(QBĐT) - Tròn 50 năm đã trôi qua, ký ức những ngày xông pha trận mạc, vào sinh ra tử và may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc đất nước thống nhất, non sông thu về một mối vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người lính trên quê hương Quảng Trạch anh hùng…
Ký ức thời hoa lửa
Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng khá lâu nhưng gọn gàng, sạch sẽ bên bờ sông Gianh, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Thành (SN 1957) ở thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh và những người đồng đội đang cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày quân ngũ hào hùng. Họ là những người lính từng tham gia trận chiến ở Xuân Lộc (Đồng Nai), mở toang “cánh cửa thép” để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Như thước phim quay chậm hiện lại trong đầu, những người lính già kể lại, cuối năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết của quê hương Quảng Trạch đã lên đường nhập ngũ. Những người chiến sĩ trẻ măng ngày ấy được biên chế vào Tiểu đoàn 53 (bộ đội chủ lực của tỉnh), sau đó được biên chế vào Sư đoàn 341 (Quân khu 4).
![]() |
Theo lời kể của những CCB, tháng 1/1975, khi đang đóng quân huấn luyện ở khu vực miền núi phía Tây huyện Lệ Thủy, Sư đoàn 341 nhận lệnh hành quân “thần tốc” vào miền Đông Nam bộ trong đội hình Quân đoàn 4. Sau khoảng 3 tháng hành quân, vừa đi xe vận tải, vừa đi bộ xuyên rừng Trường Sơn, cuối tháng 3/1975, toàn bộ Sư đoàn 341 đã có mặt ở Chiến khu D, chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Xuân Lộc.
Trong trận đánh Xuân Lộc lịch sử kéo dài 12 ngày đêm, từ 9-21/4/1975, CCB Nguyễn Văn Thành là một chiến sĩ quân y, được biên chế ở Tiểu đoàn 24. Ông Thành kể, để quyết giữ “cánh cửa thép” Xuân Lộc bằng mọi giá, địch tập trung ở đây một lực lượng rất mạnh và điên cuồng kháng cự nên cả hai bên đều bị thương vong khá nặng nề. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm của chiến dịch (ngày 9-19/4), mỗi ngày đều có hàng trăm thương binh được chuyển đến. Đội điều trị của ông Thành lúc đó chỉ có một bác sĩ và phải phẫu thuật liên tục hết ca này đến ca khác. Thiếu bác sĩ chữa bệnh nên ông Thành (y sĩ) tham gia phụ bác sĩ phẫu thuật những ca khó và trực tiếp phẫu thuật những ca đơn giản.
“Thời điểm đó, trạm phẫu thuật của chúng tôi lúc nào cũng chật kín thương binh. Những thương binh sau khi xử lý vết thương xong được chuyển về hậu phương điều trị để tiếp nhận đợt mới. Hết đợt này đến đợt khác, chiến sĩ quân y thức trắng đêm mà vẫn làm không kịp. Nhiều đêm phải chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình ra đi vĩnh viễn mà đau thắt lòng. Có những đồng đội của chúng tôi, trước khi hy sinh trên môi vẫn mấp máy hai từ “quyết thắng”, thương vô cùng!”, ông Thành xúc động nhớ lại.
CCB Nguyễn Thanh Bình ở xã Quảng Thạch là lính trinh sát. Trong chiến dịch (lúc đó là tiểu đội phó), ông đã mưu trí, dũng cảm xác định được các mục tiêu quan trọng và sát cánh cùng đồng đội bám sát trận địa chiến đấu, giành giật với quân địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Sau 12 ngày đêm giao tranh ác liệt, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan. Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân của ta rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế như vũ bão.
“Hòa trong đoàn quân chiến thắng, chúng tôi tiến vào Sài Gòn. Niềm vui dâng trào, lan truyền đến mọi chiến sĩ. Hai bên đường rất đông người dân, già trẻ lớn bé đứng vẫy tay chào đón đoàn quân giải phóng, khí thế rất hào hùng. Trong thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, nhiều lần nước mắt chúng tôi đã trào. Chúng tôi nhớ và thương những đồng đội của mình đã nằm xuống, có nhiều người hy sinh chỉ cách ngày toàn thắng vài giờ đồng hồ...”, ông Bình chia sẻ đầy xúc động.
Trọn nghĩa vẹn tình
Sau khi tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính của Sư đoàn 341 quê ở Quảng Trạch lại tiếp tục hành quân lên biên giới, truy quét FULRO; tham gia chiến đấu trong đội hình các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot; sau đó trở về địa phương. Hầu hết những người CCB đều tham gia công tác của địa phương, như: Cán bộ xã đội, CCB, hợp tác xã, cán bộ thôn, xã, có nhiều đóng góp cho quê hương.
![]() |
CCB Nguyễn Văn Thành hiện là Trưởng ban liên lạc CCB của Sư đoàn 341 huyện Quảng Trạch. Trước đó, khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Thành đã bị thương nặng (tỷ lệ thương tật 41%). Sau một thời gian điều dưỡng, năm 1979, ông chính thức được xuất ngũ, trở về địa phương, tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng xã Quảng Thanh, cán bộ thôn nhiều nhiệm kỳ liền…
Người anh hùng đầu tiên của Sư đoàn 341 là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Lái (1952-2017), quê ở xã Quảng Châu (Quảng Trạch), nhập ngũ tháng 5/1972 khi vừa tròn 20 tuổi, thuộc C9, F341. Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976, lúc mới 24 tuổi và trở thành người anh hùng đầu tiên của Sư đoàn 341… |
Còn CCB Nguyễn Thanh Bình được biết đến là một người gương mẫu, làm kinh tế giỏi, nhân tố điển hình của xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện, gia đình ông Bình có trang trại rộng 3ha, trong đó có 1ha rừng thông đã đến kỳ thu hoạch, 2ha trồng tiêu và các loại cây hoa màu như nghệ, nén. Ngoài ra, dưới tán vườn tiêu, ông Bình còn nuôi hơn 100 đàn ong mật, mỗi năm thu gần 200 lít mật. Chưa kể nguồn thu từ rừng, mỗi năm từ vườn tiêu, nén, chăn nuôi bò và ong mật, gia đình ông Bình có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Trạch Nguyễn Ngọc Dũng, trên địa bàn huyện có khoảng 70 người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trở về cuộc sống đời thường, nhiều người là thương binh, sức khỏe bị giảm sút, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các CCB luôn sống gương mẫu, trọn nghĩa, vẹn tình đồng chí, đồng đội và quê hương. Họ thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Hàng năm, trong những lần gặp gỡ tâm tình, nhất là dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, những người CCB, ai cũng rưng rưng niềm tự hào, xúc động.
Phan Phương