Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Ký ức Ka Tang

  • 08:07, 24/07/2017
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùì vào quá khứ hơn 42 năm nhưng đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Thế Chương (quê xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), sinh năm 1945, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10 pháo cao xạ 37li (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 280, thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân) vẫn không sao quên được sự hy sinh anh dũng của 9 cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị vào ngày 9-1-1968, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Ka Tang.

Cầu Ka Tang bắc qua thượng nguồn sông Gianh, trên tuyến đường 15A (nay là đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), được xây dựng từ năm 1964. Từ năm 1965 đến đầu năm 1973, cầu Ka Tang là trọng điểm đánh phá cực kỳ ác liệt của không quân Mỹ.

Chúng đã sử dụng các loại máy bay F105, F104, B57, B52 tập trung đánh phá ác liệt cầu Ka Tang nhằm cắt đứt tuyến đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam của ta. Để giữ vững mạch máu giao thông, các đơn vị thanh niên xung phong, công nhân giao thông, bộ đội công binh, các đơn vị pháo cao xạ đã lần lượt về đây chốt giữ làm nhiệm vụ bảo vệ cầu. Các đơn vị đã hợp đồng với nhau cùng với dân quân bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay của giặc Mỹ.

Để ghi dấu những chiến công oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong và công nhân giao thông vượt qua gian khổ ác liệt, bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2009, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã ký quyết định công nhận cầu Ka Tang là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 19-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2388/QĐ-TTg công nhận cầu Ka Tang là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

 Bia Di tích lịch sử cầu Ka Tang.
Bia Di tích lịch sử cầu Ka Tang.

CCB Nguyễn Thế Chương cho biết, Tiểu đoàn 11 pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 280,  Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ cầu Ka Tang từ tháng 8-1966 đến khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc lần thứ nhất (31-10-1968).

Đêm 8-1-1968, Đại đội 10 được lệnh của tiểu đoàn, từ trận địa xóm Cục (nam cầu Ka Tang) sang chiếm lĩnh trận địa trên một đồi cao ở phía bắc cầu Ka Tang, (cạnh đường 15A, cách cầu Ka Tang khoảng 1km) thay cho Đại đội 11 vào bảo vệ vùng Khe Nét. Do vị trí trận địa ở trên đồi cao, tầm quan sát không hạn chế, lại gần ngầm Ka Tang nên việc đánh máy bay địch rất hiệu quả.

Tại trận địa này, Đại đội 11 đã bắn rơi một số máy bay địch. Điển hình ngày 3-9-1967, đơn vị đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F105 và sau đó cùng các đơn vị của Tiểu đoàn 11 bắn rơi thêm 2 chiếc nữa. Riêng Đại đội 10 trong các ngày 12-8 và 10-9-1967 khi làm nhiệm vụ tại đây đã bắn rơi mỗi ngày một chiếc F4H. Vì thế khi phát hiện ra trận địa ta, máy bay địch tập trung lực lượng đánh vào trận địa nhiều lần làm cho cán bộ chiến sỹ ta bị thương vong.

Buổi sáng ngày 9-1-1968, tiết trời mùa đông se lạnh, mây mù phủ kín cả núi đồi, không gian bị thu hẹp khiến máy bay địch không hoạt động được, tranh thủ thời gian, đơn vị cho các khẩu đội tổ chức huấn luyện tân binh mới bổ sung và phân công một nửa đại đội về bờ nam làm trận địa mới. Khoảng 9 giờ, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Chương đang đi kiểm tra tình hình tập luyện của các khẩu đội, vừa bước chân xuống hầm pháo của khẩu đội 5 thì nghe tiếng động cơ của máy bay B57. Chưa kịp hô xong: “Chú ý! B57 ném bom tọa độ!”, bom đã rơi vào trận địa. Khói bụi tan, anh vùng dậy đi kiểm tra, một khung cảnh tang thương hiện ra.

