Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài 4: Chiến dịch K15-gạch nối ân tình Quảng Bình, Quảng Trị!

  • 05:05, 30/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) Trở lại những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, vùng đất tiền tuyến lớn miền Bắc là Quảng Bình, Vĩnh Linh chịu sự hủy diệt nặng nề của bom đạn kẻ thù. Với tầm nhìn xa, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định đưa hơn 30 nghìn trẻ em độ tuổi từ 5 đến 15 ở Vĩnh Linh, Quảng Bình ra Bắc để “giữ gìn lực lượng và nòi giống”, đào tạo trở thành người có ích, sau này trở về xây dựng lại quê hương. Hai cuộc di dân lịch sử này mang mật danh K8, K10. Nhưng có thêm một cuộc di dân lần thứ ba với tên gọi Kế hoạch 15 (K15), được tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai ngay sau ngày Quảng Trị giải phóng lần thứ nhất (1/5/1972), đưa nhân dân các vùng chiến sự Hải Lăng, Triệu Phong sơ tán ra Quảng Bình, Vĩnh Linh. K15 thêm một lần nữa giúp Quảng Bình, Quảng Trị càng khăng khít nhau hơn, chan chứa nghĩa tình.
 
 
Cuộc thiên di cuối cùng
 
K15 là một kế hoạch sơ tán dân quy mô lớn, khoảng 8 vạn người. Tuy không bằng K8 và K10 trước đó nhưng vì tiến hành trong điều kiện bị động, mức độ chiến tranh khốc liệt (sau khi Quảng Trị giải phóng ngày 1/5/1972, Mỹ-ngụy huy động một lực lượng lớn quân đội nhằm tái chiếm Quảng Trị. Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Cổ thành Quảng Trị đã lột tả hết mức độ khốc liệt của chiến trường Quảng Trị trong thời gian diễn ra K15-PV). Không có sự chuẩn bị từ trước, nhân dân vùng Nam Quảng Trị bỏ lại nhà cửa, tài sản lên đường ra Bắc bằng mọi phương tiện có thể tận dụng, bằng đường biển, bằng đường bộ. Đồng bào hai huyện Gio Linh, Cam Lộ đón con em Hải Lăng. Huyện Vĩnh Linh và Lệ Thủy dang rộng vòng tay tương trợ bà con Triệu Phong.
Cầu Hiền Lương nơi đón tiếp cũng như đưa tiễn đồng bào Quảng Trị hồi hương khi Kế hoạch K15 hoàn thành  sứ mệnh lịch sử.
Cầu Hiền Lương nơi đón tiếp cũng như đưa tiễn đồng bào Quảng Trị hồi hương khi K15 hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Nhân dân Triệu Phong đi sơ tán trong K15 vượt sông Bến Hải, đến Vĩnh Linh, Quảng Bình. Tại bờ Bắc vĩ tuyến 17, Ủy ban Hành chính (UBHC) khu vực Vĩnh Linh huy động trên 1.500 cán bộ, dân quân các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn..., dùng tất cả thuyền bè xông pha dưới mưa bom, bão đạn suốt hai ngày đêm, đón hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em qua sông Bến Hải an toàn, đưa đồng bào về từng thôn, từng ngõ, từng nhà.
 
Tại vùng đất giáp ranh Lệ Thủy, nhân dân xã Sen Thủy đón bà con Quảng Trị dọc tuyến đường bộ. Xã Ngư Thủy sửa chữa nhà cửa, hầm hào trú ẩn, sẵn sàng giúp đồng bào các xã biển Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Độ ra bằng đường biển... Gần 4.000 người dân huyện Triệu Phong “neo lại” tại Vĩnh Linh và Quảng Bình.
 
Trong hoàn cảnh thời chiến, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ngày đêm, nhân dân Vĩnh Linh, Lệ Thủy thực hiện khẩu hiệu “4 chia” (chia nhà, chia cửa, chia lửa, chia máu) với đồng bào Triệu Phong. Các địa phương: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thái, Vĩnh Chấp, Sen Thủy, Ngư Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy, Tân Thủy, Hồng Thủy..., cứ một hộ gia đình nhận kết nghĩa, chăm nuôi một gia đình từ Quảng Trị sơ tán, thậm chí có nhà nhận hai đến ba gia đình đồng bào Quảng Trị. Tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” được phát huy cao độ. Người dân hai tỉnh bảo bọc nhau, có cơm ăn cơm, có sắn khoai dùng sắn khoai, quyết tâm không để một ai bị đói, bị ốm đau, bệnh tật.
 
