Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 7: "Cổ Hiền sông núi quyện trời mây" (*)

  • 09:02, 07/02/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Làng nằm ngay giữa ngã ba sông, nơi hợp lưu của đôi dòng Kiến Giang và Long Đại thành dòng Nhật Lệ, nên con người Cổ Hiền (Hiền Ninh, Quảng Ninh) cũng mênh mang, rộng mở như sông. Qua bao biến thiên của lịch sử, mảnh đất ấy vẫn mang đầy nét đẹp về thuần phong mỹ tục của một làng văn vật với nhiều cảnh, nhiều tình. Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng người Cổ Hiền vẫn cứ hồn nhiên gắn bó với mảnh đất này, thương nhớ những nét đẹp văn hóa cổ truyền của chính quê hương mình như máu thịt, như hơi thở.

>> Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về..."

>> Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt

>> Bài 4: Thổ Ngọa nếp đất, hương quê

>> Bài 3: "Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió..."

>> Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Dấu ấn họ tộc

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Cổ Hiền thuộc tổng Hoành Phổ, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa. Dẫu có nhiều thay đổi về địa giới hành chính, nhưng cái tên Cổ Hiền vẫn được gìn giữ cho đến hôm nay. Theo gia phả của dòng họ Lê, làng Cổ Hiền ghi lại thì làng Cổ Hiền ngày nay có nguồn gốc từ làng Cổ Trai (Hải Phòng).

Sắc phong vua ban cho ngài thủy tổ họ Lê Cổ Hiền.
Sắc phong vua ban cho ngài thủy tổ họ Lê Cổ Hiền.

Gia phả ghi rõ: “Công, Bắc Kỳ, Cổ Trai nhân, tiền nhất nguyệt trú Nghệ An chí Mậu Ngọ tức Cảnh Thống nguyên niên. Minh Hoằng Trị, thập nhất niên, xuân chính nguyệt tấu chí thử địa, khẩn trị điền thổ”. Tạm dịch là: Ông, người Cổ Trai ở Bắc Kỳ, trước một tháng dừng chân ở Nghệ An, đến năm Mậu Ngọ, tức niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất, Triều Minh Hoằng Trị năm thứ 11, mùa xuân tháng giêng, đi gấp đến vùng này khai khẩn ruộng đất.

Theo ông Lê Long Lũy, trưởng dòng họ Lê Cổ Hiền ngày nay thì, trong sắc phong vua ban cho vị thủy tổ dòng họ này có chép rằng Ngài thủy tổ khai khẩn đầu tiên là Lê Đại Vũ, tước Lễ Lộc hầu, chiêu dũng phi kỵ tướng quân, đô úy thần Vũ Công. Bởi vậy, qua di bút của các bậc tiền nhân còn lưu dấu lại trên các thư tịch cổ nhuốm màu thời gian, nguồn gốc của làng Cổ Hiền có cơ duyên nguồn cội với làng Cổ Trai ở Hải Phòng tròn 520 năm trước.

Ông trưởng họ Lê Cổ Hiền kể lại rằng chính bởi nguồn gốc bổn quán đáng tự hào này mà trong lễ kỷ niệm 500 năm thành lập làng Cổ Hiền, bà con người họ Lê và nhân dân mảnh đất nơi ngã ba sông này đã xúc động đón đoàn đại biểu của bà con họ Lê ở Cổ Trai, Hải Phòng vào dự lễ.

Ông Lũy cũng cho hay, trong gia phả của cả ba họ Lê, Trương, Nguyễn có công khai khẩn vùng đất này, các bậc tiền nhân đã có giao ước với nhau một vài điều. Trong đó, thống nhất lấy ngày đông chí mỗi năm làm ngày kỵ chung của ba vị thủy tổ và sau khi các cụ về trời, con cháu phải lập ba cái miếu cùng trong một địa điểm để phụng: miếu họ Lê ở giữa, hai họ xây hai bên.

