"Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về trong một nhà..."

  • 06:04, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Quảng Bình và Quảng Trị-hai địa danh nơi “đầu sóng, ngọn gió” của miền Trung ruột thịt đã cùng kề vai, sát cánh vượt qua bao gian lao, thách thức. Và tới đây, hai tỉnh sẽ “về trong một nhà” để chung sức, đồng lòng dựng xây một tỉnh mới với bao kỳ vọng đổi thay, vươn mình trong tương lai. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái nhằm mang đến cho độc giả một góc nhìn văn hóa-lịch sử về sự kiện sáp nhập “tuy lạ mà rất quen” này.
 
- P.V: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, gọi việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị “tuy lạ mà rất quen” bởi chính từ những câu chuyện lịch sử “sáp nhập” đầy duyên nợ giữa hai mảnh đất này. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về “mối lương duyên” đặc biệt?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Về mặt lịch sử, trước đây, Quảng Bình và Quảng Trị cùng thuộc một thiết chế địa phương là bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của quốc gia Văn Lang. Đó là cái chung thứ nhất mở đầu cho cả lịch sử hàng nghìn năm của hai địa phương. Đến thế kỷ 11, vào năm 1069, Lý Thường Kiệt theo lệnh vua Lý Thánh Tông mở cõi ở phương Nam, đưa vùng đất này thuộc về Đại Việt. Năm 1075, Lý Thường Kiệt chính thức thiết lập thiết chế chính quyền địa phương với ba châu: Bố Chính, Địa Lý (Quảng Bình) và Ma Linh (một phần Quảng Trị). Như vậy, ngay từ khi về với Đại Việt, Quảng Bình và Quảng Trị đã chung một cội nguồn.
 
Tiếp đó, các triều đại Lý, Trần, Lê tiếp tục mở cõi vào phương Nam và vùng đất này tiếp tục thay đổi tên gọi nhưng vẫn luôn gắn bó với nhau. Vùng đất Quảng Bình xưa luôn gắn bó với tên “Bình”: Lâm Bình, Tân Bình, Tây Bình, Tiên Bình rồi trở lại Tân Bình và cuối cùng là năm 1604, Nguyễn Hoàng đặt là Quảng Bình. Địa danh “Quảng Bình” gắn với vùng đất này cho tới ngày nay. Trong khi đó, Quảng Trị là vùng đất kết liền một dải với Quảng Bình, thời Đại Việt, một phần đất Quảng Trị mang tên Ma Linh, Minh Linh, châu Ô… Thời nhà Lê, lập Thuận Châu bao gồm cả vùng đất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay. Đây là lần thứ hai, vùng đất Quảng Bình và Quảng Trị cùng chung một thiết chế hành chính.
Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại điểm cầu Cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị) tối 27/4/2025.       Ảnh: Lương Sáng
Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại điểm cầu Cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị) tối 27/4/2025. Ảnh: Lương Sáng
Năm 1802, vua Gia Long thành lập “dinh Quảng Trị”-lần đầu tiên danh xưng “Quảng Trị” ra đời. Năm 1827, vua Minh Mạng đổi “dinh Quảng Trị” thành “trấn Quảng Trị” và đổi “phủ Quảng Bình” ở phía Bắc thành “trấn Quảng Bình”. Hai địa phương Quảng Bình và Quảng Trị cùng song hành trong vị thế “hữu trực kỳ” của triều đình nhà Nguyễn.
 
Năm 1831, vua Minh Mạng cải cách hành chính, chia nước ta thành 31 tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đặt dưới quyền quản lý chung của một viên Tổng đốc, gọi là Tổng đốc “Bình Trị”, dinh Tổng đốc đặt tại thành Đồng Hới. Tổng đốc Bình Trị trực tiếp cai quản Quảng Bình và kiêm hạt Quảng Trị.
 
