Tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

  • 07:05, 23/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng bộ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Với tinh thần trách nhiệm cao, ý kiến của người dân bày tỏ sự đồng thuận với những điểm đổi mới quan trọng trong dự thảo lần này, cũng như sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
 
Thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Ông Nguyễn Quang Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh
 
Thực hiện Kế hoạch số 132-KH/HNDT ngày 12/5/2025 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về góp ý dự thảo Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức 15 hội nghị lấy ý kiến của 1.535 cán bộ, hội viên, nông dân; 100% cán bộ từ huyện đến cơ sở tham gia góp ý trên VNeID. Về cơ bản hội viên nông dân trên địa bàn huyện nhất trí với dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.
Đông đảo người dân xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.
Đông đảo người dân xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013, tôi đồng tình cao với sửa đổi, bổ sung ở khoản 1, Điều 9: “…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”. Điều này phù hợp với Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Tại Điều 110, tôi cơ bản nhất trí như dự thảo sửa đổi, bổ sung. Ở khoản 3 đề nghị giữ nguyên đoạn: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương do Quốc hội quy định”. Hoặc viết lại: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định sau khi lấy ý kiến của nhân dân”.
 
Quy định như vậy bảo đảm bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được quy định ở Điều 2 Hiến pháp; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân quyết định, dân kiểm tra, giám sát”. Nếu bỏ “phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương” thì bản chất nhà nước của Việt Nam sẽ không còn. Đương nhiên quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
 
Tại Điều 115, ở khoản 2: “…Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân…”. Đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo đảm quyền giám sát của nhân dân và bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, nhất trí sửa đổi cụm từ “…Thủ trưởng cơ quan…” thành “…người đứng đầu cơ quan…”.
Lan Chi (thực hiện)
 
Việc góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 hứa hẹn một kỷ nguyên
vươn mình mạnh mẽ của dân tộc
Ông Đoàn Hồng Thụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Võ Ninh, Quảng Ninh
 
Những ngày gần đây, cùng với cả nước, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Võ Ninh đã tổ chức cho toàn thể hội viên tích cực nghiên cứu văn bản dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Cùng với đó, Hội còn vận động, đề nghị toàn thể hội viên phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận, nêu lên những ý kiến đóng góp về các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Bản thân tôi và hội viên CCB xã Võ Ninh đều đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Việc tổ chức lấy ý kiến trong toàn thể nhân dân góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu về tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và thực tiễn hơn. Đặc biệt, việc hoàn thiện Hiến pháp lần này hứa hẹn một kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc; tránh bị tụt hậu về thứ hạng phát triển kinh tế-xã hội so với các nước trên thế giới; đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
 
Cá nhân tôi còn kỳ vọng việc góp ý để hoàn thiện Hiến pháp lần này sẽ giúp bộ máy hoạt động của Nhà nước giải quyết được nhiều vấn đề cho người dân một cách thực chất, hiệu quả, kịp thời, sâu sát hơn; quan tâm nhiều hơn đối với những người có công với cách mạng; tạo điều kiện thuận lợi để CCB tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục cống hiến cho đất nước ngày càng phát triển, phồn thịnh.
Văn Minh (thực hiện)
 
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là việc làm rất quan trọng
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, tiểu thương chợ Bắc Lý, TP. Đồng Hới
 
Là tiểu thương, luôn bận rộn với việc buôn bán nên tôi chưa chú ý nhiều đến việc góp ý, sửa đổi Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, khi được địa phương, Ban Quản lý chợ Bắc Lý tuyên truyền, tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tôi cơ bản tán thành, thống nhất cao với các nội dung sửa đổi. Đặc biệt, khi chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp thì việc sửa đổi Hiến pháp là điều quan trọng, cần thiết để vận hành chính quyền theo mô hình mới. Đây là việc làm nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 có nội dung sửa đổi Điều 110 như sau: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập”. Việc diễn đạt như vậy còn chung chung, gây khó hiểu cho nhiều người dân. Vì vậy, đề nghị sửa thành “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Xã, phường và đơn vị hành chính tương đương do Quốc hội thành lập”.
 
Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, ngoài các hình thức truyền thống, việc lấy ý kiến thông qua ứng dụng VNeID, tôi thấy rất thích hợp với xu thế hiện nay. Điều này không chỉ giúp người dân làm quen với ứng dụng VNeID mà còn có thể dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc lấy, tổng hợp ý kiến của nhân dân.
Thanh Hoa (thực hiện)
 
 Kỳ vọng về chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả
Anh Nguyễn Xuân Đạt, Phó Bí thư Đoàn Công ty Xăng dầu Quảng Bình
 
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là việc làm rất cần thiết. Phát huy trách nhiệm và quyền làm chủ của công dân, ngay khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 được công bố, tôi đã đọc, nghiên cứu và tham gia góp ý trên ứng dụng VneID.
 
Nhìn chung, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 xoay quanh các quy định về sắp xếp cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, việc hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn 2 cấp.
 
Đặc biệt, tại Điều 110, tôi tán thành với nội dung sửa đổi chính quyền địa phương 2 cấp. Với nội dung sửa đổi, tôi kỳ vọng mô hình chính quyền địa phương mới sẽ hoạt động gần dân, sát dân và hiệu lực, hiệu quả hơn; qua đó, phục vụ và nâng cao chất lượng sống cho mọi tầng lớp nhân dân.
 
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định các tổ chức chính trị-xã hội (gồm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn và Hội Nông dân) trực thuộc MTTQVN, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận. Đây là nội dung nhằm bảo đảm sự quản lý thống nhất, tránh chồng chéo, không đồng bộ.
 
Việc tham gia góp ý, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cơ hội để bản thân tôi đóng góp ý kiến, nguyện vọng của mình nhằm xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp; qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, làm chủ của một đoàn viên, công dân trong quá trình phát triển của đất nước.
Đ.N (thực hiện)

 

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm
Đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm

(QBĐT) - Ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) do đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành thảo luận tại tổ.