(QBĐT) - Ngày đó (1966), tôi còn rất trẻ, mới 19 tuổi. Từ công trường Muối Bình Quan (thị xã Đồng Hới), tôi hăm hở lên đường nhập ngũ vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 45, một tiểu đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của Quảng Bình được thành lập năm 1964, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
>> Chuyện về vị tướng anh hùng
 |
Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 45 (Tỉnh đội Quảng Bình) về thăm lại chiến trường xưa, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. |
Sau một năm huấn luyện, chiến đấu trên quê hương Quảng Bình, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định cử Đại đội 2 vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đây là đại đội bộ binh đầu tiên của Quảng Bình chi viện cho chiến trường với nhiệm vụ chiến đấu rút kinh nghiệm cho các đơn vị vào sau.
Đại đội trưởng của tôi lúc đó là ông Đậu Thanh Long, quê làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ông là lính chống Pháp tái ngũ với quân hàm trung úy, với dáng to cao, hội tụ đủ các yếu tố: mày ngài, hàm én, râu quai nón, nước da đen cháy. Đã thế tính ông lại rất nóng, sẵn sàng "trút lửa" lên đầu lính mỗi khi không vừa ý!
Lính đứa nào cũng sợ! Một đêm cuối tháng 6-1967, toàn đại đội vượt sông Hiền Lương sang bến đò Xuân Mỵ và lặng lẽ tiến vào xã Trung Giang. Các trung đội được bố trí chốt ở mỗi thôn trong xã, trung đội tôi ngược lên phía tây chiếm lĩnh thôn Thủy Khê. Một buổi sáng hè giữa tháng 7-1967, đồng chí Trung đội trưởng đến tìm tôi: "Đồng chí Thị mang vũ khí trang bị về gặp Ban chỉ huy đại đội nhận nhiệm vụ!" Tôi phân vân tự hỏi "Không biết nhiệm vụ gì đây?", nhưng với ý thức của người lính, tôi chỉ đáp "rõ" và nhanh chóng chấp hành theo đồng chí liên lạc chạy bộ về thôn Cương Gián nơi Ban chỉ huy đại đội đóng.
Vào đến nhà mệ Sành (nơi Đại đội trưởng ở) tôi đã thấy anh Cung, tiểu đội trưởng của Trung đội 1 ngồi đó. Một lát sau, đồng chí Đại đội trưởng Đậu Thanh Long đi họp về. Đồng chí cho biết, sau khi báo cáo và xin ý kiến, Ban chỉ huy Mặt trận và lãnh đạo Tiểu đoàn 48 đã đồng ý cho Đại đội 2 chúng tôi đánh tập kích quận Trung Lương (Gio Linh).
Quận Trung Lương nằm trên Quốc lộ 1, giữa đoạn đường từ cầu Hiền Lương vào cứ điểm Dốc Miếu, luôn có một trung đội cảnh sát dã chiến túc trực. Đó là tai mắt chỉ điểm cho máy bay, pháo từ tàu biển, từ Dốc Miếu bắn phá qua bờ Bắc và vùng phụ cận nam sông Hiền Lương. Đã có lần tôi được đại đội cử đi cùng với du kích địa phương thành lập tổ bắn tỉa, dùng súng K44 (nòng dài) có kính ngắm bố trí trận địa cách quận 800m hạ gục nhiều tên nhưng vẫn không xóa được cái "gai" đó.
Sau khi phổ biến phương án, kế hoạch và thời gian trinh sát, Đại đội trưởng Long ra lệnh: "Bây giờ hai thằng gặp mẹ Sành thay trang phục".
Tôi nhận từ mẹ Sành bộ áo quần và vào buồng thay. Khi bước ra ngoài tôi không còn nhận ra mình nữa. Khoác trên người là chiếc áo sơ mi chim cò màu sắc lòe loẹt, chiếc quần tây bó sát đùi nhưng phía dưới loe ra trông rất ngộ! Mẹ bưng ra một nồi cháo cá tràu, bắt chúng tôi ăn bằng hết trước khi lên đường.
19h30' Đại đội trưởng kiểm tra lần cuối. Tôi và anh Cung mỗi người mỗi khẩu AK báng gấp với 2 băng đạn buộc chéo (như lính đặc công) phủ bên ngoài là áo chim cò rộng thùng thình, lựu đạn da láng của Mỹ 2 quả đeo thắt lưng. Đại đội trưởng Long ngoài tiểu liên AK ông còn thêm khẩu K54, một đèn pin nhỏ và cuộn thước dây (của thợ may). Đúng 20h, cả ba thầy trò chào mẹ Sành lặng lẽ mò mẫm trong đêm hướng lên thôn Cao Xá.
Bắt đầu từ đây theo đội hình hàng một với chiến thuật "sâu đo" cách nhau 5m, Đại đội trưởng Long phía trước, đến tôi bò nhích từng mét một hướng về quận Trung Lương. Lợi dụng địa hình địa vật, có đoạn thuận tiện cho phép chúng tôi chuyển sang bò cao để tăng tốc độ rút ngắn thời gian. Đêm mùa hè không trăng nhưng trời đầy sao, gió Lào thổi nhẹ.