Thời Pháp thuộc, ngày 3/5/1890, Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Jules Georges Piquet ra nghị định sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Bình Trị, dinh tỉnh trưởng đặt tại thành Đồng Hới. Ngày 23/1/1896, Toàn quyền của Pháp ở Đông Dương là Paul Armand Rousseau ra nghị định chia tách tỉnh Bình Trị, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị trở về địa giới cũ.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, hai tỉnh cùng chung một chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”, cùng kề vai sát cánh lập nên bao chiến công hiển hách. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước tạm chia làm hai miền; một phần huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 17 được sáp nhập vào Quảng Bình. Một năm sau đó, ngày 16/6/1955, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Vĩnh Linh được Trung ương Đảng và Chính phủ cho thành lập Đặc khu mang tên “Khu vực Vĩnh Linh” và cùng với Quảng Bình là “tuyến đầu trên mặt trận đánh Mỹ”.
 
Ngày 16/6/1957, Bác Hồ vào thăm nhân dân tuyến lửa, Khu vực Vĩnh Linh cử đoàn đại biểu đại diện cho nhân dân Quảng Trị ra Quảng Bình đón Bác và nghe Bác nói chuyện. Chuyến thăm lịch sử của Bác Hồ được ghi vào sử sách với dòng chữ kết liền hai vùng đất: “Bác Hồ thăm nhân dân Quảng Bình-Vĩnh Linh”.
 
Năm 1976, Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế và Khu vực Vĩnh Linh sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Một lần nữa, Quảng Bình và Quảng Trị ở dưới “một mái nhà chung”, cùng vượt qua khó khăn, gian khổ để khôi phục và phát triển sau 20 năm bị chiến tranh tàn phá.
 
- P.V: Bên cạnh những câu chuyện lịch sử, sự gắn bó giữa Quảng Bình và Quảng Trị còn về các mặt tự nhiên, dân cư, cụ thể là gì thưa ông?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Sự gắn bó giữa Quảng Bình và Quảng Trị trước hết về mặt tự nhiên. Đây là một cái dải đất, có hệ sinh thái nối liền và chuyển tiếp cho nhau với bốn dạng địa hình cùng chạy theo hướng Bắc Nam, lần lượt là các hệ sinh thái vùng rừng núi, vùng gò đồi, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển. Theo đó, cả hai tỉnh đều có đặc điểm chung về kiến tạo địa hình, địa mạo; riêng thổ nhưỡng có thể mỗi nơi có thêm những tiểu vùng khác nhau, nhưng tổng thể của địa hình cơ bản là tương đồng nhau. 
 
Tiếp sau sinh thái tự nhiên là sự tương đồng về nguồn gốc dân cư: Vùng đồng bằng chủ yếu là địa bàn cư trú của người Việt, trong đó có tỷ lệ rất lớn là người Việt di cư từ phía Bắc trong nhiều thời kỳ khác nhau, nhất là từ thời Lê đến thời Nguyễn.
 
Như vậy về cả hai hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đều có nét tương đồng.
 
- P.V: Vậy theo ông, sau khi sáp nhập, tỉnh lỵ mới sẽ có những lợi thế phát triển nào?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Việc sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ mang lại nhiều lợi thế. Trước hết, sau hơn 30 năm trở về địa giới cũ, cả hai tỉnh đều có hạ tầng cơ sở phát triển tương đồng nhau. Hai tỉnh đều có cả 4 trục đường giao thông chiến lược Bắc-Nam đi qua, những cửa biển, cảng biển có thể mở rộng giao thương quốc tế và có 4 cửa khẩu mở hướng phát triển kinh tế Đông-Tây với những trục đường chính thông thương với nước bạn Lào sang Thái Lan và Đông Bắc Á.
 
Hai tỉnh cùng có hệ sinh thái rừng núi có giá trị đa dạng sinh học cao; có tiềm năng phát triển du lịch, bổ sung sức mạnh cho nhau. Trong đó, Quảng Bình mạnh về du lịch sinh thái, Quảng Trị mạnh về du lịch cộng đồng, nhất là du lịch cộng đồng hướng tới văn hóa tâm linh.
Quảng Bình và Quảng Trị cùng có vùng gò đồi có thể đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hàng hóa, là tiềm năng và nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập sản phẩm nội địa và xuất khẩu.
 
