(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Hữu Thọ (SN 1950), ở thôn Đức Phú 3, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt từ Quảng Trị đến miền Đông Nam bộ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, trở về quê hương, ông luôn nỗ lực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nhớ một thời “vào sinh, ra tử”
Năm 1968, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Thọ lên đường nhập ngũ ở Tỉnh đội Quảng Bình, làm nhiệm vụ trinh sát. Năm 1971, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt do đế quốc Mỹ mở rộng khu vực đánh phá. Theo yêu cầu của cấp trên, ông Thọ được chuyển về Trung đoàn bộ binh 270, Sư đoàn 341 tham gia chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Hữu Thọ kể lại: “Quảng Trị lúc đó là địa bàn hết sức quan trọng về quân sự, chính trị và ngoại giao. Do đó, đế quốc Mỹ đã huy động rất đông lực lượng, phương tiện hiện đại để chiếm giữ. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm (từ 28/6-16/9/1972), hai bên giằng co từng mét đất khiến cả chiến trường bị bom cày, đạn xới. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Trong chiến dịch này, tôi bị thương ở ngực nhưng vẫn nén đau thương để chiến đấu cho đến ngày chiến thắng...”.
![]() |
Tháng 3/1975, ông Nguyễn Hữu Thọ cùng đồng đội được lệnh tiến vào miền Nam. Đặt chân đến chiến trường miền Đông Nam bộ, Sư đoàn 341 của ông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang nhân dân địa phương anh dũng chiến đấu, đập tan hệ thống phòng thủ vững chắc của địch tại Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80km về phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong cuộc chiến đấu này, ông Thọ đã bị gãy chân phải. Ông Thọ xúc động nhớ lại: “Khi đơn vị chúng tôi tiến vào TP. Sài Gòn thì thấy tràn ngập người dân ở các ngã đường, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Lúc đó, tôi rất hạnh phúc vì đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến dịch lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Với tôi, cảm giác đó như đi trong mơ vậy!”. Sau ngày 30/4 lịch sử, ông Thọ tiếp tục ở lại Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng. Đến tháng 7/1976, vì lý do sức khỏe, ông phục viên với quân hàm thượng úy.
![]() |
Chung sức xây dựng quê hương
Trở về từ chiến trường, người thương binh 61% Nguyễn Hữu Thọ lại cùng cấp ủy, chính quyền xã Đức Hóa lãnh đạo nhân dân viết tiếp bài ca xây dựng quê hương. Từ năm 1977-1987, ông được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Hóa. Thời gian này, ông Thọ đã cùng với Đảng ủy, UBND xã thực hiện cuộc di dân từ vùng ngập lụt lên vùng cao.
Theo ông Thọ, trước đây, nhiều hộ dân ở làng Phú Sơn, xã Đức Hóa sinh sống bên bờ sông Gianh. Đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao gây ngập nhà cửa, cuốn trôi nhiều tài sản nên bà con khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trước thực trạng này, Đảng ủy, UBND xã Đức Hóa quyết định tuyên truyền, vận động bà con dời dân về làng Ngọc Lâm. Lúc đó, hơn 40 hộ dân đã dời lên vùng đất mới định cư, còn vùng đất cũ để phát triển sản xuất. Giờ đây, làng Ngọc Lâm đã có 4 thôn với hàng trăm hộ dân sinh sống yên bình và vùng đất Phúc Sơn cũng trở thành nơi sản xuất ngô, lạc, lúa… trù phú.
![]() |
Trong giai đoạn làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Hóa, ông Thọ đã cùng Ban Thường vụ Đảng ủy, UBND xã triển khai giao ruộng đất của hợp tác xã cho các hộ dân tự tính toán, sản xuất, hưởng thụ theo năng suất lao động.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Hóa Nguyễn Trí Phương đánh giá: “Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cũng luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Đặc biệt, ông đã có đóng góp rất lớn trong việc di dân khỏi vùng lũ, đưa giống cây trồng vật nuôi vào sản xuất hiệu quả, giúp cho cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc”. |
![]() |
Sau khi về hưu, ông Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đức Phú 3 từ năm 1987-2023. Trên cương vị mới, ông vẫn luôn nhiệt huyết trong công việc được giao, góp phần cùng địa phương hoàn thành công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.
Xuân Vương