(QBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Bởi vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì hiện nay lãng phí đang “biến tướng” dưới nhiều hình thức, kìm hãm sự phát triển của đời sống xã hội. Trong đó dễ dàng nhận thấy nhất là lĩnh vực đầu tư công khi nhiều công trình chậm tiến độ, tồn đọng, hiệu quả thấp; một số dự án “đắp chiếu” không triển khai thực hiện dẫn đến lãng phí tài nguyên…
Nhận thức rõ sự nguy hại của thứ “giặc nội xâm” này, các cơ quan Trung ương đã có những giải pháp, kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ khuyết những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, quy định phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quản lý kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Qua đó, tháo gỡ “điểm nghẽn”, nút thắt, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.
Đồng hành cùng với Trung ương, ngày 3/1/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 14/2/2025, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 215/UBND-TH về việc báo cáo rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn theo Thông báo kết luận phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn và đề xuất phương án, cơ chế, chính sách đột phá để giải quyết dứt điểm, kiên quyết thu hồi, loại bỏ các dự án, công trình không cần thiết để tập trung cho những dự án cấp bách; nhất là lĩnh vực đất đai (kể cả các dự án, công trình giao đất, cho thuê đất có thời hạn 50-70 năm), môi trường, tài nguyên, khoáng sản, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công (hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài). Có thể nói, đây là biện pháp thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Việc rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh gây thất thoát, lãng phí là hết sức cần thiết, đúng đắn và cần phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay còn có một nhiệm vụ quan trọng cấp bách đặt ra, đó là cần tập trung thực hiện quyết liệt là việc phòng, chống lãng phí, tiêu cực trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn. Cùng với với đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Minh Văn