Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài 2: Nơi "Ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh"
06:05, 28/05/2025
(QBĐT) - Quảng Bình, Quảng Trị giáp ranh nhau tại hai huyện Lệ Thủy, Vĩnh Linh. Trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đất và người Lệ Thủy, Vĩnh Linh có rất nhiều điểm tương đồng; trong đó, đặc sắc nhất là những ngôi làng nói trạng vang danh gần xa: Trạng Vĩnh Hoàng ở Vĩnh Linh và làng “nói trẹp” Quảng Cư phía Lệ Thủy. Chuyện trạng trở thành niềm tự hào, vốn văn hóa “riêng có” của người dân hai tỉnh. Những ngày chúng tôi đến vùng đất giáp ranh, nghe bà con hai tỉnh kể chuyện trạng... rồi ngộ ra, tình Quảng Bình, nghĩa Quảng Trị gắn bó, keo sơn từ bao đời nay...
Theo Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam đến Km 717+100, phía bên phải có tấm biển ghi: “Địa phận Quảng Trị”. Căn cứ vào địa giới hành chính, phía Bắc vùng giáp ranh là thôn Sen Bình, xã Sen Thủy; phía Nam là khu dân cư Khe Lấu, thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp. Phân chia ranh giới trên bản đồ thì có vẻ rạch ròi, lớn lao lắm, nhưng thực tế, chỉ một bước chân là qua Quảng Trị hay về Quảng Bình. Con gà gáy, con chó sủa bên này... nghe rõ phía bên kia! Bởi thế, trong kho tàng trạng Vĩnh Hoàng, chúng tôi tìm thấy một câu chuyện rất thú vị về tình đất, tình người Quảng Bình, Quảng Trị-“Ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh”.
Chuyện của một người bố kể rằng: “Con trai tui sáng nớ ra đồng bới khoai cho đến chiều tối mà khôông thấy về. Mạ hắn đi ra đi vô dấm dẳng hỏi hắn có bị tai nạn, sập đất, sập đai chi khôông? Nóng “rọt” (ruột) quá, tui liền xách cây đèn bão đi tìm. Đến roọng (ruộng) khoai, thấy hầm hố thằng con đào lên tô hô, tôốc hôốc, khoai lang thì chất thành từng đôống ngổn ngang.
Người dân giữa hai thôn Tây Thôn (xã Ngư Thủy), Mạch Nước (xã Vĩnh Thái) “chung biển, chung trời”.
Tui rọi đèn ra phía Quảng Bình, thấy nơi Bàu Sen có ánh sáng lấp ló, tui cắt đường chạy tới hỏi thăm. Bà con cho biết thằng con tui bị dân quân bắt giữ, đang lấy lời khai. Tức khí! Tui xông vô lớn tiếng: “Cớ chi mà mấy chú bắt con tui một ngày đàng, khôông cho hắn về cơm nước?”. Một dân quân bảo: “Bác biết khôông, nơi đất giáp ranh ni đã có lệnh cấm mọi người đụng đến bom mìn, rứa mà con trai bác ngang nhiên đào lên, xếp đôống lại, may mà chưa nổ. Khôông phạt là còn may lắm đó”. Tui bán tín, bán nghi... Con trai đi bới khoai chứ có nghịch ngợm bom mìn chi mà để cho dân quân, kiểm lâm phía Quảng Bình bắt giữ. Tui dõng dạc: “Con trai tui ngoan lắm, bom đạn hắn biết chi, khôông tin thì mấy chú theo tui.
Vô tới roọng khoai, họ lật từng củ lên, bẻ lấy đầu khất kiểm tra mới rõ là khoai lang. Họ phân trần: “Rứa mà bọn tui tưởng bom chưa tháo ngòi. Thì trước đây chỗ ni là vùng bom đạn ngút trời nên chẳng ai dám tới trồng trọt. Ngờ mô ngọn khoai lang trong làng bác bò ra thấu đây. Có chi mong bác thông cảm”. Tui nhẹ cái bụng, xua tay: “Thôi thôi... chuyện lỡ rồi, chừ đói bụng, mấy chú cho người khiêng một củ ra ngoài đó luộc để anh em ăn cho vui”.
Chuyện thì quá trạng... Vĩnh Hoàng! Nhưng lột tả hết thực tế không cần “cân, đo, đong, đếm” là Quảng Bình, Quảng Trị xưa nay biển, rừng đã liền nhau, người với người luôn chia sớt ngọt bùi, khốn khó, “hạt thóc chia đều; củ sắn, củ khoai bẻ nửa, xắn tư”.
Giữa bốn bề mát xanh rừng tràm, đồi cát, hồ thủy lợi Bàu Dum ở thôn Sen Bình giáp thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp có diện tích mặt nước khoảng 4,4 km2, cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày và tưới tiêu cho gần 410ha lúa của 5 xã, thị trấn phía Bắc huyện Vĩnh Linh (Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, thị trấn Hồ Xá) trở thành một biểu tượng đầy nghĩa tình giữa hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Anh Nguyễn Văn Thơm, cán bộ Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, từng gắn bó với Bàu Dum hơn 20 năm. Trong câu chuyện về hồ nước Bàu Dum, dấm dẳng đọc mấy câu thơ: “Nước Bàu Dum vừa trong, vừa mát/Đường Sen Thủy lắm cát dễ đi/Ai ơi lấy con gái Sen đi/Thủy chung, tình nghĩa dễ gì đổi thay”. Không biết có phải vì uống nước Bàu Dum ngọt lành hay cảm con gấy (con gái) Sen Thủy đẹp nết, đẹp người mà thanh niên trong nớ (Quảng Trị) ra lấy vợ, lập nghiệp ở Sen Thủy nhiều lắm!”.
