(QBĐT) - Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giải quyết các hồ sơ, thủ tục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới) hiện có 36 lớp học, với 88 cán bộ giáo viên và 1.609 học sinh. Đây là một trong những đơn vị trường học có nhiều kết quả tích cực trong công tác CCHC, ứng dụng chuyển đổi số vào dạy học.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ Hoàng Thu Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở GD-ĐT, hàng năm, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác CCHC. Trường tiến hành niêm yết, công khai các thủ tục hành chính (TTHC) đúng quy định; giải quyết việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ cho học sinh… kịp thời, đúng hẹn, bảo đảm về mặt pháp lý; khai thác, sử dụng các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành theo yêu cầu, quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Đội ngũ giáo viên đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong dạy học với 100% giáo viên soạn giáo án điện tử.
Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ những giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, dạy học, năm học 2023-2024, Trường THPT Đào Duy Từ có tỷ lệ xếp loại 2 mặt (học lực, hạnh kiểm) của học sinh tiếp tục nâng cao. Nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi văn hóa, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh... đoạt giải cao.
![]() |
Bám sát các chương trình, kế hoạch của tỉnh về CCHC, Sở GD-ĐT đã kịp thời ban hành kế hoạch CCHC tại đơn vị và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai có trọng tâm, trọng điểm kế hoạch giai đoạn 2021-2030 và hàng năm của sở. Thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ, hội nghị, Sở GD-ĐT đã triển khai lồng ghép, đưa nội dung, thông tin về CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo việc rà soát, cập nhật, niêm yết công khai TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý kịp thời, đúng quy định.
Cùng đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được sở chú trọng, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ ngày càng nâng cao; tổ chức, bộ máy từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dần cơ cấu, chuẩn hóa theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm.
Xác định chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục đã duy trì, khai thác tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến; bổ sung, phát triển kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành; áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Cơ sở dữ liệu toàn ngành được triển khai, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, kịp thời chia sẻ hiệu quả với cơ sở dữ liệu quốc gia. Công tác hành chính quản trị, quản lý, điều hành của các cơ sở giáo dục được tăng cường xử lý trên môi trường mạng thông qua các phần mềm, email, nhóm facebook, zalo, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh...
Ngành GD-ĐT hiện có 125 TTHC ở cả 3 cấp chính quyền. Từ ngày 1/1/2024-25/2/2025, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của ngành là 751 hồ sơ, trong đó, giải quyết trước hạn 704 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 31 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 16 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn đang giải quyết; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 99,87%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 76,13% (vượt 6,13% so với chỉ tiêu tỉnh giao). |
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, thời gian qua, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, vận hành bộ máy, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức; xây dựng phong cách làm việc khoa học, hiệu quả. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức đều nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ của công tác CCHC; có thái độ chuẩn mực, trách nhiệm trong công việc, không có trường hợp gây khó khăn, phiền hà với công dân đến liên hệ công việc. Năm 2024, ngành GD-ĐT đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ CCHC, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động CCHC. Nhờ đó, chỉ số CCHC năm 2024 tăng vượt bậc, xếp thứ 3/21 các sở, ngành, tăng 7 bậc so với năm 2023.
Trên cơ sở kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để những chỉ số mất điểm, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như: Tiếp tục bám sát hệ thống văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ triển khai công tác CCHC tại đơn vị; thực hiện tốt nội dung kiểm tra CCHC tại các đơn vị trực thuộc; kịp thời xây dựng lại quy trình dịch vụ công trực tuyến bảo đảm cắt bỏ các bước không cần thiết để giảm chi phí thời gian cho quá trình giải quyết TTHC.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; trang bị, sử dụng phần mềm quản lý chuyên ngành theo quy định, thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và giá trị sử dụng theo đúng lộ trình quy định; kiện toàn bộ máy tổ chức của sở và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, tiếp nhận và điều động cán bộ nghiêm túc, đúng quy trình...
Lê Mai