Trước mắt anh một chiến sỹ nằm sấp trên mặt đất, bên cạnh là cây sào, trên có cắm mô hình máy bay để tập bắn đã hy sinh. Đó là pháo thủ Đào Minh Tân ở Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nhìn sang khẩu đội 4, chẳng thấy pháo và người đâu, thay vào vị trí đặt pháo của khẩu đội là một hố bom rộng hoác, cách hố bom 15 mét là gường của khẩu pháo còn 3 bánh lật úp. Khẩu pháo 37li, nặng 2,1 tấn mà cả thân pháo, mâm pháo đều bị biến mất, chỉ còn lại gường pháo bật lên, 6 chiến sỹ của khẩu đội hy sinh.

Kiểm tra lại toàn bộ, anh biết có 8 đồng chí đã hy sinh tại chỗ, trong đó chỉ có 2 đồng chí còn nguyên thi thể, còn thi thể 6 đồng chí khác đã hóa thân vào đất mẹ. 7 đồng chí cán bộ, chiến sỹ bị thương, trong đó có đồng chí Nguyễn Đình Nụ bị thương nặng, sau đó cũng hy sinh. Hôm đó cả đơn vị phải hứng chịu 22 quả bom, đơn vị hy sinh 9 người. Mất mát thật là lớn lao...

CCB Nguyễn Thế Chương còn cho tôi xem “Danh sách các liệt sỹ thuộc Đại đội 10, Đ11, E 280 hy sinh trên địa bàn Quảng Bình ngày 9-1-1968” của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị cung cấp. Cả 9 liệt sỹ đều hy sinh ở độ tuổi từ 18 đến 26 tuổi, có một trung sỹ và hạ sỹ khẩu đội trưởng, còn lại là hạ sỹ và binh nhất pháo thủ; quê Hà Nội: 3, Hải Phòng: 2, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Hưng, Vĩnh Phú mỗi tỉnh có một liệt sỹ.

Trong lần trở lại thăm viếng, tri ân đồng đội gần đây ở trận địa cũ, CCB Nguyễn Thế Chương  cho biết, nguyện  vọng  của gia đình thân nhân 9 liệt sỹ và các CCB trong đơn vị cũ muốn đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xem xét công nhận: Trận địa pháo cao xạ bắc Ka Tang là Di tích lịch sử và cho xây dựng bia tưởng niệm để tri ân, tưởng nhớ các đồng chí đồng đội, những người đã không tiếc máu xương hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc. Được biết hiện nay, UBND huyện Tuyên Hóa đang làm các thủ tục liên quan để đề nghị tỉnh công nhận nơi đây là Di tích lịch sử.

Hồ Duy Thiện


 

tin liên quan

Ký ức Hòn La
Ký ức Hòn La

(QBĐT) - Cho đến bây giờ, 45 năm đã qua, nhưng những ngày tháng cảm tử phục vụ "Chiến dịch Hòn la" vẫn chưa bao giờ quên trong tâm trí người thương binh, cựu chiến binh Hoàng Văn Minh, để rồi mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, những ký ức đó lại hiện về trong ông...

Lễ vào nhà mới của người Vân Kiều
Lễ vào nhà mới của người Vân Kiều

(QBĐT) - Như những dân tộc anh em khác, ngôi nhà chính là nơi chốn yên bình, che nắng, mưa... của người Vân Kiều. Tìm được miếng đất vừa lòng thần linh, hợp ý gia chủ rồi cất dựng lên một ngôi nhà sàn để ở là ước vọng lớn nhất của người Vân Kiều. Trong sâu thẳm tâm hồn của người Vân Kiều, hướng đến thần linh, tổ tiên, những bậc thần lực vô hình một sự ngưỡng vọng cao độ nhất. Điều này thể hiện ở nghi lễ khánh thành nhà mới của người Vân Kiều.   

Lễ tưởng niệm, tri ân 45 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ thông tin Trạm cơ vụ A69
Lễ tưởng niệm, tri ân 45 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ thông tin Trạm cơ vụ A69

(QBĐT) - Ngày 2-7, tại bản Hà, xã Thanh Hoá (Tuyên Hóa), Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 45 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ thông tin Trạm cơ vụ A69 (2-7-1972 - 2-7-2017).