(QBĐT) - Cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao đối với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp của Đảng, Nhà nước; đồng thời tích cực "hiến kế", gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng chính đáng.
Phát huy tinh thần đổi mới, vì sự phát triển bền vững của đất nước
* Ông Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình.
Là một tổ chức chính trị-xã hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh luôn ý thức rõ vai trò nêu gương, trách nhiệm chính trị và tinh thần đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc triển khai các chủ trương lớn, đặc biệt là các quyết sách chiến lược liên quan đến tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, phát triển đất nước.
Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận và đánh giá cao đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có nội dung kết thúc hoạt động cấp chính quyền trung gian (cấp huyện). Đây là một bước đi táo bạo nhưng cần thiết, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cải cách mạnh mẽ của Trung ương, hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
![]() |
Từ thực tiễn công tác nhiều năm, tôi cho rằng việc tổ chức lại chính quyền theo hướng loại bỏ cấp trung gian sẽ rút ngắn quy trình xử lý công việc, tạo sự liên thông hiệu quả giữa cấp tỉnh và cơ sở. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, việc tái cấu trúc lại hệ thống chính quyền là xu thế tất yếu, phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và tinh thần “kiến tạo-phục vụ”.
Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, cùng sự đồng lòng của toàn dân, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Mỹ Hạnh (thực hiện)
Bộ máy tinh gọn để chỉ đạo, điều hành linh hoạt và hiệu quả
* Ông Lê Viết Bốn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh)
Để cải cách bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Cá nhân tôi cho rằng đây là một chủ trương mang tính đột phá, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước và nhân dân.
![]() |
Trước hết, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giúp giảm bớt bộ máy cồng kềnh, hạn chế sự chồng chéo trong quản lý, từ đó giảm chi ngân sách cho bộ máy hành chính và dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế-xã hội. Bộ máy tinh gọn hơn sẽ giúp việc chỉ đạo, điều hành trở nên linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn, người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được phục vụ tốt hơn.
Tuy nhiên, ở tỉnh ta nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa khi sáp nhập cần cân nhắc trong việc đặt tên tại các địa phương cho phù hợp. Ngoài ra, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cũng cần được giải quyết hợp lý, công bằng để tránh tạo ra tâm lý lo lắng, mất động lực làm việc.
Bản thân tôi là một cựu chiến binh, tôi rất ủng hộ chủ trương sáp nhập tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện vì đây là bước đi cần thiết trong tiến trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, tôi mong muốn việc thực hiện cần bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tinh gọn bộ máy và quyền lợi chính đáng của người dân, để cải cách thực sự mang lại hiệu quả và được đồng thuận cao trong xã hội.
Lan Chi (thực hiện)
Sáp nhập tỉnh để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn
* Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình.
Tôi vốn nguyên quán tại xã Hải Lệ, TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Năm 2004, quyết định ra công tác ở tỉnh Quảng Bình, đến nay đã được 21 năm. Hiện tại là Trưởng phòng Đào tạo-Hợp tác Quốc tế, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình.
Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính tỉnh mới đặt tại Quảng Bình. Là con em Quảng Trị đang sinh sống, làm việc tại Quảng Bình, tôi có cảm giác hạnh phúc, vì từ đây quê hương mình thêm nhiều điều kiện phát triển hơn với tên gọi thân thương Quảng Trị.
![]() |
Đây không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh đơn thuần mà còn xuất phát từ những yếu tố tương đồng giữa vùng đất, văn hóa và con người Quảng Bình, Quảng Trị làm nền tảng căn bản hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Vẫn biết sau sáp nhập, trung tâm chính trị-hành chính tỉnh mới đặt tại Quảng Bình thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Quảng Trị sẽ có nhiều tâm tư, như ngày xưa bản thân tôi chọn Quảng Bình để lập thân, lập nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Nhưng tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình sẽ mở rộng vòng tay, chia sẻ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Trị cũ sớm ổn định công việc, cuộc sống.
T.Long (thực hiện)
Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là bước đột phá mạnh mẽ
* Ông Phạm Anh Châu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa.
Theo tôi, chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện sẽ giúp giảm bớt sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân.
Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy cần bảo đảm điều kiện làm việc, ổn định tâm lý cho cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị sắp xếp, điều chỉnh. Việc này cần thực hiện cẩn trọng, nhất là phải bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư và những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên cho những cán bộ giỏi ở lại, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc.
![]() |
Mỗi địa phương đều có đặc thù, thế mạnh, tiềm năng cũng như những khó khăn riêng. Do đó, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, cần phải quan tâm, đánh giá đầy đủ nhiều yếu tố để có hướng chỉ đạo, đầu tư đúng đắn, phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Có thể khẳng định, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là một cuộc cách mạng lớn đối với tổ chức bộ máy hành chính nước ta. Qua đó sẽ giúp tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm nguồn lực và ngân sách.
Tôi tin rằng, khi bộ máy hành chính được tinh gọn, vận hành đồng bộ, việc triển khai nhiệm vụ sẽ nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả hơn…
Xuân Vương (thực hiện)
Tiết kiệm được nguồn ngân sách để đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội
* Ông Trịnh Trọng Tý, thôn Di Luân, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch).
Tôi đã thay mặt gia đình đi bỏ phiếu lấy ý kiến nhân dân đối với chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện. Tôi hoàn toàn đồng ý và nhận thấy đây là một chủ trương lớn và đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
![]() |
Bản thân tôi nhận thấy, hiện nay, hạ tầng hiện đại, phương tiện đa dạng, trình độ cán bộ được nâng cao, cùng sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc tỉnh mới sau sáp nhập có diện tích lớn sẽ không còn là trở ngại, mỗi cán bộ đều có thể yên tâm công tác. Với chính quyền cấp xã, đây là chính quyền gần dân nhất, việc sắp xếp tinh gọn lại và đưa những cán bộ có trình độ, chuyên môn cao tham gia, sẽ tạo ra một bộ máy chính quyền mới hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.
Từ “cuộc cách mạng” này, sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là các vấn đề an sinh xã hội như giáo dục và y tế, như lời đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm đã khẳng định là hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân. Đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam ai, ai cũng mong muốn.
L.An (thực hiện)
Kéo gần khoảng cách miền xuôi và miền ngược
* Anh Hồ Bông, người Bru-Vân Kiều, bản K-Định, xã Dân Hóa (Minh Hóa).
Chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói riêng.
![]() |
Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện rất được bà con dân bản quan tâm. Tôi biết rằng, đây là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Bởi vậy, khi được thông báo, tôi cũng như bà con trong bản đều hăng hái tham gia lấy ý kiến. Bản thân tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sắp tới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS. Việc sáp nhập sẽ mở ra cơ hội để ĐBDTTS tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống; đồng thời, tập trung được nhiều nguồn lực hơn để phát triển hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa miền ngược và miền xuôi.
X.Phú (thực hiện)