Tuy cùng nằm trên một dải đất hẹp, nhưng hai tỉnh lại có một số vùng đồng bằng trù phú, như: Cánh đồng Lệ Thủy, Quảng Ninh, Vĩnh Linh, Triệu Hải…, đủ khả năng, điều kiện bảo đảm an ninh lương thực. Những địa phương vùng gò đồi lại đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa bao gồm cây công nghiệp, cây thực phẩm và chăn nuôi quy mô lớn.
Đặc biệt, hai tỉnh có đường bờ biển dài, được coi là dài nhất so với các địa phương trong toàn quốc, mở ra khả năng tiềm tàng trong phát triển kinh tế biển-một hướng kinh tế mũi nhọn, có khả năng đột phá để đưa hai tỉnh phát triển trên cả hai lĩnh vực khai thác nguồn lợi và nuôi trồng thủy hải sản. Hướng biển cũng là hướng mở rộng giao thương trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái.
Hai tỉnh cùng có chuỗi đô thị (hiện trở thành những phường) có tiềm năng phát triển, như: Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, Ba Đồn; có 2 tòa thành cổ là thành Đồng Hới và thành Quảng Trị cùng với quần thể di sản phủ Chúa ở Ái Tử (Quảng Trị), hệ thống Lũy Đào Duy Từ ở Quảng Bình gắn liền thời kỳ mở cõi của Nguyễn Hoàng; Sơn Phòng Tân Sở và căn cứ chống Pháp gắn liền với vị vua yêu nước Hàm Nghi…
 
Trên địa bàn hai tỉnh đều có những di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng quật cường như chiến khu Ba Lòng, chiến khu Tuyên Hóa, Thuận Đức; những cụm di tích và địa danh ghi lại những dấu mốc trên hành trình lịch sử dân tộc như sông Gianh và sông Hiền Lương huyền thoại. Tất cả các di sản văn hóa có dấu ấn đặc sắc, trở thành điểm nhấn dân cư kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Đặc biệt, hai tỉnh có 2 đô thị đang phát triển theo hướng hiện đại, có thể tồn tại trong thiết chế phường nhưng vẫn luôn là trung tâm tạo ra sức hút để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, mở rộng giao thương và đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế thị trường. Đây cũng là hai trung tâm dân cư hội tụ các thành tố kinh tế, văn hóa, xã hội tiêu biểu cho tỉnh mới sau sáp nhập.  
 
Như vậy, hai tỉnh hội đủ các điều kiện để đáp ứng hai yêu cầu cơ bản của hội nhập và phát triển, đó là về mặt nội địa có khả năng phát triển kinh tế bền vững và về mặt đối ngoại, có khả năng mở rộng giao thương quốc tế. Đặc biệt là hành lang kinh tế Đông-Tây.
 
- P.V: Nói riêng về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, sẽ có những thách thức nào, thưa ông?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong sự thay đổi về thiết chế hành chính. Bởi, các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong thiết chế văn hóa.
 
Sau sáp nhập, việc cần làm ngay là không để đứt đoạn các giá trị và hoạt động văn hóa vốn có của hai địa phương trước đây, như: Bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, nhất là những di sản đã được công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia; tạo ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng liên vùng để nâng cao đời sống văn hóa của người dân...
 
- P.V: Ông có nhắn nhủ nào dành cho những người trẻ-nhân tố quyết định sự phát triển của vùng đất này trước vận hội mới của quê hương? 
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Với xu hướng mở trong tư duy, những người trẻ không bị giới hạn trong không gian và thời gian, do đó, họ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp, hợp tác và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa, cùng xây dựng quê hương phát triển mạnh mẽ, vượt qua ranh giới của bảo thủ và chia cắt. Tuổi trẻ tư duy khoáng đạt, sẽ làm cho tỉnh mới có cơ hội khởi sắc.
 
- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mai Nhân

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
"Chàng trai năm ấy nay lên lão..."
"Chàng trai năm ấy nay lên lão..."

(QBĐT) - "Chàng trai năm ấy nay lên lão/Vẫn nhớ như in khoảnh khắc này", là hai câu thơ trong một bài thơ mà cựu chiến binh Dương Hồng Dự, quê ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) đã viết nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.