Tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013
07:05, 28/05/2025
(QBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng bộ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Với tinh thần trách nhiệm cao, ý kiến của người dân bày tỏ sự đồng thuận với những điểm đổi mới quan trọng trong dự thảo lần này, cũng như sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa: Phát huy tối đa quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Minh Hóa vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu được thông qua tóm tắt dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; bản thuyết minh về dự thảo nghị quyết; bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp.
Quang cảnh hội nghị.
Đa số các đại biểu đồng tình cao với dự thảo Hiến pháp và đóng góp ý kiến làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến sắp xếp lại các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQVN; quy định về tổ chức đơn vị hành chính, chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp.
Việc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống MTTQVN và các tầng lớp nhân dân trong huyện đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp.
Thùy Linh
(Trung tâm VH -TT&TT Minh Hóa)
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là công việc hệ trọng và cần thiết
Các tầng lớp nhân dân ở huyện Quảng Trạch nhận thức sâu sắc việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là công việc hệ trọng và cần thiết, tạo cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Hội nghị lấy ý kiến do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Trạch chủ trì.
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều đồng tình cao với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm 11 chương và 120 điều, đã vận hành ổn định 12 năm qua. Dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này chỉ đề cập đến 8 điều. Đây chính là sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm trước đất nước, trước Đảng và nhân dân của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại khoản 2 Điều 115, nhiều cử tri đề nghị sửa đổi câu: “Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân” thành câu: “Người được chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân”. Cử tri cho rằng, kể cả người chất vấn và trả lời chất vấn đều thực hiện quyền của mình, không nên sử dụng thuật ngữ “bị” ở đây. Hầu hết cử tri đồng tình cao, tuy chúng ta đã làm quen với thuật ngữ này nhiều năm qua, nhưng càng ngày, cần điều chỉnh văn hóa pháp lý phù hợp với nền tảng đạo đức và văn hóa xã hội, vì thế đề nghị trên vẫn có cơ sở và hợp tình, hợp lý.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân, người tham gia góp ý qua các hình thức đều tin tưởng rằng, sau sửa đổi, bổ sung lần này, Hiến pháp nước ta sẽ duy trì ổn định lâu dài, thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Nguyễn Tiến Nên
Ngư dân Quảng Bình góp tiếng nói xây dựng Hiến pháp
Trên những làng biển Quảng Bình, tiếng nói về sửa đổi Hiến pháp không chỉ vang lên trong hội trường mà còn lan tỏa tận những mái thuyền ở khơi xa. Góp ý Hiến pháp đã trở thành trách nhiệm của ngư dân, những người đang trực tiếp gìn giữ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh Nguyễn Thanh Điệu nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) Nguyễn Thanh Điệu chia sẻ: “Tôi đồng tình với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là Điều 9 khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc. Đây là sự thay đổi phù hợp với thực tế hoạt động của nghiệp đoàn, giúp bảo vệ quyền lợi thiết thực cho bà con ngư dân”.
Tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), ngư dân Nguyễn Xuân Điệp cũng bày tỏ sự đồng thuận: “Tập trung các tổ chức xã hội về Mặt trận sẽ nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tránh chồng chéo, đồng thời sát dân hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thuân ở xã Quang Phú bày tỏ: “Tôi hoan nghênh việc lấy ý kiến nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp. Hy vọng những thay đổi này sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng quyền lợi cho người dân, trong đó có ngư dân”.
Không chỉ là quá trình hoàn thiện thể chế, việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình sửa đổi Hiến pháp còn là hành trình xây dựng niềm tin giữa người dân và Nhà nước, giữa tổ chức và cá nhân, giữa luật pháp và đời sống. Và khi được xây dựng từ thực tiễn, Hiến pháp sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho mỗi hành trình vươn khơi của đất nước.
Lệ Thủy-Việt Phương
Để bộ máy gần dân, sát dân và phục vụ tốt hơn
Ông Đinh Phú Cường, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa
Chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm phục vụ cho công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Bởi vậy, tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, góp phần tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, từ đó nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.
Ông Đinh Phú Cường thường xuyên lên mạng cập nhật, theo dõi nội dung, phương thức để vận động, hướng dẫn bà con nhân dân tham gia góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 2013.
Những ngày này, tôi cùng cấp ủy trong tổ dân phố đang tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, hướng dẫn bà con nhân dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 2013 theo đúng thời gian quy định.
Tôi kỳ vọng sau khi được Quốc hội thông qua việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 2013 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh cho chính quyền cơ sở, để bộ máy thực sự gần dân, sát dân hơn và phục vụ nhân dân tốt hơn.
(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng không chỉ có những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học mà còn mang trong mình những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa.