Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài 3: Chuyển "lửa Nông trường"... vô Nam!

  • 06:05, 29/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tạm biệt vùng đất giáp ranh với những câu chuyện thắm nghĩa, thắm tình giữa người dân hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi ngược lên phía Tây huyện Lệ Thủy, đến với thị trấn Nông trường Lệ Ninh. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Lệ Ninh là nơi hội tụ của đội ngũ cán bộ từ 27 tỉnh, thành miền Nam tập kết ra, trong đó có những người con ưu tú Quảng Trị. “Đất lành chim đậu”, con em miền Nam “chung lưng, đấu cật” với người dân Quảng Bình lập nên các tập đoàn sản xuất miền Nam, tiền thân của Nông trường quốc doanh Lệ Ninh (Công ty TNHH MTV Lệ Ninh hiện tại). Khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng (19/3/1975), một số “hạt giống đỏ” người Quảng Trị ở Nông trường quốc doanh Lệ Ninh được Bộ Nông trường giao nhiệm vụ trở về quê hương, thành lập những nông trường trên vùng đất vừa mới giải phóng phía Tây Quảng Trị.
 
 
 
Làng miền Nam trên đất Quảng Bình
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ba nước Đông Dương ký kết. Đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc bắt tay vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc. Sông Hiền Lương, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới phân chia hai miền. Vĩnh Linh, Quảng Bình là tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Theo Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình (tập II), giai đoạn 1954, Quảng Bình đón nhận 3.219 cán bộ, đảng viên hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị ra tập kết.
 
Tại vùng đất Lệ Ninh, ngoài đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên còn có thêm con em 25 tỉnh, thành khác ở miền Nam hội tụ về, bước đầu lập nên các tập đoàn sản xuất nông nghiệp miền Nam, chịu sự quản lý của Ban Thống nhất Trung ương.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lệ Ninh nhớ lại: Trong cuốn sách “Công ty Lệ Ninh 55 năm truyền thống và phát triển” xuất bản năm 2015 do tôi chủ biên ghi rõ, khi số lượng các tập đoàn sản xuất nông nghiệp miền Nam tăng lên, tháng 1/1958, Ban Thống nhất Trung ương quyết định thành lập Khung sản xuất miền Nam ở vùng đất Lệ Ninh, về sau đổi tên thành Liên đoàn sản xuất miền Nam Lệ Ninh, “mái nhà chung” 36 tập đoàn sản xuất của con em các tỉnh, thành miền Nam. Khi thời cơ chín muồi, Liên đoàn sản xuất miền Nam có được cơ sở vật chất ổn định, trình độ quản lý vững vàng, Chính phủ quyết định thành lập Nông trường quốc doanh Lệ Ninh vào ngày 24/12/1960.
 
Nông trường quốc doanh Lệ Ninh thành lập mang tính chất lịch sử vô cùng trọng đại, thiêng liêng, vì xây đắp nên từ mồ hôi, xương máu, sự chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo của con em miền Nam tập kết ra với “đất lửa” Quảng Bình, đúng như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: Anh chị em cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là cái vốn quý báu nhất, là lực lượng chính trị của cách mạng... Các liên đoàn sản xuất miền Nam là trường học thực tế xã hội chủ nghĩa để đào tạo những cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay và cho miền Nam sau này.
 
Đất nước thống nhất, con em của 27 tỉnh, thành miền Nam một số ít hồi hương, còn phần lớn chọn ở lại, “an cư, lạc nghiệp” tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh cùng với nhân dân Quảng Bình xây dựng nên những ngôi làng đoàn kết Bắc-Nam nghĩa tình. 
Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Can, một trong những người con Quảng Trị tập kết ra Bắc hiện đang sinh sống tại “Làng miền Nam” Lệ Ninh.
Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Can, một trong những người con Quảng Trị tập kết ra Bắc hiện đang sinh sống tại “Làng miền Nam” Lệ Ninh.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đăng Can (SN 1934) ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, một người con Quảng Trị tập kết ra Bắc năm 1954. Đất nước thống nhất ông Can quyết định ở lại “Làng miền Nam” Lệ Ninh. Trong ký ức ông Can, con em miền Nam tập kết ra Bắc là những người “đi trước về sau”. Tháng 8/1954, chàng thanh niên Nguyễn Đăng Can đi tập kết với niềm tin sắt son rằng hai năm sau tổng tuyển cử, Nam-Bắc thống nhất, ông sẽ về lại quê hương Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng).
 
Thời gian đầu ở Quảng Bình, ông Nguyễn Đăng Can tham gia công tác cải cách ruộng đất tại xã Hồng Thủy, đến năm 1958 thì đi xây dựng Liên đoàn sản xuất miền Nam Lệ Ninh. Trên vùng đất nông trường những tháng năm gian khó, ông Nguyễn Đăng Can gặp gỡ bà Nguyễn Thị Bông (SN 1941), người Hoa Thủy rồi “nên đôi, nên đũa”. Kể lại mối lương duyên Nam-Bắc này, bà Bông dung dị: “Thấy người miền Nam tập kết xa gia đình, xa quê hương thì thương thôi. Hỏi ông ấy... ông ấy gật đầu. Rứa là thành vợ, thành chồng. Để bây giờ đại gia đình có 4 người con, 10 cháu nội ngoại và 3 người chắt”.
 