Tình Bắc duyên Nam nơi vùng đất giáp ranh
Thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy nằm ở phía Bắc, cách vài bước chân phía Nam là thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái. Buổi chiều tháng năm, đứng trên bờ biển bãi ngang Ngư Thủy nhìn sâu vô Nam, thấy toàn cát trắng hun hút, nắng lóa mắt người.
Vùng đất giáp ranh giữa Quảng Bình, Quảng Trị.
Theo lời hẹn, Nguyễn Đình Thế, Trưởng thôn Tây Thôn đưa chúng tôi vào Mạch Nước theo lối đi trên cát dọc sát mép biển. Khi đôi chân chưa biết đến cảm giác mỏi đã thấy Trưởng thôn Mạch Nước Nguyễn Hữu Hậu đứng chờ.
Tự hào về vùng đất hai thôn, Nguyễn Hữu Hậu bảo: “Hạnh phúc lớn nhất ở vùng giáp ranh là bà con hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chung trời, chung biển, chung cả đường đi lối về. Người từ Mạch Nước ra mua cá, mua tôm nơi biển Ngư Thủy. Dân Tây Thôn nhớ con em làm dâu, ở rể phía Nam lội cát vô thăm thân. Người vùng giáp ranh tranh thủ qua về khi con nước xuống, biển lùi xa bờ, cát sát mép biển lèn chặt lại, phụ nữ Ngư Thủy đòn gánh cong hai đầu gánh cá vào tận chợ Vĩnh Thái bán, lên cả chợ Hồ Xá. Nhiều người sang hơn, hè nhau đẩy xe máy xuống mép biển... cứ thế mà bon bon vô ra. Cuộc sống bình dị, giản đơn ngày qua ngày, tình đoàn kết keo sơn giữa Tây Thôn và Mạch Nước cứ vun đầy lên mãi”.
Hỏi “Vì sao trưởng thôn Mạch Nước có cách cảm nhận nghĩa tình vậy?”, anh cười tủm tỉm... Hóa ra, 13 năm trước, Hậu nên duyên trầu cau với một cô giáo mầm non người Ngư Thủy tên Lê Thị Hà.
Nếu đi đường bộ, từ Tây Thôn, xã Ngư Thủy vào đến Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, quãng đường dài hơn 25 cây số. Theo đường biển, chân bước chừng năm mười phút là đến nơi. Một hạnh phúc lớn cho người dân hai thôn là chiếc cầu nối liền Tây Thôn, Mạch Nước trên tuyến đường ven biển sắp sửa hoàn thành. Sẽ không còn lâu nữa khi về chung một nhà tỉnh Quảng Trị mới, Tây Thôn, Mạch Nước càng xích lại gần nhau hơn.
Kể về câu chuyện tình Bắc, duyên Nam của mình, Nguyễn Hữu Hậu chia sẻ: “Thực ra ngày xưa, mình biết đến cô thiếu nữ vùng biển Ngư Thủy sau này trở thành vợ mình rồi. Hồi học cấp ba, Hà và bạn bè ở Ngư Thủy lội cát vô học tại Trường THPT Hồ Xá mà! Bẵng đi một thời gian, mình ra công tác tại VNPT Chi nhánh Quảng Bình. Vào ngày đẹp trời, mình theo bạn bè về biển Ngư Thủy chơi, tình cờ gặp lại Hà, lúc này là cô giáo dạy tại Trường mầm non Ngư Thủy. Thế rồi duyên xưa dần thắm lại, tình cảm chín dần. Đến năm 2012 thì quyết định về chung một nhà”.
Thôn Mạch Nước chỉ độ 38 nóc nhà, trên 100 nhân khẩu. Phía bên tê, Tây Thôn có 76 hộ, 350 người. Điểm tương đồng của hai thôn là người dân chủ yếu theo nghề biển bãi ngang. Lúc trái gió trở trời hay vào mùa biển động, bà con bên này, bên kia không ai bảo ai đều xuống tận mép biển hè nhau đưa từng chiếc bơ nan đi tránh trú an toàn.
Sâm sẫm tối, bà con thôn Mạch Nước theo chân Trưởng thôn Nguyễn Hữu Hậu xuống sát mép biển tiễn chúng tôi ra lại Quảng Bình. Trong ráng hoàng hôn thật đẹp, chúng tôi kịp ghi lại hình ảnh Nguyễn Hữu Hậu và Nguyễn Đình Thế nắm chặt tay nhau thắm thiết, chân tình. Sâu giữa tiếng sóng biển rì rào, tiếng Nguyễn Đình Thế nghe ấm lòng: “Thế hệ cha anh đi trước tạo lập nên tình đoàn kết giữa hai thôn, hai xã, hai huyện, hai tỉnh. Thế hệ anh em mình quyết tâm giữ vững và phát huy nhé. Nhất là khi Quảng Bình, Quảng Trị về chung một nhà!”
Ngày 25/5, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.