"Chàng trai năm ấy nay lên lão..."

  • 03:04, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Chàng trai năm ấy nay lên lão/Vẫn nhớ như in khoảnh khắc này”, là hai câu thơ trong một bài thơ mà cựu chiến binh (CCB) Dương Hồng Dự, quê ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) đã viết nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn ai hết, là người đã trực tiếp cùng đồng đội tham gia phục vụ chiến đấu ở một mũi tiến công giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cái “khoảnh khắc” mà ông nhớ ấy thật oai hùng…
 
CCB Dương Hồng Dự sinh ngày 10/10/1954. Tháng 5/1972, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia huấn luyện tại Đoàn 22b, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau 2 tháng huấn luyện, ông lần lượt được biên chế vào các đơn vị: Đại đội 23, Vệ binh, Sư đoàn 325; Đại đội 2, Tiểu đoàn 17-Công binh, Sư đoàn 325 rồi trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng Huế-Đà Nẵng-TP. Hồ Chí Minh. Trong chặng đường hành quân chiến đấu dọc miền Trung từ Thành cổ Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết rồi vào đến Long Thành, Đồng Nai, cùng đồng đội vào sinh, ra tử, ông thấm thía hết sự khốc liệt mà hào hùng của cuộc chiến tranh vĩ đại mà dân tộc ta đã trải qua…
 
Bước qua khỏi cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, đầu năm 1975, ông tham gia trong đoàn quân tiến đánh chia cắt địch từ Bạch Mã đến Cầu Hai, huyện Phú Lộc và góp phần cùng đồng đội giải phóng Huế vào ngày 26/3/1975. Cùng đồng đội “thừa thắng xông lên”, ông tiếp tục góp công trong đội hình tiến công và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975 lịch sử. Nhưng với ông, khốc liệt, đáng nhớ nhất vẫn là những tháng ngày cùng đồng đội tham gia phục vụ chiến đấu ở chiến trường Long Thành, Đồng Nai.
 
Ông trầm ngâm kể lại, trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành diễn ra hết sức ác liệt, do địch co cụm phòng ngự với quân số đông, hỏa lực mạnh. Chính vì vậy, một đơn vị hành chính nhỏ bé nhưng ta đã phải dùng hết 1.500 quả đạn pháo mới phá vỡ được khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, đưa lực lượng của ta vào tiến công giải phóng Sài Gòn…
Cựu chiến binh Dương Hồng Dự kể về quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cựu chiến binh Dương Hồng Dự kể về quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Những thời khắc lịch sử ấy, ông đã cùng đồng đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu với tâm thế sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào. Chứng kiến cảnh đồng đội của mình vừa ngụy trang chiến đấu, vừa xúc động “hôn lấy hôn để” tấm hình của người em gái bé nhỏ ở quê nhà; chứng kiến những đồng đội hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn; rồi thì có lúc trên đường hành quân ác liệt, nhiều đồng đội sợ quá phải bỏ ngũ làm đơn vị báo động đi tìm trong điều kiện trên bom dưới đạn… Chiến đấu trực diện với quân thù, chiến đấu với bản thân để vượt qua sự đói khát, bom đạn, sợ hãi… chính là những khó khăn lớn nhất mà chàng trai trẻ Dương Hồng Dự đã vượt qua để bây giờ, khi bình yên trở lại ông luôn đau đáu nỗi niềm: Cái giá bình yên sao đắt thế/Gắng mà gìn giữ mọi người ơi!
 
Trắc địa cầu, đường, xây dựng công trình quân sự trong chiến đấu; hoa tiêu, bảo vệ an toàn sở chỉ huy… là những nhiệm vụ mà chàng trai trẻ Dương Hồng Dự được tổ chức tin tưởng giao phó trong tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện lực lượng, phương tiện hạn chế, dưới sự khống chế của hỏa lực, không quân, pháo binh địch... Song với bản tính can trường, dũng cảm, biết tranh thủ thời gian, biết lợi dụng địa hình, địa vật, Dương Hồng Dự đã cùng đồng đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho các lực lượng của ta cùng với binh khí kỹ thuật, xe, pháo các loại chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian, vị trí quy định và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng công sự, trận địa cho chiến đấu, ẩn nấp trong mọi hình thức tác chiến.
 
Với bản tính can trường, không sợ gian khổ, không ngại hy sinh, quá trình phục vụ chiến đấu, binh nhất Dương Hồng Dự đã được cấp trên trao tặng nhiều phần thưởng quý giá: Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba; Huy chương kháng chiến hạng Nhì; kỷ niệm chương “Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; giấy chứng nhận Huy hiệu Chiến dịch năm 1975; Giấy chứng nhận Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh; Giấy chứng nhận Thanh niên Quyết thắng…
Binh nhất Dương Hồng Dự khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Binh nhất Dương Hồng Dự khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bước ra từ cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, Dương Hồng Dự tiếp tục góp sức trong sự nghiệp “trồng người”. Tháng 10/1977, sau khi phục viên xuất ngũ, ông tham gia khóa đào tạo sư phạm 10+3 rồi tiếp tục vào “chiến trường xưa” ở Quảng Trị làm nghề dạy học. Hơn 20 năm làm thầy giáo bộ môn Văn-Sử tại các trường THCS Tân Lâm, Cam Tuyền, Cam Nghĩa ở tỉnh Quảng Trị, những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, những trang sử đấu tranh giải phóng dân tộc được ông truyền dạy bằng cả tâm huyết, trí tuệ và cuộc đời, bởi ông thấy được bóng dáng ông cùng đồng đội ở đó… Cũng vì vậy, mà các thế hệ học trò đã từng nghe ông giảng dạy đều nhắc nhớ về ông với những tình cảm, sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ sâu sắc.
 
Những năm tháng tuổi già, CCB Dương Hồng Dự sống bình yên, thanh thản trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở quê nhà. Tự hào về quá khứ, trân trọng hiện tại, nhắc nhủ con cháu gìn giữ hòa bình cho thế hệ tương lai chính là tâm niệm mà CCB Dương Hồng Dự muốn nhắn gửi.
Lan Anh

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Vững tin theo Đảng
Vững tin theo Đảng

(QBĐT) - Trong không khí rạo rực của những ngày tháng 4 lịch sử, đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tuổi trẻ Quảng Bình đang nỗ lực thi đua cống hiến sức trẻ, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.