(QBĐT) - Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 25/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm tán thành với sự cần thiết ban hành Luật TTTP về dân sự với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, mục đích, quan điểm như được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung “nguyên tắc có đi có lại” vào quy định tại Điều 6, bởi đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế.
![]() |
Về tiếp nhận và thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, đồng chí cho rằng, với quy định trả lại hồ sơ cho cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Điều 16 của luật này chưa thực sự phù hợp, quy định như trên là còn quá cứng nhắc và dễ dẫn đến trường hợp hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, gây tốn kém về chi phí và mất thời gian, có thể ảnh hưởng đến thời hạn, thời hiệu trong giải quyết vụ án dân sự. Do đó, đồng chí đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong một khoảng thời gian nhất định; quá thời gian đó mà không bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thì trả hồ sơ, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Về phương thức thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam tại Điều 20 quy định: “Yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam được thực hiện theo quy định pháp luật của nước được yêu cầu hoặc theo phương thức cụ thể mà nước được yêu cầu chấp nhận”, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc sửa lại: “Yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam được thực hiện theo điều ước quốc tế TTTP về dân sự mà Việt Nam và nước ngoài đã ký kết. Trường hợp chưa ký kết điều ước quốc tế về TTTP thì thực hiện theo quy định pháp luật của nước được yêu cầu hoặc theo phương thức cụ thể mà nước được yêu cầu chấp thuận.” Như vậy, mới bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc TTTP về dân sự và việc áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định tại Điều 5 dự thảo luật.
Minh Phong