(QBĐT) - Sáng 14/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).
Tham gia thảo luận, đồng chí Trần Quang Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc triển khai, thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, yêu cầu một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải xem xét các yếu tố mang tính vĩ mô, dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là việc sáp nhập, giảm đầu mối, giải thể.
![]() |
Đồng chí Trần Quang Minh đồng tình với Điều 110 về việc bỏ nội dung “phải lấy ý kiến nhân dân" khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính vì có những việc không phù hợp với thực tế và đa số nhân dân cho rằng đây là việc làm hình thức, tốn kém kinh phí và thời gian, tạo tâm lý không thoải mái cho cử tri và nhân dân khi thực hiện quyền làm chủ…
Nội dung này do Quốc hội quy định tiêu chí đối với thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là phù hợp. Dân chủ mà nhân dân cần là dân chủ thực chất, nhân dân thấy được quyền làm chủ của mình thực sự được phát huy, chính kiến được ghi nhận từ đó sẽ tích cực tham gia xây dựng đất nước.
Tại mục 3, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 có quy định “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”, theo đồng chí Trần Quang Minh, đối với cấp tỉnh là phù hợp vì các tỉnh nhập lại là ngang cấp còn đối với cấp xã không nên quy định là trường hợp đặc biệt vì trong tình hình thực tế hiện nay việc bố trí cán bộ chủ chốt của Đảng giữ chức danh chủ tịch HĐND mà không là đại biểu HĐND của một trong những đơn vị cấp xã sáp nhập sẽ là phổ biến, vì theo quy định của các địa phương trong cả nước hiện nay, đa số chức danh Bí thư và Phó Bí thư (dự kiến kiêm Chủ tịch HĐND) là nhân sự ở huyện về, thậm chí ở cả tỉnh về thì không thể là đại biểu HĐND của một hay một trong số các xã sáp nhập được. Đề nghị xem xét bỏ từ “trường hợp đặc biệt” đối với các xã, phường sau sáp nhập và có thể dùng từ “cho phép”, “được phép “ hoặc “có quyền chỉ định các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã hình thành sau sáp nhập mà nhân sự không phải là đại biểu HĐND" là thích hợp hơn trong thực tế hiện nay.
Minh Phong