(QBĐT) - Cách đây tròn 50 năm, ngày 18/3/1965, phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau đổi tên là “Ba đảm đang”) được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, là dấu ấn đậm nét khẳng định sự đóng góp của chị em phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH. Tại Quảng Bình, ngày 3/4/1965, phong trào được Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, phát triển sâu rộng, toàn diện, cuốn hút tất cả mọi tầng lớp phụ nữ tham gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Ba (86 tuổi), ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) từng là Chủ tịch Hội LHPN xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa thời kỳ những năm 1960. Dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn không thể nào quên những năm tháng sôi nổi của “Ba đảm đang”. Bà bồi hồi nhớ lại, Tuyên Hóa là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh có phong trào phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn sâu sắc. Lúc này, chị em đồng sức tham gia cuộc kháng chiến, thay chồng, thay con đảm nhiệm công việc gia đình, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các chi hội phụ nữ xã đã triển khai tổ chức học tập nội dung “Ba đảm đang” cho chị em. Với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chị em xung phong đảm đang việc nhà, tích cực sản xuất và tham gia chiến đấu với một niềm tin thắng lợi.
![]() |
Một trong những dấu ấn của chị em phụ nữ Tuyên Hóa thời kỳ này chính là tham gia chiến đấu với những thành tích nổi bật. Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Đại đội thanh niên xung phong 759 (C759) xúc động chia sẻ, hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, không chỉ bà mà tất cả chị em phụ nữ Tuyên Hóa đều náo nức, hứng khởi, thi đua xông pha trên mặt trận chiến đấu và sản xuất. Sức trẻ và khát khao cống hiến luôn sục sôi trong chị em, không phút giây nào sợ hãi, lùi bước, “máu C759 có thể đổ nhưng đường C759 không thể tắc”. Tiếp đó là thành tích bắn rơi máy bay của nữ dân quân 2 xã Tiến Hóa và Lê Hóa...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ba, một trong những “bí quyết” của phong trào chính là sự xông xáo, bám địa bàn, không nề hà gian khổ của đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Bản thân bà đã lặn lội, không quản vất vả đến tận từng nhà chị em chia sẻ, tâm tình (nhất là chị em vùng giáo) và không ít lần trực tiếp cùng chị em ra đồng làm việc. “Lúc đó, cánh đồng đầy bom bi, sợ lắm chứ, nhưng tôi vẫn ra làm cùng chị em, cùng chia ngọt sẻ bùi, có như vậy, chị em phụ nữ mới nâng cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu”, bà Kim Ba xúc động nhớ lại.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết khẳng định: Kế thừa và phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, thời gian qua, phụ nữ Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực, tích cực, chủ động, sáng tạo tham gia các phong trào thi đua, khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ tỉnh nhà. Trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc, phụ nữ Quảng Bình tiếp tục nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, tiên phong, năng động, sáng tạo hòa mình vào dòng chảy thời đại để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, đất nước. |
Không riêng huyện Tuyên Hóa, ngay sau khi được phát động, phong trào “Ba đảm đang” đã lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng phát triển về chiều sâu lẫn chiều rộng. Ở các công nông trường, xí nghiệp, trang trại, 100% chị em đã được học tập và đăng ký sẵn sàng đảm nhiệm sản xuất, hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, chị em sẵn sàng đảm nhiệm mọi công tác và phục vụ chiến đấu. Ở nông thôn, đồng bằng, miền núi, chị em viết hàng nghìn đơn thư xin gia nhập dân quân tự vệ để được trực tiếp chiến đấu và động viên chồng, con, anh, em tòng quân đánh giặc. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có các tấm gương anh dũng của các chị: Trần Thị Lý, Đinh Thị Thu Ngà, Trương Thị Diên…
Cuối năm 1965, Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua “Hai giỏi”. Hội đã nhạy bén gắn nội dung phong trào “Ba đảm đang” với “Hai giỏi”, khơi dậy lòng yêu nước, yêu CNXH, bồi dưỡng, phát huy truyền thống cách mạng của phụ nữ, dù gian khổ hy sinh đến mấy, chị em cũng nỗ lực vượt qua để chiến thắng.
![]() |
Trên mặt trận sản xuất, phụ nữ Quảng Bình dũng cảm, vượt mọi khó khăn, sẵn sàng đảm đương công việc để chồng con, anh em yên tâm đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu. HTX Đại Phong (Lệ Thủy) là điển hình phụ nữ có ngày công sản xuất cao; các đội Minh Khai (xã Bảo Ninh, Đồng Hới), Lý Hùng (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) là những điển hình cho lòng dũng cảm bám biển, ý chí quyết thắng giặc Mỹ… Phụ nữ Bố Trạch, Quảng Ninh đi đầu trong phong trào tiến quân vào khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhân bèo hoa dâu, làm phân bón và thuốc trừ sâu. Phụ nữ Quảng Ninh còn có phong trào đào hào ra đồng ruộng để sản xuất. Phụ nữ miền núi ở các vùng trọng điểm, các trục đường chiến đấu bị đánh phá ác liệt nhưng vẫn bám nương, bám rẫy để sản xuất, phục vụ chiến đấu…
Ngày 18/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” (sau đổi thành “Ba đảm đang”) với nội dung: (1) Đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu; (2) Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm công tác; (3) Đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. |
Dân quân xã Hưng Thủy (do xã đội phó Nguyễn Thị Triển chỉ huy) và dân quân gái các xã: Võ Ninh, Phong Thủy, Cảnh Dương, Xuân Ninh… bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt là những chiến công hiển hách của đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (Lệ Thủy), chị em tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tích cực phục vụ các chiến trường đánh Mỹ…
Qua phong trào “Ba đảm đang”, “Hai giỏi”, phụ nữ Quảng Bình đã góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH. Trên cơ sở đó, uy tín và địa vị chính trị của phụ nữ được nâng cao. Từ năm 1968-1973, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Ba đảm đang”, “Hai giỏi”, đồng thời phát huy tinh thần tiến công cách mạng trong các tầng lớp phụ nữ để giành thắng lợi mới rực rỡ hơn.
Mai Nhân