“Tất cả những giao ước của ba vị thủy tổ khai canh về sau trở thành những điều khoản vô hình, dẫu không bắt buộc nhưng con cháu trong làng đều thực hiện như một lời giao ước linh thiêng, kể cả những họ tộc mới nhập cư sau này. Ở Cổ Hiền, vai trò của dòng họ quan trọng và thiêng liêng lắm, trước đã vậy, sau này vẫn thế”, ông Lũy giải bày.

 

"Nói thế để thấy, người Cổ Hiền xưa nay vốn đã coi trọng đời sống văn hóa tinh thần, nhất là văn hóa tâm linh.

Có lẽ cái thênh thang của sông nước, mây trời làm nên cốt cách rộng mở, phóng khoáng của con người nơi chốn ngã ba sông là vậy"...

Cái “quan trọng và linh thiêng” mà ông trưởng tộc họ Lê Cổ Hiền nhắc đến chính là sự kết nối vô hình bao thế hệ con cháu người làng này dẫu Cổ Hiền nay đã được phân tách ra thành 5 thôn khác nhau.

Ngoài vai trò của chính quyền làng xã, ở Cổ Hiền, các họ tộc mang dấu ấn sâu đậm trong việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết của cộng đồng, trong chăm lo đời sống tinh thần, cổ vũ phong trào học tập của con cháu.

Làng của những lễ hội

Trong Địa chí làng Cổ Hiền, cụ Nguyễn Tú đã ví von rằng, nếu gộp tất cả những ngày lễ hội của Cổ Hiền lại có lẽ cũng hết tròn một tháng. Vậy là hàng năm, người Cổ Hiền đã dành trọn một tháng cho những lễ hội. Nói thế để thấy, người Cổ Hiền xưa nay vốn đã coi trọng đời sống văn hóa tinh thần, nhất là văn hóa tâm linh. Có lẽ cái thênh thang của sông nước, mây trời làm nên cốt cách rộng mở, phóng khoáng của con người nơi chốn ngã ba sông là vậy.

Trước năm 1945, Cổ Hiền là nơi có nhiều miếu thờ thần nhất trong vùng, vậy nên, cũng dễ hiểu khi mảnh đất này có các hình thức tế lễ công cộng rải đều từ tháng giêng đến tháng chạp. Nhiều lễ còn mang tính độc đáo, riêng có của mảnh đất ngã ba sông và đến nay vẫn là nét đẹp khó bề thay thế được.

Ngoài lễ Xuân Thủ cầu yên vào tháng giêng, lễ Thanh Minh vào tháng 3, lễ Phật Đản vào tháng 4, Tết Đoan Ngọ vào tháng 5 như phần đa các địa phương khác, Cổ Hiền còn có những lễ hội mang màu sắc rất riêng, như: Lễ Xuân Đinh tế Khổng Tử ở Văn Thánh vào tháng 2, lễ dương khao vào tháng 7, lễ Kỳ Phúc vào tháng 6... Người Cổ Hiền xưa thường tổ chức linh đình nhất lễ Kỳ Phúc, với quy định bắt buộc đến ngày lễ này, mọi đinh tráng, chức sắc đều phải có mặt tại đình làng để dự lễ và phục vụ việc hành lễ.

Lễ được tiến hành vào hai ngày 14 và 15 tháng 6 âm lịch. Quan trọng nhất của lễ này là hình thức rước sắc phong, văn bằng của tất cả các vị thần chủ trong các miếu thờ của làng về đình tế làng để làm lễ. Theo cụ Nguyễn Tú, một điều đặc biệt là khi rước sắc phong của các vị tổ khai khẩn ba họ Lê, Nguyễn, Trương thì cả lượt đi và lượt về đều phải rước qua ba điểm: các nhà thờ họ, miếu thờ và đình tế của làng.

Điều đó tỏ rõ, người Cổ Hiền xưa luôn có tấm lòng biết ơn với những người có công khai khẩn, mở mang làng xóm, đem lại ruộng đất cho nhân dân.

Nếu như rằm tháng 7 tại các làng quê khác thường tổ chức lễ xá tội vong nhân với hình thức cúng cô hồn, có tục phóng sinh thì lễ dương khao của người Cổ Hiền lại thay thế bằng hình thức trừ ma, trấn quỷ để bảo vệ yên lành cho xóm làng.

