Nơi lưu giữ những mốc son lịch sử

  • 04:12, 22/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tọa lạc trên một diện tích rộng hơn 386.600m2 tại Km6+600, đại lộ Thăng Long thuộc hai phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam trở thành một “địa chỉ đỏ” cho nhân dân và bạn bè quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng những bảo vật, kỷ vật, tư liệu, hình ảnh... gắn liền với hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Sáu chủ đề xuyên suốt hành trình lịch sử

May mắn cho chúng tôi khi đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện LSQS nhận lời kết nối và làm hướng dẫn viên đưa đi tham quan bảo tàng. Mở cửa từ những ngày đầu tháng 11/2024, Bảo tàng LSQS Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải, khi mỗi ngày đón đến hàng nghìn người khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về.

Bắt đầu chuyến tham quan, đại tá Nguyễn Ngọc Long giới thiệu: Đến với Bảo tàng LSQS Việt Nam là chúng ta như xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc với 6 chủ đề nối tiếp nhau thành một mạch nguồn: Khởi đầu từ không gian tái hiện thời kỳ dựng nước và giữ nước (700 TCN-938) của người Việt từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc đến chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) của Ngô Quyền, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Kế tiếp là không gian tái hiện quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, giai đoạn 938-1858 của các triều đại phong kiến Việt Nam. Bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đánh thắng các thế lực xâm lược, giữ vững nền độc lập, tự chủ.

Bảo tàng LSQS Việt Nam với điểm nhấn là tòa tháp Chiến thắng vút lên nền trời xanh.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với điểm nhấn là tòa tháp Chiến thắng vút lên nền trời xanh.

Tiếp nối là giai đoạn chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc (1858-1945) và cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1945-1954). Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp đến là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh đế quốc Mỹ. Kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước.

Cuối cùng là giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2024) với những thành tựu quan trọng của đất nước. Nhất là trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...

Từ ngoài vào, chúng tôi rất ấn tượng trước tòa tháp mang tên Chiến thắng cao 45m đâm vút lên trời xanh, sâu phía trong là khối nhà bảo tàng gồm 5 tầng. Trong khuôn viên bảo tàng, phía bên phải trưng bày các loại vũ khí, trang bị của QĐND Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, như: Pháo 85mm, pháo cao xạ, xe tăng T54, máy bay MiG17, Su22, tên lửa Sam...

Bên trái bảo tàng là những loại vũ khí, trang bị quân đội Pháp và Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, gồm: Các loại pháo, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng hiện đại, máy bay A37, F5E, CH47, C130 và hàng chục loại bom, đạn. Điểm nhấn là xác pháo đài bay B52 bị bắn cháy trong chiến dịch “12 ngày đêm-Điện Biên Phủ trên không”...

Bốn bảo vật quốc gia đặc biệt

Thượng tá Nguyễn Thành Lê, Phó giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam hướng dẫn chúng tôi thăm nơi trưng bày 4 bảo vật quốc gia, gồm: Máy bay MiG21 số hiệu 4324 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Giai đoạn 1965-1967, có 8 phi công điều khiển chiếc máy bay này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. MiG21 số hiệu 4324 từng tham gia không chiến và bắn rơi 14 máy bay Mỹ.

Một chiếc MiG21 khác mang số hiệu 5121 cũng trở thành bảo vật quốc gia khi từng bắn rơi 5 máy bay Mỹ năm 1972. Trong trận không chiến đêm 27/12/1972, phi công Phạm Tuân điều khiển MiG21, số hiệu 5121 bắn cháy một B52 Mỹ.

Vũ khí, khí tài của đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được bố trí phía bên trái Bảo tàng.
Vũ khí, khí tài của đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được bố trí phía bên trái Bảo tàng.

Một bảo vật quốc gia khác là chiếc xe tăng T54B số hiệu 843, nằm trên bệ đá cao với nòng pháo hiên ngang vươn về phía trước như đang còn xung trận. Trong kháng chiến chống Mỹ, xe tăng T54B thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, xe tăng T54B số hiệu 843 dẫn đầu đội hình hành tiến vào Sài Gòn. Lúc 11 giờ, xe tăng húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, bị chết máy. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843 là người cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập.

Nằm trang trọng trong không gian trưng bày, tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là tấm bản đồ được Bộ Chỉ huy chiến dịch dùng để chỉ đạo giải phóng Sài Gòn-Gia Định, tháng 4/1975. Năm 2015, tấm bản đồ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Với hơn 150.000 hiện vật đang lưu giữ, trưng bày xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, mỗi hiện vật của Bảo tàng LSQS Việt Nam là một câu chuyện kể về lịch sử luôn chờ đợi mọi người khám phá, tìm hiểu, để lịch sử mãi mãi trường tồn, như lời Bác Hồ dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

“Kiến trúc Bảo tàng LSQS Việt Nam không chỉ đơn thuần trưng bày về lịch sử chiến tranh. Việc áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, như: Công nghệ sa bàn 3D Mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin; Media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động Audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và trên 60 video clip giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh, nhân vật lịch sử tiêu biểu... tạo một không gian chung, xuyên suốt giúp khách tham quan có nhiều tương tác, trải nghiệm mới về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của QĐND Việt Nam anh hùng”, thượng tá Nguyễn Thành Lê chia sẻ thêm.

Hồ An

tin liên quan

Những dấu ấn... dân vận!
Những dấu ấn... dân vận!

(QBĐT) - Những dấu ấn trong công tác dân vận năm 2024 là UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí, thang điểm, phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; "Dân vận khéo" trong thực hiện các dự án trọng điểm...

Cụm thi đua Ủy ban MTTQVN các tỉnh Bắc Trung bộ: Ký kết giao ước thi đua năm 2025
Cụm thi đua Ủy ban MTTQVN các tỉnh Bắc Trung bộ: Ký kết giao ước thi đua năm 2025
(QBĐT) - Sáng 20/12, tại TP. Đồng Hới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đăng cai tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Cụm thi đua Ủy ban MTTQVN các tỉnh Bắc Trung bộ năm 2024.
 
Quy chế thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động
Quy chế thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3591/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.