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi được UBHC tỉnh Quảng Bình phân công làm Phó Trưởng ban đón tiếp đồng bào Quảng Trị ra theo K15, phụ trách văn hóa xã hội. Có nhiều câu chuyện xúc động lắm. Đồng bào Quảng Trị sống trong vùng tạm chiếm đã lâu, nghe luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chính quyền miền Nam về người dân miền Bắc. Đơn cử như miền Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo đói, nhân dân không đủ cơm ăn, áo mặc, vì thế bảy người đu một nhánh đu đủ không gãy... Ra đến Vĩnh Linh, Quảng Bình thì mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Nhân dân miền Bắc, cụ thể là bà con Vĩnh Linh, Lệ Thủy đón đồng bào Quảng Trị như chính người thân thích, thực hiện triệt để chủ trương “4 chia”. Còn đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Bình qua từng câu chuyện bà con trong Nam kể, càng cảm thông, hiểu hơn mức độ khốc liệt chiến tranh; sự áp bức của chính quyền tay sai Mỹ-ngụy, càng thêm yêu thương đồng bào mình, vững trọn niềm tin vào ngày chiến thắng, Bắc-Nam về chung một nhà”.
 
Gạch nối ân tình
 
Trở lại thôn Sen Bình, chúng tôi thăm hỏi vợ chồng ông Nguyễn Văn Yển, Lê Thị Thiếp. Bà Thiếp người Quảng Trị, sơ tán theo K15. Gia đình bà Thiếp ở xã Triệu Độ (Triệu Phong), tháng 5/1972, cả nhà gồm 6 người đội mưa bom, bão đạn ra Bắc. Đến vùng giáp ranh thì được bà con thôn Sen Bình đón nhận. Những năm tháng ở Sen Bình, bà Lê Thị Thiếp gặp ông Nguyễn Văn Yển, du kích thôn Chấp Bắc (Vĩnh Chấp) rồi thành vợ thành chồng.
Tỉnh Quảng Trị giải phóng, K15 hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh quyến luyến chia tay, tiễn đồng bào Triệu Phong, Hải Lăng hồi hương. Dòng sông Bến Hải một thời chia cắt hai miền Nam-Bắc nay không còn nữa, trở thành nơi đưa đón đồng bào huyện Triệu Phong về lại quê nhà.

Trong câu chuyện vui một thời “hạt gạo bẻ hai, củ khoai chia bốn” theo K15, ông bà Nguyễn Văn Yển, Lê Thị Thiếp chân thành: “Bây giờ thì cấm phân biệt quê ông, quê tui nữa rồi nhé. Quảng Bình, Quảng Trị về chung một nhà, không vui sao được. Câu chuyện nghe hơi hướng có chút chi trạng Vĩnh Hoàng: "Biết có ngày Quảng Bình, Quảng Trị chung biển, chung trời, nên tiên phong ra Quảng Bình trước đó chơ. Đi trước đến 53 năm chứ ít mô!”

Hành trình đi tìm ân tình Quảng Bình, Quảng Trị trong K15, chúng tôi có sự đồng hành của những đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị. Qua các chuyến đi, chúng tôi gặp lại nhiều gia đình thuộc diện K15 “neo lại” ở huyện Vĩnh Linh.
 
Tại thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp là vợ chồng ông bà Nguyễn Thái Truyện, Lê Thị Đơn. Năm 1972, bà Lê Thị Đơn cùng 6 người trong gia đình từ thôn An Lợi, xã Triệu Độ (Triệu Phong) sơ tán theo K15. Ông Nguyễn Thái Truyện giai đoạn đó nằm trong Ban đón tiếp xã Vĩnh Chấp, cảm thông hoàn cảnh bà Đơn, ông Truyện nhận giúp đỡ gia đình bà. Ba tháng sau, bà Lê Thị Đơn nhận nhiệm vụ trở về quê hương Triệu Độ công tác. Dù xa nhau, ông bà vẫn trao đổi thư từ qua lại, hẹn nhau đất nước thống nhất sẽ thành chồng, thành vợ. Đất nước hòa bình, nhớ lời ước hẹn xưa, ông bà chính thức về chung một nhà.
 Vợ chồng ông bà Lê Trọng Hề, Phan Thị Khương ở xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” nhờ Kế hoạch K15 se duyên.
Vợ chồng ông bà Lê Trọng Hề, Phan Thị Khương ở xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” nhờ Kế hoạch K15 se duyên.

Ở xã Vĩnh Thủy có gia đình ông bà Lê Trọng Hề, Phan Thị Khương gốc gác K15. Bà Phan Thị Khương quê quán xã Triệu Hòa (Triệu Phong). Khi cùng gia đình sơ tán ra Vĩnh Linh bà gặp gỡ và xây dựng gia đình với ông Lê Trọng Hề. Hạnh phúc bên nhau đến “đầu bạc răng long”, con cháu đề huề. Nhớ lại chuyện xưa, ông bà luôn tâm niệm, nhờ K15 mà người dân hai miền Nam-Bắc gặp nhau, nên duyên, nên nghĩa, nên tình.

Ngô Thanh Long
 
>>> Bài cuối: Bản anh hùng ca trên đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
HĐND huyện Minh Hóa khóa XX: Thông qua các nghị quyết quan trọng
HĐND huyện Minh Hóa khóa XX: Thông qua các nghị quyết quan trọng

(QBĐT) - Chiều 30/5, HĐND huyện Minh Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) nhằm xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết quan trọng theo thẩm quyền.