(QBĐT) - Việc thực hiện chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao có vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn 2021-2024, Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển NNL hướng tới mục tiêu đáp ứng thị trường lao động và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Tại cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng NNL đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là NNL chất lượng cao, giai đoạn 2021-2024”, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 200 lớp bồi dưỡng cho gần 6.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Học viên các khóa bồi dưỡng được triệu tập đúng đối tượng, số lượng, gắn với quy hoạch cán bộ, yêu cầu phát triển NNL và việc bố trí sử dụng CB, CC, VC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng cao hơn 6,99% so với cùng kỳ giai đoạn nhiệm kỳ 2015-2020; số lượng CB, CC, VC đã được đào tạo sau đại học đạt tỷ lệ hơn 10% (2.836/27.495 CB, CC, VC toàn tỉnh).
![]() |
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN), khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đội ngũ trí thức của tỉnh đã gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng và từng bước phát huy được vai trò của mình để góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Chất lượng đào tạo NNL và nghiên cứu khoa học của Trường đại học Quảng Bình, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các tổ chức KH-CN trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, bước đầu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Theo tiến sĩ Dương Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình, từ năm 2021 đến nay, nhà trường luôn chú trọng thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút giảng viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, đặc biệt là giảng viên có trình độ tiến sĩ về công tác, giảng dạy; tạo môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo cho đội ngũ trí thức; khuyến khích, có chính sách đãi ngộ đối với viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Đội ngũ giảng viên nhà trường đã công bố 610 công trình khoa học; trong đó: 40 bài đăng trên tạp chí quốc tế (chiếm 6,5%); 112 bài tham gia hội thảo quốc tế (chiếm 18,4%)...
Quy mô, số lượng NNL của tỉnh (tính đến ngày 31/12/2024): Công chức 1.562 người, trong đó có 23 tiến sĩ, 801 thạc sĩ; viên chức 21.708 người, trong đó có 87 tiến sĩ, 1.986 thạc sĩ; về cán bộ, công chức cấp xã: 2.843/3.109 người, trong đó có 1.470 cán bộ và 1.373 công chức. |
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trí thức KH-CN đã chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện 2 đề tài, dự án cấp nhà nước; 7 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi; 81 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh; 67 nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN, mô hình liên kết ứng dụng KH-CN. Các đề tài, dự án tập trung thực hiện trong giai đoạn này với nội dung chủ yếu: Tiến hành điều tra, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, KT-XH, quản lý, giáo dục, y tế, du lịch-dịch vụ, nông lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản… đã làm cơ sở cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quy hoạch, lập các dự án phát triển KT-XH, dự án KH-CN về phát triển các vùng địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sáng tạo KH-CN cũng được các đơn vị, địa phương đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, Sở KH-CN đã tham mưu tổ chức thành công 2 cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với 72 dự án/ý tưởng tham gia dự thi (có 26 dự án/ý tưởng đoạt giải). Cuộc thi đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; đồng thời tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Những thách thức trong thu hút nguồn nhân lực
Trong thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, đặc biệt là việc sử dụng NNL chất lượng cao. Bởi vì nếu không đổi mới vô hình trung sẽ trở thành “điểm nghẽn” kìm hãm xu thế phát triển hiện nay. Giai đoạn 2021-2024, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên việc phát triển và sử dụng NNL, nhất là NNL chất lượng cao của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
![]() |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, công tác cán bộ tuy đạt được nhiều kết quả nhưng một số nơi chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chưa có sự đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, như: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương thức thi tuyển, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thu hút bằng hình thức mời gọi trực tiếp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành và nhà quản lý giỏi còn rất hạn chế; chưa thu hút được bằng hình thức tiếp nhận về công tác tại tỉnh; chưa kịp thời phát hiện những nhân tài là con em Quảng Bình đang công tác tại các địa phương khác về xây dựng quê hương; công tác tuyển dụng lao động Việt Nam thay thế các vị trí việc làm sử dụng người lao động nước ngoài chưa thực sự hiệu quả.
Từ năm 2021 đến ngày 7/12/2024, toàn tỉnh có 52 chỉ tiêu tuyển dụng công chức, trong đó 1 người trúng tuyển thu hút và 51 người trúng tuyển thông thường; đối với viên chức có 266 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó có 1 người trúng tuyển thu hút và 265 người trúng tuyển thông thường. |
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đề nghị, cần sớm tạo các cơ sở pháp lý để nhà trường có quyền chủ động trong công tác thu hút, tuyển dụng được những giáo viên giỏi, đáp ứng được yêu cầu bồi dưỡng và đào tạo nhân tài. Sở Giáo dục-Đào tạo tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, HĐND tỉnh về chính sách đãi ngộ cho giáo viên dạy chuyên và chính sách, chế độ để mời các chuyên gia đầu ngành trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đồng thời, sớm ban hành quy định về chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, theo năng lực của từng cá nhân để giáo viên dạy chuyên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút đối với các học sinh THPT đã từng đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia chọn ngành Sư phạm và muốn quay lại công tác giảng dạy tại trường THPT chuyên.
Quảng Bình là địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn lại ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật lớn của cả nước, trong khi đó tỉnh lại không có các trung tâm, viện nghiên cứu hiện đại, xứng tầm, thiếu môi trường thuận lợi để người tài thực sự phát huy khả năng, kiến thức của mình vào thực tế. Do đó, tỉnh cần đột phá về chính sách đãi ngộ để thu hút NNL chất lượng cao, đặc biệt đối với các ngành Y, Dược, Kiến trúc, Quy hoạch đô thị… Có như vậy, Quảng Bình mới khởi sắc mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống KT-XH trong bối cảnh hiện nay.
Minh Văn