Sáng tạo từ mô hình "Dân vận khéo" giúp xã Trường Sơn

  • 06:11, 04/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với cách làm hay, sáng tạo, mô hình “Dân vận khéo” giúp bản Thượng Sơn, xã. Trường Sơn của Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tạo sự gắn kết giữa cán bộ, nhân dân vùng xuôi với bà con dân bản, tăng cường tình đoàn kết dân tộc nơi biên giới. Kết quả của mô hình cũng khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh Nguyễn Văn Thế cho biết: “Tháng 4/2023, cán bộ, nhân dân xã Vạn Ninh bắt tay thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp đỡ bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là nghĩa vụ, trách nhiệm của xã đồng bằng đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và để có cơ sở thực hiện, Đảng ủy xã đã thành lập tổ khảo sát và trực tiếp đến làm việc với cán bộ xã, cán bộ bản; đồng thời, tổ chức họp dân để nắm bắt, đánh giá thực trạng về điều kiện kinh tế-xã hội và tình hình đời sống của bà con trong bản.

Qua khảo sát, nắm bắt tình hình, xã xác định được nhu cầu cấp thiết của bà con và xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện mô hình hỗ trợ, giúp đỡ với 2 phần việc, gồm: Nâng cao nhận thức, hiệu quả nuôi gà thả vườn của bà con Bru-Vân Kiều; nâng cao nhận thức của ĐBDTTS trong sử dụng công trình nhà vệ sinh hợp lý”.

Kế hoạch được thông qua, Đảng ủy xã Vạn Ninh thành lập tổ chỉ đạo, tổ giúp việc tổ chỉ đạo, huy động các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQVN, trưởng các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, công chức liên quan cùng chung tay thực hiện mô hình. Sau khi xác định khối lượng công việc cần tiến hành và kinh phí phục vụ mô hình, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch và quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền, huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để thực hiện.

Nhờ quán triệt sâu sắc trong toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn và gửi thư kêu gọi rộng rãi trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội... mô hình nhận được nguồn kinh phí ủng hộ trên 100 triệu đồng; trong đó, nhân dân đóng góp, hỗ trợ hơn 65 triệu đồng và các doanh nghiệp trên 40 triệu đồng.

Cán bộ, nhân dân xã Vạn Ninh trao gà giống cho bà con bản Thượng Sơn.
Cán bộ, nhân dân xã Vạn Ninh trao gà giống cho bà con bản Thượng Sơn.

“Để cán bộ, bà con có cách nhìn sơ bộ về mô hình cần thực hiện, Đảng ủy xã tổ chức cho cán bộ xã Trường Sơn, cán bộ, các thành viên Ban công tác Mặt trận và các hộ dân bản Thượng Sơn về tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã Vạn Ninh. Tận mắt chứng kiến hiệu quả của mô hình nuôi gà thả vườn, bà con rất phấn khởi, hào hứng đề xuất xã Vạn Ninh sớm triển khai mô hình để bắt tay thực hiện...”, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh Nguyễn Văn Thế chia sẻ thêm.

Triển khai mô hình, tổ chỉ đạo phân công thành viên và tổ giúp việc thành hai tổ công tác, mỗi tổ phụ trách một mô hình, chủ động phối hợp với cán bộ xã Trường Sơn phụ trách bản, Đồn Biên phòng Làng Mô, trưởng bản và ban công tác Mặt trận bản, các hộ dân để thực hiện các phần việc, như: Chuẩn bị nhân lực, mua và tập kết vật liệu, thiết bị cần thiết cho mô hình.

Theo đó, xã Vạn Ninh đã cử đoàn cán bộ, công chức, người lao động trên 30 người lên hỗ trợ bà con bản Thượng Sơn thực hiện mô hình. Đồn Biên phòng Làng Mô cử cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ bà con làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng gà... Các hộ dân được chọn thực hiện mô hình đã đào hố, chuẩn bị vật liệu làm khung nhà vệ sinh, khung mái chuồng trại chăn nuôi... Cùng với đó, các đoàn công tác của xã Vạn Ninh chuyển gà giống, thức ăn, dụng cụ và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con theo hình thức “bắt tay, chỉ việc”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân xã Vạn Ninh, sự hỗ trợ tích cực của Đồn Biên phòng Làng Mô và tinh thần nỗ lực, không ngại khó của bà con Bru-Vân Kiều, mô hình “Dân vận khéo” giúp đỡ bản Thượng Sơn đã thành công khi đầu tư xây dựng được 10 nhà vệ sinh tự hủy cho các hộ gia đình khó khăn với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi gà thả vườn, xã Vạn Ninh hỗ trợ xây dựng chuồng, cấp gà giống (mỗi hộ 100 con), thức ăn, dụng cụ phục vụ chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thả vườn cho 6 hộ với tổng kinh phí 64 triệu đồng.

Một trong những cách làm hay, sáng tạo tại mô hình “Dân vận khéo” giúp bản Thượng Sơn đó là trong quá trình thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà thả vườn, cán bộ phụ trách mô hình của xã Vạn Ninh và hộ chăn nuôi thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với nhau qua điện thoại. Trong trường hợp gà bị bệnh, bà con quay hình ảnh trực tiếp để cán bộ thú y xã nắm bắt, xác định bệnh và hướng dẫn cách điều trị. Nhờ đó, đàn gà phát triển khỏe mạnh, bà con rất phấn khởi, tự tin vì đã làm được như ở đồng bằng.

Sau gần 8 tháng triển khai, các hộ đã xuất bán gà với trị giá gần 100 triệu đồng; trong đó, có 3 hộ lựa chọn gà mái (mỗi hộ chọn 20 con) nuôi lấy trứng và dành kinh phí để tái đàn. Tiếp tục thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp bản Thượng Sơn, năm 2024, cán bộ, nhân dân xã Vạn Ninh đã xã hội hóa nguồn kinh phí gần 50 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng thêm 3 công trình nhà vệ sinh tự hủy cho 3 hộ ĐBDTTS; hỗ trợ thêm mô hình nuôi gà thả vườn cho 3 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tái đàn gà cho 3 hộ gia đình thực hiện năm 2023 với số lượng 450 gà giống.

Đánh giá về mô hình “Dân vận khéo” giúp đỡ bản Thượng Sơn của Đảng bộ và nhân dân xã Vạn Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Khánh nhấn mạnh: “Đây là mô hình nhận được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong huy động nguồn kinh phí, cũng như thành lập và phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho các thành viên tổ chỉ đạo, tổ giúp việc trong quá trình thực hiện. Đối với mô hình sinh kế, mà cụ thể là mô hình phát triển chăn nuôi gà thả vườn, bằng hình thức “bắt tay, chỉ việc”, kết hợp hình ảnh trực quan sinh động, lời chỉ dẫn dễ hiểu, dễ nhớ nên bà con tiếp thu và áp dụng thực tế nhanh. Mô hình góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và có ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả thực tiễn mà mô hình mang lại và sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để lan tỏa, nhân rộng ở các địa phương”.

Hiền Chi

tin liên quan

Phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đảng các cấp
Phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đảng các cấp

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2028/KH-UBND phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVIII, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ VI.

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để duy trì tốc độ tăng trưởng
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để duy trì tốc độ tăng trưởng

(QBĐT) - Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

Ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đối với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.