(QBĐT) - Bằng sự nhanh nhẹn, chăm chỉ, năng nổ và nhiệt huyết, cùng với phương châm “miệng nói tay làm”, chị Cao Thị Vân (người Mã Liềng, SN 1996), Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) luôn gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, vận động, tuyên truyền đồng bào Mã Liềng ở địa phương. Chị đã giúp bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh phát triển sản xuất để thoát nghèo, đồng thời chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Vào những năm 1990, thực hiện chủ trương định canh, định cư của Đảng, Nhà nước, lần lượt những hộ gia đình người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt, vốn quen với cuộc sống du canh, du cư nơi rừng sâu, núi thẳm của núi Giăng Màn (thuộc dãy núi Trường Sơn), đã quyết định nghe theo lời vận động của cán bộ, chính quyền để đến với bản Kè an cư lạc nghiệp cho tới tận hôm nay. Hiện tại, bản Kè có 62 hộ với trên 250 nhân khẩu, đại đa số đều là người Mã Liềng.
Trưởng bản Kè Cao Thị Vân tâm sự: “Năm 2019, bản thân tôi được dân bản tín nhiệm, bầu làm trưởng bản cho đến nay. Bên cạnh đó, cấp trên và bà con dân bản còn tín nhiệm giao thêm các chức danh kiêm nhiệm, gồm: Người có uy tín, chi hội trưởng chi hội phụ nữ và nông dân bản Kè. Xác định làm cán bộ là để cống hiến, chăm lo và phụng sự cho dân bản, những năm qua, bản thân tôi đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, tích cực học tập theo tấm gương Bác Hồ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với tôi, học tập Bác từ những điều giản dị, nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày, như: “Nói đi đôi với làm”, gương mẫu, tiên phong trong lao động sản xuất, đoàn kết, xây dựng lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, làm việc gì cũng xuất phát từ cái tâm... Khi áp dụng vào công việc, dân bản sẽ rất dễ tiếp thu, đồng tình hưởng ứng và ngày càng tin tưởng mình hơn. Chừng nào còn được dân bản tin tưởng, tín nhiệm thì bản thân tôi sẽ tiếp tục ra sức cống hiến để xây dựng bản Kè ngày càng khang trang, ấm no, hạnh phúc hơn...”.
![]() |
Để chứng minh việc “nói đi đôi với làm”, những năm qua, chị Cao Thị Vân luôn chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình từ việc đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rau màu và trồng rừng sản xuất. Hàng năm, gia đình chị đều duy trì trồng ngô, lạc, lúa nước kết hợp chăn nuôi lợn, gà để tự cung ứng đủ lương thực, thực phẩm dùng quanh năm. Nhằm mở hướng làm giàu, gia đình chị còn trồng hơn 3ha rừng sản xuất, nuôi được 10 con trâu, bò lúc cao điểm, trở thành một trong số những hộ có điều kiện kinh tế khá giả hàng đầu ở bản Kè.
Vừa làm, chị Vân vừa tranh thủ học hỏi thêm những kinh nghiệm, cách làm hay ở các địa phương khác và trên các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, địa phương, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Không chỉ chú trọng làm giàu cho bản thân, chị còn tích cực vận động, chia sẻ cách thức phát triển kinh tế hiệu quả cho những hộ dân khác trong bản. Nói được và làm được, luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, chị Vân được bà con ở bản Kè xem như “ngọn đuốc” để dẫn lối, soi đường, xây dựng bản làng vùng cao ngày càng hạnh phúc, ấm no và giàu đẹp hơn...
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Văn Phúc nhận xét: “Trên cương vị là trưởng bản Kè, chị Vân luôn thể hiện bản thân là người rất tâm huyết với công việc, nhanh nhẹn, chăm chỉ, năng nổ và tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương. Là người “miệng nói tay làm”, chị đã dẫn dắt, xây dựng bản Kè trở thành bản vững mạnh, nổi trội về mọi mặt, từ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa... Chị Vân thực sự đã trở thành cầu nối đắc lực để giúp Lâm Hóa triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với toàn xã nói chung và tại 3 bản có người Mã Liềng nói riêng”.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2022-2025, bản Kè đã huy động sửa chữa, xây mới được 4 tuyến đường giao thông nội bản (trị giá trên 2 tỷ đồng), xây dựng mới 1 điểm trường tiểu học (hơn 3 tỷ đồng), vận động nhân dân hiến trên 9.450m2 đất và tài sản trên đất để làm đường giao thông nội bản, xây dựng trường học. Đặc biệt, Chi bộ bản Kè đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của bản làng; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%; có 54/62 hộ đạt gia đình văn hóa; 100% các hộ gia đình trong bản được sử dụng điện sáng; 98% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân qua hàng năm từ 3-5%...
V.Minh