(QBĐT) - Với một chặng đường dài thành lập và phát triển 70 năm đầy gian khổ hy sinh, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Truyền thống hào hùng
Ngược dòng lịch sử, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tháng 2/1946, xã Hưng Ninh (bao gồm xã Lộc Ninh, xã Lý Ninh) thuộc huyện Quảng Ninh được thành lập. Năm 1955, xã Lộc Ninh được tách ra từ xã Hưng Ninh, gồm các làng: Phú Hội, Phú Xá, Hữu Cung và Lộc Đại. Tháng 6/1955, Chi bộ xã Lộc Ninh với 28 đảng viên được tách ra từ Chi bộ Hưng Ninh. Tháng 2/1979, xã Lộc Ninh được chuyển về trực thuộc sự lãnh đạo quản lý của thị xã Đồng Hới. Tháng 8/1986, xã Lộc Ninh được tách thành hai xã Lộc Ninh và Quang Phú như hiện nay.
Buổi đầu thành lập, với điều kiện của một xã có đại đa số người dân sản xuất nông nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật rất lạc hậu, Chi bộ xã Lộc Ninh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc vận động giảm tô, giảm tức và tiến hành cải cách ruộng đất với mục tiêu người cày có ruộng.
Thời kỳ 1958-1960, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải tạo nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cá thể vào làm ăn tập thể, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và ngư nghiệp, Chi bộ xã đã lãnh đạo thành lập và xây dựng các HTX nông nghiệp và ngư nghiệp: HTX Bình Minh (Tây Xá), HTX Đông Phương Hồng (Đông Xá), HTX Rạng Đông (Đông Lộc), HTX Lê Hồng Phong (Bắc Xá), HTX Tân Tiến (Xóm Miếu) và HTX Tân Lập (Quang Phú)... Song song với thực hiện chủ trương xây dựng các HTX sản xuất, Chi bộ xã cũng lãnh đạo thành lập HTX mua bán và HTX tín dụng nhằm phân phối tiêu thụ sản phẩm thiết yếu cho nhân dân và tạo nguồn vốn phục vụ cho sản xuất.
![]() |
Cùng với lãnh đạo nhân dân thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, Chi bộ xã Lộc Ninh cũng tiến hành lãnh đạo phát triển văn hóa-xã hội, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, nhất là phát triển giáo dục, động viên con em đến tuổi đều được đi học, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ...; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh và điều trị bệnh thông thường, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ được phát triển rộng khắp trong địa phương. Toàn xã đã dấy lên phong trào thi đua cải tạo đường nông thôn, ngói hóa nhà ở... tạo bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang.
Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Đảng bộ xã đã lãnh đạo sáp nhập 3 HTX nhỏ ở vùng Lộc Đại thành HTX Quang Lộc, thành lập các HTX tiểu thủ công nghiệp gồm các nghề mộc, rèn, may mặc, sửa chữa cơ khí nhỏ...; thành lập xí nghiệp gạch ngói; tổ chức xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi, như: Bàu Tràm, bàu Tuần, bàu Vèng..., đào mương đưa nước về sản xuất nông nghiệp; đồng thời, động viên thanh niên miền biển tăng cường bám biển, nâng cao sản lượng đánh bắt.
Buổi đầu thành lập Chi bộ xã Lộc Ninh có 28 đảng viên, đến nay, qua 30 lần đại hội, Đảng bộ xã đã phát triển trở thành một trong những đảng bộ lớn của TP. Đồng Hới với gần 900 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ xã Lộc Ninh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối được nhân dân tin tưởng. |
Về văn hóa-xã hội, xã hoàn thành xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục cho trẻ đến tuổi đi học. Năm học 1961-1962, xã chính thức thành lập Trường cấp 1-2 Lộc Ninh. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được chú trọng phát triển mạnh.
Thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong mưa bom bão đạn ác liệt, Đảng bộ xã Lộc Ninh đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục củng cố các HTX nông nghiệp, ngư nghiệp, ngành nghề, phát huy sức mạnh tập thể, xã viên tay súng tay cày, tay súng tay chèo, bám ruộng, bám biển để sản xuất, giữ vững các chỉ tiêu về sản xuất lương thực chăn nuôi và đánh bắt thủy sản, tích cực chi viện cho đồng bào miền Nam; góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chung tay kiến thiết quê hương
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Ninh tích cực đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật... Nhờ vậy, vụ đông-xuân 1975-1976, năng suất lúa đạt 32 tạ/ha, được xếp vào nhóm có năng suất cao đứng đầu toàn huyện. HTX Quang Phú hoàn thành xuất sắc kế hoạch đánh bắt cá và làm nghĩa vụ cho Nhà nước, là đơn vị dẫn đầu các hợp tác xã nghề cá toàn tỉnh.
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, Đảng bộ xã đặc biệt chú trọng vấn đề dân sinh, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sinh hoạt và đời sống cho nhân dân. Hệ thống trường học, trạm y tế được quan tâm xây dựng, bảo đảm cho các hoạt động dạy và học, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được chú trọng và giữ vững...
![]() |
Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ với 3 nội dung: Nâng cao chất lượng đảng viên, kết nạp đảng viên mới lớp Hồ Chí Minh và kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội xã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Vươn lên trong sự nghiệp đổi mới
Thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Ninh đã nỗ lực, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao từ một xã có nền kinh tế độc canh nông nghiệp. Đến nay, kinh tế thương mại, dịch vụ đã chiếm hơn 77% tỷ trọng nền kinh tế của xã, trở thành mũi nhọn của kinh tế địa phương; kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 13%. Cơ sở hạ tầng nông thôn, trường học, trạm y tế, trụ sở xã được hiện đại hóa, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được chú trọng; đặc biệt là lưu giữ, bảo tồn và phát triển “Lễ hội xuống đồng” trở thành nét văn hóa đặc sắc của quê hương Lộc Ninh. Công tác chính sách, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
![]() |
Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, an ninh chính trị trên địa bàn ổn định, cuộc sống của người dân luôn luôn bình yên, vui tươi. Hoạt động của Mặt trận, đoàn thể nhân dân ngày càng đổi mới mạnh mẽ hơn, luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao, nằm trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố.
Có thể khẳng định, truyền thống anh hùng và thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Ninh đạt được trong 70 năm qua đã trở thành tài sản vô giá, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau giữ gìn, phát huy lên một tầm cao mới. Theo kế hoạch, xã Lộc Ninh sẽ sáp nhập thành phường Đồng Thuận, tỉnh Quảng Trị, kết thúc đơn vị hành chính xã Lộc Ninh và hoạt động của Đảng bộ xã Lộc Ninh. Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Ninh luôn tự hào về thành tựu mà các thế hệ đã xây dựng, tạo lập lên và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, cùng đơn vị mới xây dựng quê hương giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 11/1/1973, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký sắc lệnh số 02/LCT phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã Lộc Ninh. HTX Quang Phú nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành thủy sản; đồng chí Lê Trạm, Chủ nhiệm HTX được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
|
Nguyễn Văn Cội
Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Ninh