Tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

  • 08:05, 22/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng bộ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Với tinh thần trách nhiệm cao, ý kiến của người dân bày tỏ sự đồng thuận với những điểm đổi mới quan trọng trong dự thảo lần này, cũng như sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để đáp ứng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Khẳng định nguyên tắc bình đẳng, vai trò và giá trị đạo đức nhân văn của các tôn giáo
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh
 
Phát huy tinh thần, trách nhiệm công dân và lòng yêu nước, tôi xin góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về một số nội dung liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giá trị đạo đức, nhân văn trong đời sống hiến pháp và pháp luật. Tôi đề nghị giữ nguyên và củng cố tinh thần tiến bộ của Điều 24 trong Hiến pháp 2013; trong đó, khẳng định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được pháp luật bảo hộ. Hiến pháp cần đưa vào nội dung khẳng định nguyên tắc bình đẳng, vai trò và các giá trị đạo đức nhân văn của các tôn giáo, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng, để tăng cường đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo trong xây dựng xã hội. Về quyền công dân và giá trị nhân văn trong Hiến pháp, tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi khẳng định vai trò của các giá trị đạo đức, nhân văn, truyền thống tâm linh trong việc xây dựng đời sống xã hội lành mạnh, góp phần định hướng văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ.
 
Về thực thi quyền và nghĩa vụ công dân đối với người có tín ngưỡng, là một công dân theo đạo, tôi tin rằng mọi người có đức tin đều mong muốn sống tốt đời, đẹp đạo, tuân thủ pháp luật và cống hiến cho xã hội. Vì vậy, đề nghị Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định và bảo đảm quyền tham gia chính trị, kinh tế, xã hội của công dân có tín ngưỡng, không để có sự phân biệt hay rào cản trong thực tế. Tôi kỳ vọng rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ phục vụ yêu cầu hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy nhà nước mà còn là dịp khẳng định và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền tự do tôn giáo, vốn là một trong những giá trị thiêng liêng của mỗi con người nhằm phát huy nội lực của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có cộng đồng tôn giáo được đóng góp tiếng nói xây dựng cho Hiến pháp, nền tảng cao nhất của quốc gia.
Hiền Chi (thực hiện)
 
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Anh Trương Minh Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch
 
Qua nghiên cứu các nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013), bản thân tôi nhận thấy, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và niềm tin của toàn dân nói chung, tuổi trẻ nói riêng đối với công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
 
Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013. Đây là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
 
Tôi đồng tình và nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, góp phần sắp xếp lại đơn vị hành chính và tinh gọn hệ thống chính trị, từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phan Phương (thực hiện)
 
Một số điều sửa đổi Hiến pháp giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên
gần dân hơn, sát dân hơn
 
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Đồng Hới Lương Kim Chung cho biết, Hội CCB thành phố đã triển khai cho các hội cơ sở tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. 
Cựu chiến binh phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Cựu chiến binh phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Thông qua các kênh thông tin đại chúng, các hội viên Hội CCB thành phố đã nghiên cứu văn bản dự thảo Nghị quyết của Quốc Hội về sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, hội viên CCB đã góp ý thẳng thắn các vấn đề cần quan tâm. Các ý kiến của hội viên Hội CCB TP. Đồng Hới cơ bản đồng thuận cao với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Hội CCB phường Đức Ninh Đông đã tập trung thảo luận, góp ý kiến về các nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, xác định đây là nhiệm vụ hệ trọng, cần phát huy trách nhiệm cao nhất để khẩn trương thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội CCB phường Đức Ninh Đông Hoàng Văn Cung, các CCB đều có chung quan điểm, việc sửa đổi lần này là liên quan quy định các tổ chức chính trị-xã hội (gồm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội CCB, Công đoàn và Hội Nông dân) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.
 
Thường trực Hội CCB thành phố tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn. Các nội dung ý kiến tham gia sẽ được tổng hợp, gửi báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố để tổng hợp.
Hương Trà (thực hiện)
 
Sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần thiết với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Công nhân Công ty cổ phần Việt Trung Quảng Bình
 
Hiện nay, Quốc hội đang triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về Hiến pháp năm 2013 với 2 nhóm vấn đề: Một là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; hai là quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
 
Theo tôi, việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội hiện nay của đất nước. Việc lấy ý kiến của nhân dân thể hiện sự dân chủ, quyền và trách nhiệm của nhân dân đối với sự phát triển của đất nước, của đời sống mỗi cá nhân.
 
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bản thân tôi và những người thân trong gia đình tôi đã tiến hành góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VneID. Chúng tôi tán thành với các nội dung sửa đổi, bởi chúng tôi thấy những nội dung này rất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, đón đầu tương lai vì một kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Lê Mai (thực hiện)

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình có 2 giảng viên dạy giỏi toàn quốc
Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình có 2 giảng viên dạy giỏi toàn quốc
(QBĐT) - Vừa qua, tại Trường Chính trị Tô Hiệu (TP. Hải Phòng) đã diễn ra hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ IX năm 2025.