(QBĐT) - Đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải từ Bắc vào Nam. Ngày 20/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW, chủ trương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Qua 13 năm chung tỉnh Bình Trị Thiên... Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế trở về địa giới cũ theo Quyết định số 87-QĐ/TW ngày 8/5/1989 của Bộ Chính trị. 36 năm sau, Quảng Bình, Quảng Trị lại chung một nhà với tên gọi Quảng Trị theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nhiều lần nhập tách, tách nhập, mảnh đất và con người Quảng Bình, Quảng Trị vẫn thủy chung, gắn kết, sắt son... Địa danh hành chính mới hình thành, nhân dân hai tỉnh kỳ vọng một tương lai rộng mở, càng quyết tâm hơn xây dựng quê hương bao dung, thắm nghĩa, vẹn tình!
Ngược dòng lịch sử, Quảng Bình, Quảng Trị vốn duyên nợ cùng nhau trong đại gia đình Ngũ Quảng, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức (TP. Huế hiện tại). Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Bình, Quảng Trị nghĩa nặng càng nặng hơn, tình sâu càng lắng sâu... Như dự cảm của nhạc sĩ Hoàng Vân trong ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” ra đời 61 năm về trước: “Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ... về chung một nhà!”.
Thủy chung với Người cha già dân tộc
Lịch sử đất phương Nam thời mở cõi ghi đậm dấu ấn của một danh nhân Quảng Bình là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) dưới thời chúa Minh, Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Vâng mệnh chúa Minh, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Chân Lạp (1698), định hình nên xứ Đồng Nai, Sài Gòn-Gia Định, mộ dân xứ Ngũ Quảng vào khai khẩn đất đai, lập nên nhiều làng xã mới.
Sở dĩ chúng tôi ngược dòng lịch sử đến 327 năm (1698-2025) lúc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” vì xứ Ngũ Quảng dưới thời nhà Nguyễn, theo Đại Nam nhất thống chí trải dài từ nam đèo Ngang đến tận đèo Bình Đê (giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định); trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị “biển rừng liền nhau”, nơi dải đất hẹp nhất khúc ruột miền Trung.
![]() |
Rồi nữa, trong ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác năm 1948, mỗi tên đất, tên làng Quảng Bình, Quảng Trị lại quyện hòa vào nhau thành bức thành đồng Tổ quốc anh hùng: “Hướng về Nam/Ai đã vô Ðông Hà đã qua Ngô Xá/Ðã đi Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong... Hướng về Nam/Ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Rền/Mến dòng sông Gianh, biết danh lũy Thầy... Ðây Cự Nẫm, kia Câu Nhi, này Ba Lòng, kia Khe Sanh/Ðây bao nơi chôn thây quân thù/Bình Trị Thiên đây lò tranh đấu/Chiến công muôn đời lòng đất nước ghi sâu.../Dù gian khổ quyết xốc tới/Tay chúng ta giữ vững quê nhà/Cho đàn em cất tiếng hát/Cho cánh đồng lúa bát ngát/Cho nơi nơi yên vui chan hòa...”.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc. Quảng Bình, Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa trực tiếp đối đầu với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai miền Nam. Miền Nam thành đồng Tổ quốc luôn đau đáu trong trái tim Bác Hồ kính yêu.
Ngày 16/6/1957 trở thành dấu mốc lịch sử trọng đại đối với quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) khi đón Bác Hồ vào thăm. Chúng tôi lần theo dòng lịch sử diễn ra trên “đất lửa” Quảng Bình 68 năm về trước ghi lại sự kiện này để thấy trong hành trình 68 năm kể từ ngày đón Bác vào thăm, Quảng Bình, Vĩnh Linh luôn thủy chung, khắc ghi lời Bác.
Với Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết”.
Với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Vĩnh Linh, Quảng Trị, Bác nói: “Vì xe không đến được mà Bác chưa có điều kiện vào thăm”; “Lần này Bác chưa vào Vĩnh Linh, cũng chưa có điều kiện vào miền Nam thăm đồng chí, đồng bào. Gặp được các chú đại diện cho đồng bào, đồng chí trong đó là Bác mừng. Bây giờ các chú nghỉ ngơi mai lại về trong đó cho Bác gửi lời thăm tất cả, mong đồng bào, chiến sĩ giữ vững ý chí cách mạng, khôn ngoan mưu trí để chống địch và thắng địch. Nước nhà thống nhất, Bác sẽ vô thăm”.
