
Đất và người Quảng Bình
Đất và người Quảng Bình
Đồng Hới, Quảng Bình đón tôi bằng sự bình yên đến ngạc nhiên của một tỉnh miền trung phát triển mạnh về du lịch. Nhiều người bảo, không phải mùa cao điểm du lịch, nhưng kể cả như vậy thì nhịp sống nơi đây vẫn thế. Đủ cả sự phóng khoáng của biển cả, sự huyền ảo của núi rừng, hang động và hơn tất cả là những bao dung, hiền hậu, thân thiện của người dân nơi đây. Đó là điều thú vị để một lần đến và một lần nhớ.
 
"Khi ông mặt trời đi ngủ" ở bản Chân Trôộng
"Khi ông mặt trời đi ngủ" ở bản Chân Trôộng

(QBĐT) - Gần ba năm nay, cứ vào khoảng 18 giờ 30 phút hàng ngày, sau bữa cơm tối cùng gia đình, chị Hồ Thị Hoa lại đứng trước bậc sàn ngôi nhà của mình, dùng hai tay làm loa để gọi "Ơi Cải, ơi Pa Rít, ơi Nhi, ơi Lan..... đi đến lớp học thôi, thầy giáo chờ mình rồi".