Cả ba chúng tôi vượt qua những vạt ruộng bỏ hoang, men theo bờ mương nước, luồn qua 2 lớp hàng rào kẽm gai và cuối cùng sau 4 giờ hành quân mật tập, chúng tôi đã tập kết cách cổng chính của quận không đầy 20m. Đại đội trưởng ra hiệu cho tôi nằm lại cảnh giới, còn ông và anh Cung bò qua lớp rào thứ ba, tiếp cận quan sát và đo đạc các mục tiêu quan trọng đồng thời xác định vị trí các điểm bố trí hỏa lực địch...
Khoảng 60 phút tôi nhận được ám hiệu: Ông đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát và quay trở ra. Lần này, tôi được phân công chặn hậu trên đường rút lui. Thoát khỏi hai lớp rào, bò ra cách mục tiêu hơn 50m, tôi cảm thấy thoải mái, trong lòng phấn chấn vì không còn căng thẳng thần kinh như lúc mới vào. Đang lúc bò tới bờ mương nước bỗng nghe "bốc-xoẹt" đồng thời một ánh chớp xanh lóa rồi cả vùng trời sáng trưng. Thì ra trong quận chúng bắn pháo sáng (hỏa châu) cầm canh.
Qua kẽ hở của ngón tay, tôi bỗng phát hiện ngay trước mặt mình có một chiếc que cắm xuống đất, đầu kia cong và có một sợi dây buông xuống nước... Lát sau ánh đèn dù tắt ngấm, không gian trở lại mờ ảo, tôi liền với tay nhổ chiếc que, lần theo đoạn dây cước phát hiện ra có một lưỡi câu và cả con giun. Tôi lờ mờ đoán đây có lẽ là dụng cụ câu cá. Nhưng ai câu và sao lại có kiểu câu này? Tôi vốn là quê biển Bảo Ninh, hồi ở nhà cũng thường đi câu nhưng là câu bằng ống tre để cuộn dây cước và cần câu là bằng cây hóp (họ tre), còn mồi là tôm chứ không phải thế này! Thấy lạ, tôi liền cuốn dây cước vào que giắt vào lưng nghĩ bụng "ra sẽ hỏi Đại đội trưởng" và tiếp tục bò về vị trí tập kết ban đầu.
Vừa đến nơi đã nghe ông Long hỏi nhỏ: "Răng lâu rứa? mi lạc đường à? Tôi nhanh nhảu (nhưng cũng đáp nhỏ). "Không lạc, em vẫn ra đúng đường. Nhưng em nhặt được cái ni hay lắm, Đại đội trưởng coi là cái chi". Vừa nói, tôi vừa đưa cho ông xem chiếc que có lưỡi câu, thoáng cái, một tay ông cầm chiếc que ấn vào mũi, một tay chụp lên đầu tôi, ông nạt: "Mi có biết đây là cái chi không? Đây là cần câu cặm (câu cắm) của mấy thằng lính trong đồn bắt cá đô. Sáng mai tụi hắn ra đi thăm câu thấy không có là hắn biết đêm qua có người vào đây, rứa là lộ bí mật hết. Biết không? Khôn hồn thì mang vô trả lại đúng chỗ cũ, không thì kỷ luật!".
Tôi ngẩn tò te, toát mồ hôi! Đâu ngờ sự việc lại hệ trọng đến thế? Hơn nữa giọng của ông lúc đó đanh lại, gầm gừ do tức giận (lại mang âm sắc thổ ngữ Cảnh Dương) và đang gần địch... làm tôi càng sợ.
Thế là tôi với cái cần câu cặm, theo lối cũ một mình bò vào. Phải căng mắt quan sát xác định đúng vị trí và đặt đúng chiếc cần câu vào chỗ cũ, xóa hết mọi dấu vết rồi lần ra đến nơi ông Long và anh Cung đang chờ. Thật hú vía.
Suốt dọc đường về đơn vị, tôi cứ lầm lũi đi sau, bụng bảo dạ "Lần này về chắc chết với ông Long!".
Nhưng tôi đã nghĩ sai về Đại đội trưởng của tôi. Hai hôm sau, khi lên kiểm tra Trung đội, ông kéo tôi lại giảng giải cho tôi biết cụ thể hơn về cái "vật lạ" đó đồng thời ông cũng "tập huấn" cho tôi về tinh thần ý thức cảnh giác, xử lý các trường hợp bất ngờ của người lính mà trong sách vở, chương trình huấn luyện không hề có. Chỉ một chi tiết thế thôi, nhưng đã giúp tôi - một anh lính trẻ trưởng thành nhiều trong những năm cầm súng chiến đấu.
Tôi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên và trở thành đảng viên lúc 21 tuổi ngay tại Đại đội 2 (Tiểu đoàn 45) mà người chỉ huy là Đại đội trưởng Đậu Thanh Long đáng kính.
Sau này có lần ông được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ Chỉ huy đội tàu không số của Quảng Bình chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường B5 (Quảng Trị) và từng giữ chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 185 của Tỉnh đội năm 1972-1973...
48 năm trôi qua nhưng chuyến trinh sát quận Trung Lương, chiếc cần câu cặm và Đại đội trưởng Đậu Thanh Long vẫn là hình ảnh kỷ niệm sâu sắc về những tháng ngày ở chiến trường Quảng Trị mãi mãi không quên trong ký ức tôi...
Đoàn Thị