Những người chuyển “lửa Nông trường” vô Nam
 
Trong hàng nghìn con em miền Nam tập kết ra Bắc, “neo” lại vùng đất Lệ Ninh có ông Lê Mậu Lộ (SN 1929), quê quán thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ông Lê Mậu Lộ tham gia cách mạng từ năm 1947, sau đó nhập ngũ thuộc Sư đoàn 325. Năm 1959, ông Lộ chuyển công tác về Nông trường quốc doanh Lệ Ninh. 
Ông Lê Mậu Lộ.
Ông Lê Mậu Lộ.
Theo lời kể của những cựu cán bộ Nông trường quốc doanh Lệ Ninh và Công ty TNHH MTV Lệ Ninh sau này là con em miền Nam tập kết, hiện đang sinh sống tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, trong con người ông Lê Mậu Lộ hội tụ ba phẩm chất đáng quý: Say mê lao động của một người nông dân chất phác; tầm vĩ mô của nhà quản lý kinh tế và cái tâm trong sáng của một người cộng sản chân chính. Những năm tháng cống hiến tại Nông trường quốc doanh Lệ Ninh, ông Lê Mậu Lộ đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau.
 
Giai đoạn 1965-1972, ông là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Nông trường. Hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả trong lao động gắn liền với tên tuổi ông Lê Mậu Lộ, như: Chế tạo máy rải phân, máy gieo lạc, ngô, máy cấy lúa, máy bóc vỏ và phân loại lạc, máy đào kênh thủy lợi...
 
Ngày 19/3/1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Bốn tháng sau đó, ông Lê Mậu Lộ được Bộ Nông trường giao một trọng trách rất nặng nề: Thành lập bộ khung cán bộ gấp rút trở vào Quảng Trị nhanh chóng tổ chức Nông trường quốc doanh Tân Lâm, nông trường đầu tiên trong vùng giải phóng miền Nam. Đoàn cán bộ Quảng Trị chuyển “lửa Nông trường” vô Nam lúc đó gồm 42 người (41 nam và 1 nữ). Trước khi lên đường vào Quảng Trị, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp mặt, căn dặn đoàn: “Về miền Nam, xây dựng một nông trường tuy nhỏ nhưng cho tốt thì quý lắm...”.
 
Sau khi xây dựng thành công Nông trường quốc doanh Tân Lâm, năm 1981, ông Lê Mậu Lộ được phân công làm Trưởng ty Nông nghiệp Bình Trị Thiên, năm 1985, giữ chức Giám đốc Công ty cao su Bình Trị Thiên. Ghi nhận những công lao vô cùng to lớn của ông Lê Mậu Lộ, năm 2008, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông.

Vùng đất phía Tây Nam huyện Cam Lộ với diện tích tự nhiên 4.300ha, được chọn làm nơi xây dựng nông trường đầu tiên của miền Nam sau ngày giải phóng. Tân Lâm, nơi đứng chân của bộ khung Nông trường, cũng là tên gọi những ngày đầu mới thành lập-Nông trường quốc doanh Tân Lâm, là một thung lũng kẹp giữa hai bên núi cao. Mùa khô, gió Lào từ phía Tây tràn về, không vượt nổi qua núi, men theo dòng Đakrông đổ cả vào Tân Lâm, thổi thông thốc, hầm hập, héo quắt người, cỏ cây. Khí hậu khắc nghiệt, không sợ. Cái sợ lớn nhất khi vùng đất Cam Lộ, Hướng Hóa vốn là chiến trường khốc liệt, bom đạn ken đặc, nằm lẫn với đất.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ông Lê Mậu Lộ cùng tập thể lãnh đạo xây dựng Nông trường quốc doanh Tân Lâm thành mô hình điển hình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm tốt quốc phòng, an ninh. Cho đến năm 1980, sau 5 năm “nếm mật, nằm gai”, Nông trường quốc doanh Tân Lâm đã trồng được 50ha tiêu. Sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất chết.
 
Tại Quảng Trị, chúng tôi lần theo dấu chân những người 50 năm trước tiên phong chuyển “lửa Nông trường” vô Nam. May mắn thay, qua khớp nối một số thông tin, chúng tôi gặp được anh Lê Minh Tâm, con trai thứ 10 của ông Lê Mậu Lộ ở TP. Đông Hà.
 
“Hành trình giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng của ba là một hành trình dài, không ít chông gai. Nhắc đến ba, đồng bào Quảng Trị ở các địa phương Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa... ai cũng trân quý vì phần lớn cuộc đời ba cống hiến, hy sinh cho sự phát triển các nông trường quốc doanh sau ngày quê hương Quảng Trị giải phóng. Ba và đồng đội góp phần hồi sinh những vùng đất chết phía Tây Quảng Trị”.
 
Tại Quảng Bình, ông Lê Mậu Lộ gặp gỡ, kết hôn với bà Đỗ Thị Luy (SN 1934), người thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) năm 1951 và có đến 10 người con, gồm 3 gái, 7 trai. Anh Lê Minh Tâm, con trai thứ 10 cũng là trai út theo nhân duyên của ba mình lập gia đình với một người con gái quê Hải Thành (TP. Đồng Hới). Ông Lê Mậu Lộ mất năm 1999.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 4: Chiến dịch K15-gạch nối ân tình Quảng Bình, Quảng Trị!

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Quyết tâm phấn đấu đưa công ty phát triển nhanh và bền vững
Quyết tâm phấn đấu đưa công ty phát triển nhanh và bền vững

(QBĐT) - Đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phương hướng, nhiệm vụ: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà".