Nên lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mới từ 2 năm trở lên?

  • 02:10, 30/10/2017
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Việc lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mới là 1 năm hay 2 năm sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88).

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội cho biết, nếu đúng theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội thì việc thực hiện  CT, SGK giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng chính thức từ năm học 2018-2019.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét việc lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mới (ảnh minh họa)
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét việc lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mới (ảnh minh họa)


Tuy nhiên, đến nay, sự chuẩn bị của Chính phủ mới chỉ xong được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (được Ban Chỉ đạo Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT thông qua ngày 27-7-2017).

Sau đó, còn rất nhiều việc phải làm như: xây dựng chương trình từng môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (kể cả tài liệu giao cho các địa phương biên soạn); giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà... Đồng thời là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết như tập huấn đội ngũ giáo viên, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện công việc này.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như: Tài chính, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo hướng tinh giản; giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cấp học, địa phương… Do vậy, ngành Giáo dục chưa thể vội vàng thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được mà cần có thời gian chuẩn bị, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành khác.

Về đề xuất của Chính phủ lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã có Phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra Tờ trình này.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới là 1 năm và thực hiện theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88.

Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp trung học cơ sở và 3 năm ở các lớp trung học phổ thông.

Trước đề xuất trên, đa số các thành viên của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội chấp nhận Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, còn  gần 1/3 đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban dự họp (11/35 người) vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của phương án lùi thời gian 1 năm như đề xuất trong Tờ trình.

Các thành viên này cho rằng, với những điều kiện chưa đủ như trên thì nên lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới là 2 năm và đề nghị Chính phủ xem xét thận trọng hơn.

Vì vậy, quyền quyết định lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới để khi áp dụng vào thực tế giảng dạy đạt hiệu quả nhất là thuộc về Quốc hội./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

tin liên quan

Bốn cách để phản ánh tiêu cực đến Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bốn cách để phản ánh tiêu cực đến Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để kịp thời nắm bắt thông tin giúp cho việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về giáo dục qua nhiều phương thức: điện thoại, thư, thư điện tử hoặc trực tiếp đến điểm tiếp công dân của Bộ.

Kế hoạch thu hút người có trình độ chuyên môn cao tỉnh Quảng Bình năm 2017
Kế hoạch thu hút người có trình độ chuyên môn cao tỉnh Quảng Bình năm 2017

(QBĐT) - Ngày 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã ký ban hành Quyết định số 3791/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch thu hút người có trình độ chuyên môn cao tỉnh Quảng Bình (đợt 2) năm 2017.

Hội Xuất bản Việt Nam tặng hơn 10.000 cuốn sách và tạp chí cho học sinh Quảng Bình
Hội Xuất bản Việt Nam tặng hơn 10.000 cuốn sách và tạp chí cho học sinh Quảng Bình

(QBĐT) - Trong hai ngày 24 và 25-10, tại Trường tiểu học số 2 Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) và Trường tiểu học số 2 Ba Đồn (TX. Ba Đồn), Hội Xuất bản Việt Nam đã đến thăm, trao tặng hơn 10.000 cuốn sách, tạp chí cho học sinh 48 trường tiểu học bị thiệt hại do bão số 10 vừa qua trên địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.