(QBĐT) - Ngày 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Việc bảo vệ các quyền nói chung và quyền dân sự nói riêng của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, và đã được luật hóa trong nhiều luật, như: Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường…
Theo đồng chí Nguyễn Minh Tâm, các trường hợp liên quan đến lợi ích công và những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương cần một cơ chế bảo vệ độc lập song song với cơ chế hiện hành để tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong quan hệ dân sự là thực sự cần thiết và giao cho Viện Kiểm sát nhân dân là hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, đồng chí nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết này và cơ bản thống nhất với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
![]() |
Về tư cách tham gia tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân khi khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự công ích, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét quy định rõ, trong trường hợp này Viện Kiểm sát nhân dân tham gia với tư cách gì?
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm nêu vấn đề: “Với tư cách là người tham gia tố tụng là nguyên đơn, hay là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự? Chẳng hạn, trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người yếu thế thì Viện Kiểm sát nhân dân có tư cách người tham gia tố tụng như thế nào? Có phải họ là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn là người yếu thế hay không? Còn trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công thì có được xem là nguyên đơn khởi kiện hay không?”
Theo đồng chí, việc xác định rõ chủ thể nào là nguyên đơn trong các vụ kiện này rất quan trọng, vì liên quan đến quyền, trách nhiệm của nguyên đơn, đặc biệt là trách nhiệm về trả chi phí tố tụng (như chi phí yêu cầu giám định, định giá, yêu cầu thẩm định tại chỗ...).
Mặt khác, hiện nay, Bộ Luật Tố tụng dân sự đang quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công, bảo vệ người yếu thế thì xác định rõ khi bảo vệ lợi ích công, các cơ quan, tổ chức này đều có tư cách là nguyên đơn (khoản 2, Điều 68); khi bảo vệ tư cách của người yếu thế thì các cơ quan này có tư cách là người đại diện theo pháp luật (khoản 2, Điều 85).
Do đó, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu để quy định rõ nội dung trên cho phù hợp và thuận tiện trong quá trình áp dụng.
Minh Phong