(QBĐT) - Trưa 30-4-1975, ông cùng các đoàn quân hừng hực khí thế tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, non sống nối liền một dải, ông trở về quê hương cùng các xã viên viết tiếp bài ca thống nhất bằng việc chèo lái Hợp tác xã (HTX) Thưọng Phong đi lên, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Ông là Võ Văn Khinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy.
Ông Võ Văn Khinh đang kể lại khoảng khắc tấn công vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. |
Tháng 5-1970, chàng trai trẻ Võ Văn Khinh tạm rời mái trường thân yêu để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Huấn luyện xong, năm 1971, ông cùng đơn vị hành quân vào phía Nam tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào một thời gian rồi tiếp tục trở ra Bắc huấn luyện.
Sau khi ông chuyển sang Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đơn vị được lệnh quay trở lại Quảng Trị chiến đấu. Quảng Trị ngày đó là vùng đất lửa, lượng bom đạn dội xuống đây nhiều không thể thống kê. Vào vùng đất lửa, ông cùng đồng đội được xem như những cảm tử quân, trong số này có nhiều người được làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận. Dưới mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, ông Khinh vẫn cùng đồng đội quyết tâm bám trận địa, kiên cường chiến đấu.
Sau 2 lần bị thương, ông vẫn tiếp tục xung phong ra chiến trường chiến đấu. Tháng 6-1974, đơn vị ông được điều động vào làm nhiệm vụ tại Đại Lộc, chuẩn bị đánh chiếm lại quận lỵ Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 8 năm 1974, giải phóng xong Thượng Đức, ông Khinh cùng đơn vị chuyển qua phòng ngự ở cao điểm 1062.
Tại nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Đến ngày 28-3-1975, đơn vị ông ông được lệnh tấn công chiếm sân bay Đà Nẵng. Đang trên thế thắng, ngày 29-3, các đơn vị trên địa bàn đồng loạt tiến công và giải phóng Đà Nẵng. Sau đó, đơn vị ông rút quân về Tú Loan, huyện Hòa Vang để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, ngoài Đà Nẵng thì Tây Nguyên, Huế cũng đã được giải phóng. Tận dụng thời cơ chín muồi , các cánh quân của ta đồng loạt tiến về Sài Gòn. Khoảng 6 giờ ngày 30 -4-1975, Tiểu đoàn 8 của ông được sự yểm trợ của Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 nhận lệnh dẫn đầu tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, đơn vị ông cùng các đơn vị khác tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam cộng hoà cùng toàn bộ nội các của chúng. Sau đó, các lực lượng tiếp tục đánh chiếm Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Bộ Quốc phòng của chính quyền ngụy, Cảng Sài Gòn và ngân hàng.
Trong niềm vui chiến thắng hân hoan, hàng chục triệu con tim Việt Nam hoà chung nhịp đập vì hạnh phúc. Thành phố Sài Gòn tràn ngập người cùng cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. "Lúc đó, tôi rất phấn khởi vì đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên thành công chiến dịch lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Với tôi, cảm giác đó như đi trong mơ giữa lòng Sài Gòn vậy.”, ông Võ Văn Khinh nhớ lại.
Đánh chiếm xong các mục tiêu, đơn vị ông được giao nhiệm vụ bảo vệ thành phố Sài Gòn khoảng một tuần trước khi giao lại cho lực lượng quân quản rồi tấn công giải phóng những nơi còn lại ở Đông Nam bộ. Sau ngày 30-4 lịch sử đó, ông Khinh tiếp tục được điều động lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ, tham gia học trường Quân chính và làm giảng viên ở đó 10 năm. Đến năm 1987, ông rời quân ngũ vì lý do sức khỏe với quân hàm đại úy.
Trở về quê hương, ông Võ Văn Khinh lập gia đình và tham gia sản xuất nông nghiệp. Năm 2000, ông được xã viên trong HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (gọi tắt HTX Thượng Phong) tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX. Thời kỳ này, HTX vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất ....
Tuy nhiên, dưới sự chèo lái của người cựu chiến binh năm xưa, HTX bắt đầu làm ăn có lãi và trở thành “bà đỡ” vững chắc cho bà con nông dân. Các hoạt động dịch vụ sản xuất từng bước bảo đảm chất lượng, kỹ thuật gieo thẳng được mở rộng trên 70% diện tích. Nhiều công trình phúc lợi tiếp tục được HTX đầu tư xây dựng. HTX Thượng Phong đã huy động mọi nguồn lực đầu tư vào các khâu trọng điểm nhằm tạo tiền đề cho sản xuất phát triển.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh và huyện Lệ Thủy trao Huân chương Lao động Nhì cho HTX Thượng Phong. |
Ông Khinh kể: “Khi đó, HTX xã đã tập trung đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất để giảm bớt sức lao động cho con người, chuyển đổi giống có năng suất thấp qua năng suất cao, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông nội đồng, trạm bơm, kênh mương, trụ sở làm việc, nhà kho, các nhà văn hóa xóm, đội; mở rộng thêm các khâu dịch vụ, như: cung ứng vật tư, vệ sinh môi trường, dịch vụ nước sạch nông thôn; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho xã viên về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật để áp dụng trong canh tác”…
Nhờ đó, kết quả kinh doanh, dịch vụ của HTX Thượng Phong không ngừng tăng cao. Đến nay, nguồn vốn của HTX có trên 11,4 tỷ đồng, năng suất lúa đông-xuân hàng năm đạt từ 70-75 tạ/ha, vụ tái sinh đạt từ 32-35 tạ/ha. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận thu được từ 180-200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 11 lao động, nộp ngân sách nhà nước 30-40 triệu đồng/năm.
Từ lợi nhuận đó, HTX đã trích một phần đóng góp cho xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho xã viên, cải thiện bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Qua đó, góp phần đưa HTX Thượng Phong lớn mạnh, trở thành lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh.
Với những kết quả nổi bật trên, HTX Thượng Phong được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác. Riêng cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Võ Văn Khinh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý.
Xuân Vương