(QBĐT) - Mới đó mà đã hơn tám năm trôi qua. Tám mùa xuân vắng những lời căn dặn ân tình, ấm áp của Đại tướng với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà. Nhưng hình ảnh “Vị tướng huyền thoại” vẫn luôn sáng tươi trong tâm trí người dân đất Việt. Và, Vũng Chùa- Đảo Yến luôn rộn rã bước chân du khách muôn phương về kính viếng Người…
Những ngày đầu tháng 10-2013, người dân Quảng Bình bận rộn hơn mọi khi. Bão số 10 năm đó “viếng thăm” hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thành phố Đồng Hới sau bão đã biến thành một “bãi chiến trường” của hệ thống dây, cột điện, cây xanh, bảng quảng cáo… bổ nghiêng ngả. Việc dọn dẹp vừa ngơi, điện vừa được cấp lại thì tiếp đó là tin buồn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tối ngày 5-10-2013, khi có thông tin chính thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tôi cùng một số phóng viên được Ban Biên tập giao phải chuẩn bị bài cho các số báo những ngày tới mà gần nhất là số ra sáng thứ 2 ngày 7-10. Đây là công việc không đơn giản, không chỉ vì thời gian quá eo hẹp mà còn viết về Đại tướng là điều không dễ chút nào…
Lúc này nói không ngoa, chuẩn bị bài cho các số báo, thời gian tính bằng giờ, phóng viên viết bài không kịp…thở…Số báo ra ngày 7-10 tôi được giao phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy lúc đó là anh Nguyễn Đình Hiệu. Thời gian gấp rút, nên tôi chỉ trao đổi qua điện thoại một số ý chính. Qua điện thoại, ngoài nội dung, anh Hiệu nói thêm: “Có một chút băn khoăn là không an táng Đại tướng ở Lệ Thủy”. Thì ở đâu? Tôi hỏi gắt, nghe đâu ở phía Bắc, anh Hiệu chỉ nói đến đó. Có lẽ lúc này điều gì chưa chắc chắn (chưa được công bố rộng rãi) thì không ai dám nói, với Bí thư Lệ Thủy cũng vậy nên tôi không hỏi thêm. Đặt máy xuống, tôi liền nghĩ đến một dự án của anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng, thực hiện ở Quảng Trạch. Dự án này tôi cũng không biết cụ thể mà nghe đâu ở Quảng Đông (Quảng Trạch).
Bà con xã Lộc Thủy đón Đại tướng về thăm quê tháng 11-2004.
Sau khi chuẩn bị “hòm hòm” các bài viết, tôi liền rủ vài anh em đi ra Quảng Đông. Chuyến đi với nhiều toan tính. Thứ nhất là xem cụ thể nơi Đại tướng (có khả năng) yên nghỉ, thứ nữa là nếu Đại tướng yên nghỉ ở đây thì sẽ bố trí phóng viên tiếp cận thế nào cho hợp lý, kể cả chặng đường đi từ sân bay Đồng Hới ra (nếu đưa linh xa Đại tướng về bằng máy bay) để ghi lại những hình ảnh cuối cùng trong chuyến đi về cõi vĩnh hằng của Đại tướng.
Trước mắt chúng tôi một vùng biển Quảng Đông sáng trong như chưa hề phải chịu đựng một cơn bão dữ. Nước biển trong veo, sóng nhẹ xoa bờ chạy dài tít tắp theo bãi cát. Phía xa là đảo Yến biếc xanh, thấp thoáng những con thuyền dập dềnh trên mặt biển phẳng lặng…Dừng lại bên mấy ngư dân đang tu sửa ngư cụ sau những ngày chống chọi với bão, chúng tôi rụt rè hỏi: Mấy chú biết dự án của con bác Giáp ở mô không? Thật bất ngờ, một người nói to: Chùa Bác Giáp đó tề.Theo hướng chỉ của ngư dân nọ, một chấm đỏ giữa màu xanh của vạt rừng ở lưng chừng núi. Lúc này chúng tôi mới thật sự bất ngờ, nó rõ mồn một mà mãi không ai nhìn thấy dù đã có ý tìm kiếm dấu vết của cái cần tìm…
(QBĐT) - Là học trò xuất sắc và gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng "trọng dân", "lấy dân làm gốc" của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư tưởng, đạo đức sáng ngời và tư duy quân sự sắc bén, thiên tài của ông. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ góp phần quan trọng để làm tốt hơn công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
(QBĐT) - Ông Lê Mùi (SN 1956, ngụ 80/67 đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Ông sinh ra ở làng Thọ Đơn, xã Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) đã sinh sống nhiều năm tại TP. Hồ Chí Minh.