Cụ Lê Mậu Sương, 82 tuổi (thôn Bắc Cổ Hiền) cho biết, sống gần trọn một thế kỷ nhưng có lẽ bản thân chưa thấy một miền quê nào có lễ hội rằm tháng 7 độc đáo như ở Cổ Hiền. “Ngày đó, người ta kết một chiếc thuyền rồng bằng tre, rồi rước thầy pháp đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đường cái, đường quan. Dọc đường, nhà nào gặp cảnh khó nuôi con, mê tín lo sợ ma quỷ sẽ bắt mất đi thì đưa những đứa trẻ từ sơ sinh đến ba tuổi đến gặp thầy làm lễ.

Tượng ngài thủy tổ Lê Đại Vũ – một trong những người có công khai khẩn đất Cổ Hiền.
Tượng ngài thủy tổ Lê Đại Vũ – một trong những người có công khai khẩn đất Cổ Hiền.

Ông thầy lấy dao thích chữ thập lên xương trán rồi bôi mực xạ vào. Đứa trẻ mang vết tích ấy đến suốt đời với quan niệm ma quái sợ không dám bắt nữa”, nói rồi, cụ Sương đưa tay chỉ vết chữ thập còn in hằn trên trán đã nhiều lằn gấp vì thời gian. Vết tích ấy đã theo cụ từ lúc còn là cậu bé đỏ hỏn cho đến nay tóc đã bạc trắng đầu.

Đến giờ, ở Cổ Hiền, số người có dấu chữ thập như cụ Sương còn khá ít ỏi. Cụ bảo, tục lệ này đến sau năm 1945 thì chấm dứt, tuy đầy dị đoan, kỳ quặc, nhưng ý chính của nó vẫn xuất phát từ lòng thương xót con người. Và có lẽ, nhiều đứa trẻ đã lớn lên, lạc quan mà sống, bởi trong họ luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng mình luôn được bảo vệ, được chở che.

Câu chuyện của những bậc bô lão ở Cổ Hiền hôm nay vừa có cả niềm tự hào về quá khứ xen cả cái hụt hẫng về thực tại. Bởi nếu Cổ Hiền xưa được coi là làng của những lễ hội thì đến nay, tất cả những lễ hội ấy đều đã rơi rớt dần và biến mất hẳn trong đời sống tinh thần của người dân nơi này.

Tiếng vọng của lễ hội ở đình, chùa, miếu mạo và đền thờ chỉ còn trong tâm thức. Cái đau đáu muốn phục dựng, muốn hồi sinh những giá trị xưa cũ ấy vẫn thấp thoáng trong cái nhìn đượm buồn của cụ Sương và nhiều người dân thuộc thế hệ xưa cũ làng Cổ Hiền.

Diệu Hương

Bài 8: Đất học Kim Nại

---------------------------------------------------------

(*): Câu thơ trong bài thơ viết về làng Cổ Hiền của tác giả Lê Mậu Tý.





 

tin liên quan

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về..."
Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về..."

(QBĐT) - Làng Võ Xá xưa (nay là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) nằm trải dài trên con đường thiên lý Bắc Nam. Trong từng vỉa tầng văn hóa nơi mảnh đất này vẫn hàm chứa bao giá trị thiêng liêng, là lịch sử đánh giặc giữ nước, là truyền thống khoa bảng trăm năm.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt
Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt

(QBĐT) - Văn La là một trong những vùng đất có bề dày về truyền thống văn hoá, lịch sử của xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.

Hải Long Vương Bạch Xỉ, Hoàng đế, Thi nhân
Hải Long Vương Bạch Xỉ, Hoàng đế, Thi nhân

(QBĐT) - Gọi là Hoàng đế vì ông từng lên ngôi... Hoàng đế, sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt (11-1988). Dù dưới trướng không tới một ngàn tay gươm, đất chưa đầy trăm dặm, ông vẫn cùng 28 thủ hạ (nhị thập bát tú) cắt đặt chức vụ triều chính,  truyền hịch kêu gọi tiếp tục đánh Pháp.