![]() |
Vì bận việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở ra Hà Nội. Trước lúc chia tay, Người ân cần: “Bác rất tiếc là thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh chưa hết chương trình đã phải trở về. Bác mong Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình làm tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ cũng như những điều Bác dặn. Bác về Bác lại vô!”.
“Ta sẽ về chung một nhà!”
Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình, Vĩnh Linh là “ngôi nhà lớn” ở hậu phương miền Bắc, “tiền tuyến lớn” của miền Nam. Nhân dân hai tỉnh đoàn kết một lòng “Hạt thóc chia đều, dẫu no, dẫu đói/Ta vẫn vẹn tình, đắng ngọt cùng vui”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ngày Bác vào thăm.
Tại Vĩnh Linh, bộ đội miền Bắc, trong đó có rất nhiều con em Quảng Bình từng sống, chiến đấu ở đôi bờ Hiền Lương, được nhân dân Vĩnh Linh che chở, đùm bọc, yêu thương. Những người lính “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” ngày ấy nhiều người vĩnh viễn nằm lại dọc hai bờ giới tuyến. Liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ (Quang Phú, TP. Đồng Hới) là một trong số đó.
Liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ nhập ngũ tháng 5/1965 thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 270, Quân khu 4, đóng quân ở xã Vĩnh Chấp. Khi vượt sông Hiền Lương tham gia trận đánh tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu (Gio Linh) ngày 17/6/1969, ông và 53 đồng đội đã anh dũng hy sinh. 55 năm sau, thân xác họ hòa cùng mảnh đất Quảng Trị bao dung. Nơi họ ngã xuống bây giờ có một nhà bia tưởng niệm dựng lên cho người thân và nhân dân cả nước khói hương.
Ông Nguyễn Quốc Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Quá trình thực hiện sáp nhập hình thành tỉnh Quảng Trị mới, một lần nữa chúng ta lại nhớ đến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Người nhắc nhở phải phòng ngừa những căn bệnh dễ xảy ra có hại cho Đảng như: “Óc suy bì tị nạnh, kèn cựa, đãi ngộ”, “cứ ngồi lo tiền đồ”, “óc công thần”, “tự cao tự đại”, “tự do cá nhân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, “lãng phí của công”, “không thích học tập”, “kém đoàn kết”... Bài học rút ra khi Quảng Bình, Quảng Trị về chung một nhà sẽ không có chỗ cho tư tưởng “tỉnh anh, tỉnh tôi” mà phải là “tỉnh của chúng ta”. |
Khi biết tin Quảng Bình, Quảng Trị về chung một nhà, anh Nguyễn Văn Ước, con trai liệt sỹ Nguyễn Bá Mễ xúc động: “Thật ra ba cùng đồng đội ngã xuống ở đâu cũng là trên đất nước Việt Nam này. Nhưng bây giờ, gia đình chúng tôi mỗi lần vào thắp hương cho ba không còn phải nói từ Quảng Bình vô nữa mà ba đã an nghỉ ngay chính trên quê hương mình. Quê hương rộng ra, lớn hơn, bao dung, sâu nặng”.
Năm 1964, nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, bài hát có những ca từ như một dự cảm về tương lai: “Quảng Bình quê ta ơi/Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son/Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà!”. Tính từ khi ca khúc ra đời đến nay tròn 61 năm... và dự cảm đó trở thành hiện thực.
Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW thống nhất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Cả nước chỉ còn lại 34 tỉnh, thành phố, trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị hợp nhất lấy tên Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại Quảng Bình. Tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích gần 12.700 km2; dân số hơn 1,86 triệu người; gồm 78 đơn vị hành chính cấp xã (69 xã, 8 phường và 1 đặc khu), trong đó, Quảng Bình có 5 phường, 36 xã và Quảng Trị có 3 phường, 33 xã, 1 đặc khu.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang nhấn mạnh rằng: Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ là sự kiện hành chính mà là một cơ hội mang tính lịch sử để thiết lập không gian phát triển mới, mở rộng dư địa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai địa phương có vị trí địa lý chiến lược, nhiều tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội ở miền Trung, đặc biệt cùng nằm trên các hành lang phát triển trọng điểm quốc gia và khu vực. Qua đó, mở ra dư địa phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng tầm vị thế trong vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
Ngô Thanh Long
>>> Bài 2: Nơi “Ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh”